Thursday, February 03, 2005

Tranh luận: Những đứa con của chiến tranh

Cuộc tranh luận này không được chính thức đưa vào Hợp tuyển box Văn học dù lúc đó những người biên tập rất muốn đưa vào. Tôi xin bổ sung vào ở đây như là những trang sách cuối cùng khép lại Hợp tuyển này . Phần này được lấy ra từ trang web: www.gio-o.com (VNHL).

thứ sáu ngày 25.4.2002....
(trích từ diễn dàn Trí Tuệ Việt Nam, trong nước)

Pittypat bắt đầu bằng một mầu chuyện như sau:

Bây giờ là khoảng 1h hơn sáng ngày 18.4.02. Trời (chưa) mưa, tiếng sấm ì ầm ngoài cửa sổ. Không khí trong phòng ngột ngạt hơi ẩm. Chợt thấy thèm được mò lên sân thượng, thả mình trong những cơn gió lồng lộng, cuồn cuộn, mạnh mẽ...

Giờ này năm trước... chắc là đang online tán gẫu với một lão bạn mới quen trên mạng. Cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện đó là một Việt Kiều sống ở Mỹ từ bé và (có lẽ) không biết tiếng Việt. Lần đầu tiên online gặp được một người Việt không biết tíêng Việt, điều đó thực sự kích thích. Mình đã rất vui vì được nói chuyện với một người Việt đầy nhiệt tình, thông minh và tốt bụng. Đó là một người bạn khá hay và chắc mình đã có thể duy trì được một tình bạn ảo khá đẹp nếu như không có một ngày, hứng lên bàn chuyện chính trị và du học. Ban đầu chỉ là lời khuyên cho công việc học tập và chuyện mình nên apply vào trường nào. Rồi chẳng hiểu tại sao lại bàn đến G.Bush, đến communism, đến quá khứ, đến hiện tại... Đó là lần đầu tiên trong đời có một người nói với mình về chủ nghĩa xã hội, về chiến tranh theo cái cách hoàn toàn mới, theo một hướng hoàn toàn khác những gì mình được học, được nghe. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình gặp một người Việt ghét nước mình, tôn thờ nước bạn đến thế. Anh lấy đủ mọi dẫn chứng bản thân từng trải qua khi trở về Việt Nam, lấy đủ mọi lý lẽ trong các học thuyết này nọ tìm hiểu ở thư viện trường... và khó nói hơn cả là ví dụ từ bản thân mẹ anh.

Khuya hôm đó, mình đã chết lặng. Không chỉ kinh hoàng vì những gì anh nói, vì nỗi căm thù ngùn ngụt tuôn trào trong những câu thoại liên tục nối nhau xuất hiện trên màn hình, mình còn cảm thấy sợ hãi với sự bất lực về kiến thức, ngôn ngữ và khả năng thuyết phục của bản thân. Tuy chỉ là những dòng chữ vô cảm xuất hiện nối tiếp trên một cái máy tính vô tri, nhưng người ta có thể cảm thấy được sự điên cuồng của người 'đối thoại' không biết mặt. Mình đã không thể chen nổi một câu nào, không thể làm gì để anh chú ý đến những điều mình muốn giãi bày. Dường như lúc đó, tất cả sự uất ức đè nén trong lòng anh bấy lâu đều đã thành công trong việc phá vỡ những rào cản. Và mình chỉ giống như một khoảng đất trũng để khối nước nóng bỏng trào vào. Vẫn được nghe nói nhiều về chuyện Việt Kiều nhiều người có những suy nghĩ sai lệch về VN như thế nào... nhưng...

Giả sử nếu tối hôm ấy mình thành công trong việc thuyết phục anh chịu dừng type và lắng nghe mình, thì liệu mình sẽ nói cái gì bây giờ? Có một câu rất hay như thế này: 'Before you can dry another's tears, you yourself must weep'. Mình là một đứa trẻ ngay trong xã hội mình đang sống, kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa hầu như chỉ dừng lại ở những câu, chữ được lặp đi lặp lại hàng trăm lần, kinh nghiệm sống là một số 0 tròn trĩnh. Mình sẽ có thể nói gì đây với một con người hơn mình cả 5 năm tồn tại? Mình sẽ nói gì đây với một con người luôn phải chứng kiến mẹ mình đau khổ, uất ức với quá khứ một thời? Mình làm sao có thể thuyết phục nổi một người thực sự nghiêm túc trong việc tìm tòi, nghiên cứu, lật lại những trang lịch sử (dù chỉ tiến hành xem xét mọi việc tại một nước như Mỹ...)? Và quan trọng hơn cả, liệu mình có đủ vốn từ để có thể diễn đạt những điều suy nghĩ trong giới hạn một private room nhỏ bé trong trang chat? Tất cả những điều đó đã khiến mình nhận ra được sự bất lực của một kẻ không có kiến thức, một kẻ chẳng bao giờ có được một đôi tai lắng nghe, một kẻ chẳng bao giờ có chân lý của riêng mình...

Mà giả sử mình là một người thông tuệ, liệu rằng mình có thể thay đổi được một cách suy nghĩ đã ăn sâu hàng mấy chục năm ấy không?

Thử đặt mình vào vị trí của một người sinh ra trên nước bạn. Ngay từ khi tâm hồn chỉ là trang giấy trắng, người mẹ đã viết lên đó hai chữ 'căm thù' với những nét bút ấn mạnh. Sau này lớn lên, cho dù có hàng trăm những câu chữ được viết lên rồi lại được xoá đi, dấu hằn của 'căm thù' vẫn còn rõ nét. Mình sẽ trân trọng hai tiếng 'căm thù' đó, coi nó là thiêng liêng, cho dù cả chồng lý thuyết đã chứng minh đó là hai tiếng sai lầm. Đơn giản bởi nó là của mẹ, nó là những điều mẹ đã dậy...

Thật buồn. Chẳng nhẽ khoảng cách giữa những người con theo 'cha' Lạc Long Quân với những người theo 'mẹ' Âu Cơ thần thoại luôn là một bức tường thép không tài nào phá nổi hay sao? Chẳng nhẽ cùng là người Việt mà chúgn ta lại xa nhau thế sao?...

Yasunari trả lời:

Đọc bài này bác chả cười được đâu cháu pitty ạ . Bác buồn quá . Cháu hỏi tại sao cùng là người Việt mà cứ phải như thế . Muốn trả lời được thì phải hiểu tại sao cùng là người mà lại có căm thù .
Nhưng nếu cháu ở trong tình trạng của anh chàng ấy và hai chữ ' căm thù ' in đậm trong đầu cháu , thì nhìn cháu , bác sẽ lắc đầu . Bác sẽ vừa thương vừa khinh cháu . Cháu chả có lỗi gì trong việc người ta khắc căm thù lên vỏ não cháu , nhưng cháu thật đáng đánh đòn khi cứ để mặc cho căm thù lấn át mình , khi ý chí của cháu , lòng nhân ái của cháu , sự vị tha của cháu nằm im , chết lặng đằng sau những căm thù man rợ , khi cháu thông thái mà lại như một thổ dân cổ đại .
Nếu gặp lại anh chàng ấy , cháu hãy cố làm cho hắn nhìn thấy những đồng bào hắn sống ra sao , cho hắn hiểu rằng phải nhìn sự việc từ nhiều khía cạnh . Nếu không thuyết phục được hắn , hãy nói với hắn : Anh làm tôi thất vọng và mất lòng tin vào con người , anh thực đáng ghê tởm vì cứ nghĩ đến anh là tôi thấy cuộc đời đen tối .
Cầu Thượng đế thương xót những người khổ sở vì hằn thù !


Nỗi ám ảnh kéo dài gần một năm rồi cơ à Pitty? Thế mà tôi cứ tưởng đấy chỉ là một vấn đề nhỏ, xin lỗi nhé.


Lúc đó, Pitty 16 tuổi, chưa thể hiểu cặn kẽ những điều anh ta nói, chưa thể bắt bẻ được anh ta và càng không thể giải thích hay tác động, có lẽ bây giờ vẫn vậy. Nhưng ở tuổi ấy, người ta đã có tình yêu đất nước từ lâu rồi, không hiểu, nhưng có thể cảm nhận được những điều đó, đủ để biết rằng anh ta là một người không tồi và có hiểu biết, và đủ để thấy đau đớn khi đất nước mình bị hạ thấp trước sự bất lực của bản thân.

Anh ta sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, rõ ràng anh ta là người Mỹ, rõ ràng hơn, anh ta không phải là người Việt Nam. Điều duy nhất anh ta thừa hưởng từ đất nước này, đó là lòng căm thù của người mẹ tha phương.

Và chị Grass này, đã bao giờ chị đặt chân vào một thư viện nào đó trên đất Mỹ? Và tại sao, chị nghĩ rằng tài liệu của nước Mỹ lại hơn tài liệu của Việt Nam. Theo em, nước Mỹ có tư liệu từ chiến tuyến của họ, và chúng ta có tư liệu từ chiến tuyến bên kia. Không thể so sánh ai hơn ai được. Và như ngay cuộc chiến Nam Tư hay Apgha gần đây, tư liệu của người Mỹ thế nào chắc ai cũng biết. Dù sao, đấy cũng chỉ là vấn đề nhỏ.

Vấn đề chính ở đây là lòng căm thù của những người tha phương. Họ không phải là những tầng lớp nông dân, công nhân mà là sĩ quan, trí thức. Với tầng lớp thượng lưu ấy, đất nước của họ chính là Việt Nam Cộng Hoà. Và họ là những kẻ mất nước, đi cùng với lòng căm thù tất yếu. Trong cuộc chiến ấy, chúng ta là kẻ chiến thắng. Và tất nhiên, với cương vị kẻ mạnh, chúng ta có quyền tha thứ. Ở Mỹ, tầng lớp thua trận ở xứ người cũng gần qua, giờ là lúc hội nhập và phát triển. Nhưng dù thế nào, vẫn chưa thể nói là có một sự an toàn trong quan hệ hai nước. Đấy là với một nước Mỹ chỉ còn chút dư vị, còn họ, nó là cả một nỗi đau đớn, căm thù của những kẻ yếu truyền qua bao thế hệ trên quê người, nỗi đau của kẻ mất nhà. Một bài toán chưa có lời giải giữa những anh em cùng dân tộc.

Nói một cách khách quan là thế, chứ em mà thấy hắn ở đây và nói những lời như vậy, chắc cũng đành ngậm ngùi mà vào đồn cảnh sát ngồi một thời gian vì tội...thôi ạ.

Grass viết:

Hi hi, thật ra không định ý kiến gì đâu, cơ mà thấy em Yaxu hùng hổ quá, có ý kiến tý chút về ý kiến của em.



Trích từ bài của Yasunari viết lúc 12:19 ngày 18/04/2002:
--------------------------------------------------------------------------------
Về nhận thức, thật tai hại , ít người có được cái khả năng tỉnh táo và hoài nghi chừng mực, mà hầu hết đều cực đoan , đều điên cuồng tin bằng tất cả con người mình rằng mình đúng, rằng chân lý đang ở ngay trước mắt và mình có chân lý .

--------------------------------------------------------------------------------



Em ơi, khi em nói về cái người kia như thế, chính em đang không hoàn toàn tỉnh táo và không đủ hoài nghi. Em chưa từng nói chuyện với anh ta. Em chưa từng thấy những lập luận hay hận thù của anh ta, liệu em có thể nói thế không? Em Pitty chatting với anh ta năm ngoái, nghĩa là 16 tuổi. Lúc đó em ấy có thể cảm thấy sự hận thù, nhưng liệu em có nắm được hết những điều anh ta nói, để phân biệt đâu là đúng đâu là sai không? 1 năm sau, em Pitty viết lại như 1 tuỳ bút, thế rồi em xông vào, như 1 triết gia biết mọi điều về lý trí và tâm hồn người, với hừng hực khí thế 'rằng mình đúng, rằng chân lý đang ở ngay trước mắt và mình có chân lý'.

Khi em viết rằng anh ta

Trích từ:
--------------------------------------------------------------------------------
đang nhắm mắt tin theo những thứ người ta nhồi sọ mình, không đủ bản lĩnh đứng cao hơn hiện tượng để nhận ra đâu là âm, đâu là dương , và đâu là mình, mình đang ở đâu và mình cần làm gì. Anh ta ca ngợi nước Mỹ mà không thấy ai đang nắm nó và người nắm nước Mỹ ấy đang làm gì, thương mẹ vì những đau khổ mẹ đã trải qua nhưng không phân biệt tại sao có những đau khổ ấy và ai có lỗi, cho rằng đồng loại là một lũ đáng tởm mà không hiểu mình mới đáng tởm và đáng thương. Những cơ sở cho căm thù anh ta thật ấu trĩ và nông cạn , thật hạn hẹp và mù loà
--------------------------------------------------------------------------------


chính em cũng đang không đầy đủ thông tin, cũng đang đi theo cái nhìn 1 chiều để phán xét. Làm sao em biết 'ai đang nắm nước Mỹ' và 'người đó đang làm gì'? Có phải qua những luồng thông tin cũng 1 chiều?
Và làm sao em dám chắc rằng trong hơn hai mươi năm chiến tranh, chỉ có duy nhất một bên là có lỗi? Và tại sao em nói anh ta thấy đồng loại là một lũ đáng tởm? Chính em Pitty cũng chả viết như thế. Hi hi, hình như ở đây có sự áp dụng chuyện ngụ ngôn của Anđecxen về lan truyền thông tin, từ 1 cái lông gà bị rụng thành 5 con gà khoả thân thì phải.


Chị nhớ một câu chuyện từng được đăng trên HHT (tất nhiên là HHT ngày xưa). Có 1 cô bé gửi thư đến HHT, đại ý lớp em bầu lớp trưởng. Có 2 người ứng cử, trong đó có người bạn thân nhất của em. Sau khi suy xét giữa 2 người, em đã bỏ phiếu cho người kia. Người bạn thân đã rất giận em. Em rất buồn và gửi thư đến HHT xin giúp đỡ.
Có rất nhiều bức thư gửi về an ủi, đều nói rằng em làm như thế là đúng, rồi người bạn thân sẽ nhận ra thôi, đừng buồn và mọi chuyện sẽ ổn.
Duy nhất có 1 bức thư của em bé lớp 9 đã viết: 'Bạn đừng buồn, người bạn kia giận bạn như thế là đúng, nhưng rồi sẽ qua thôi'.
Hãy thử là người bạn kia. Người đó giận cũng là đúng chứ, đúng không?
Hãy thử là người mẹ kia. Người đó phải đau khổ và oán hận cũng là đúng chứ, phải không?

Chị nghĩ anh ta đã hơn rất nhiều người, đã không tiếp nhận hận thù một cách đương nhiên. Anh ta đã tìm hiểu, đã nghiên cứu, đã suy nghĩ và so sánh (và chị biết chắc rằng những tài liệu về chiến tranh Việt Nam tại các trường Đại học Mỹ phong phú và gần với sự thật hơn nhiều so với tài liệu của bất kỳ thư viện Việt Nam nào). Khi mà em, và chị, chúng ta đã không làm được như thế, thông tin duy nhất chúng ta có về cuộc chiến là do VTV1, VTV2, SGK lịch sử của nhà trường XHCN cung cấp, liệu ta có quyền nói anh ta 'nhắm mắt, ấu trĩ, nông cạn, mù loà, không kiểm chứng' không, liệu chúng ta có phải là 'đã nhìn từ mọi mặt, nhìn thấy gốc rễ' không?

Khi em nói 'chỉ vì thấy mẹ mình kêu ca', trong em đã không có tình yêu phổ quát mà em ca ngợi. Đó không chỉ là lời kêu ca. Đó là một cuộc đời bị tàn phá. Và cuộc đời ấy cũng đáng giá không kém gì những cuộc đời khác đang ở VN, ở Mỹ hay đã chết trong chiến tranh.

Chị không ca ngợi gì hận thù, nhưng bài viết của em cũng lại là hận thù ở một cách khác. Và theo chị, cách tốt nhất để hận thù qua đi đó là thời gian, là sự giao lưu giữa những người Việt.

Và, hì hì, một câu hát của một ban nhạc Mỹ mà theo chị thì hình như nó có cái chân lý phổ quát mà em đang tìm: Open mind for a different view, and nothing else matters.

à, em Raxun, chị chưa vào cái thư viện ở đất Mỹ nào, dưng mà chị có vào 1 cái thư viện ở đất Pháp. Nó có nhiều sách về chiến tranh VN hơn bất cứ cái thư viện nào chị biết ở Thủ đô này. Và bọn Pháp bảo là ở Mỹ còn nhiều hơn thế nhiều.
1 năm sau khi chị vào cái thư viện đó, bạn chị đi du học ở Mỹ, 1 trường ĐH tít mít tận bang Texas miền Tây, và ấn tượng lớn nhất về cái xó xỉnh ấy, đó là 1/3 sách lịch sử trong thư viện viết về chiến tranh VN.
Cái khiến chị nghĩ tài liệu của Tây phương nói chung hơn tài liệu VN là ở chỗ nó đã không cố gắng che giấu. Trong đó, có thể tìm được những con số về số Việt cộng chết, số lính Mỹ chết, còn ở Việt Nam cho đến giờ chẳng có 1 con số nào được công bố. Trong đó, có thể tìm thấy tài liệu về phong trào phản chiến, trốn lính của thanh niên Mỹ (em có bao giờ biết điều gì về bộ đội Cụ Hồ đào ngũ không?). Ở đó, có thể tìm thấy những lời thú nhận sai lầm của các tướng lĩnh (em có thấy sách nào viết Tổng tấn công Mậu Thân 68 là một quyết định vội vã, hay bao giờ cũng là 'tổng diễn tập, chuẩn bị cho chiến thắng cuối cùng'?). Trong đó có thể tìm thấy tư liệu về thảm sát Mỹ Lai, và cũng tìm được nhiều thứ khác nữa mà, hì hì, chắc chả nên nói ở đây làm gì. Gác bỏ những vấn đề đạo đức và xúc cảm sang 1 bên, chỉ riêng về sự kiện và tư liệu, sách sử VN đã không đầy đủ.
Chị cũng không hiểu em bảo 'như ngay cuộc chiến Nam Tư hay Apgha gần đây, tư liệu của người Mỹ thế nào chắc ai cũng biết' là nói về tư liệu nào và ai cũng biết đây là biết những điều gì ngoài những điều Ms. Phan Thuý Thanh hàng tối nói trên TV, hi hi.

Những bóng dài thon nhỏ
Đến tự chân trời nhoà..




Tequila trả lời:

Chậc, tệ thật!
Pittypat hôm nay đưa ra vấn đề gai góc quá!


Định kiến và căm thù khó gột rửa lắm, nhất là khi nó xuất phát từ ích kỷ cá nhân. Nhưng mà lo gì, số lượng của cái bọn ấy kiểu gì chả ít hơn bọn mình.

Đừng có nghe lời Yasunari. Với bọn ấy, nói năng lý thuyết suông với lại khinh bỉ chả ăn thua gì đâu.

Lần sau mà có gặp thằng nào nói năng theo lối ấy, cháu Pittypat cứ bảo nó đến Hà Nội mà bắn nhau với thằng Tequila. Tequila mà bị nó bắn chết, thế nào cũng sẽ có thằng khác ra bắn nhau tiếp với nó.

Chỉ có Chúa trời mới yêu được tất cả nhân loại. Giữa các con chiên của Chúa thì luôn luôn phải có khoảng cách. Phải có khoảng cách để còn bắt tay nhau hoặc đấu kiếm với nhau.

Dẫu sao đi nữa, dù cho chúng ta chỉ tiếp nhận cách nhìn quá khứ bằng thông tin trên báo chí, trên VTV,… thì cũng không thể nói rằng chúng ta ít thông tin về đất nước mình hơn một người đang sống trên đất Mỹ. Hàng ngày chúng ta sống trên đất nước mình, làm việc trên đất nước mình, nhìn ngó và nhận định bằng con mắt trực tiếp của mình kia mà.

Chiến tranh luôn là một điều tồi tệ. Tồi tệ đối với cả hai bên chiến tuyến. Những đứa con của các Bà mẹ VN anh hùng hy sinh cho cách mạng, thì cũng có những đứa con khác của các bà mẹ khác đã ngã xuống bên kia chiến tuyến. Đất nước nhỏ bé của chúng ta chịu nhiều đau khổ hơn bất cứ nơi nào trên trái đất này. Nhưng chẳng lẽ những đau khổ mất mát ấy lại do chính người Việt gây ra cho nhau hay sao?

Hãy cứ cho rằng tài liệu về chiến tranh ở các trường ĐH Mỹ chân thực hơn những gì chúng ta được đọc trong SGK. Nhưng chúng ta chỉ có sách vở thôi ư? Chúng ta là thế hệ tiếp theo của những thế hệ chịu mất mát trong chiến tranh. Chẳng lẽ những thế hệ đi trước loè bịp chúng ta sao, đã qua cái thời của hận thù và định kiến rồi.

Chân lý? Một người có thể sai lầm, một nhóm người có thể sai lầm, nhưng một dân tộc thì không thể nào sai lầm. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu tôi gặp anh chàng Việt Kiều mà em Pittypat nói, tôi vẫn cảm thấy chân lý thuộc về mình. Nếu như chân lý thuộc về kẻ mạnh, thì chân lý vẫn thuộc về chúng ta vì chúng ta chiến thắng.

Dù cho chân lý có thực sự thuộc về Yasunari hay không, tôi vẫn vui mừng khi thấy hắn ta hô khẩu hiệu. Hắn ta hô khâu hiệu có phải vì hắn hận thù gì anh chàng Việt Kiều kia đâu, hắn hô khẩu hiệu vì hắn yêu mến chúng ta, bạn Grass ạ.

Riêng ý kiến của cá nhân tôi, chính vì tay Việt Kiều kia đã nghiên cứu một cách nghiêm túc, nên tôi càng không thể chấp nhận được anh ta. Anh ta vẫn tiếp tục hận thù, trong khi những người Việt trên đất Việt đã từ lâu không còn hận thù gì nữa. Thậm chí, chỉ cần nhìn thấy một tay ngoại quốc đi lạng quạng ngoài đường, chúng ta đã muốn làm quen và nói chuyện với hắn rồi.

Grass thân mến, chẳng lẽ theo bạn thì chúng ta phải mơn trớn những kẻ vẫn tiếp tục chĩa mũi dao vào chúng ta, trong khi chúng ta chỉ có một ước mong là nhìn thấy tương lai đẹp đẽ cho đất nước này? Bất kể tay Việt Kiều ấy có những lý lẽ của anh ta, và ngay cả khi tôi không bác bỏ nổi những lý lẽ ấy, thì tôi và các bạn tôi vẫn sẵn sàng ném hắn đi. Làm thế không phải vì hận thù, mà làm thế vì tình yêu, Grass ạ.

Tôi cũng không nói rằng trong hai mươi năm chiến tranh, chỉ một bên là có lỗi. Đúng ra thì người Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác. Cha tôi có lần nói với tôi thế này: “Nếu mày nhìn thấy hai thằng VN đánh nhau ở ngoài phố, mày có thể kệ xác cho chúng nó đánh nhau. Nhưng nếu mày nhìn thấy một thằng Tây đánh một thằng VN, thì khác đấy.” Cuộc chiến nhiều mất mát ấy đã diễn ra chỉ để cho ngày hôm nay chúng ta có thể yên tâm ngồi đây, học hành, làm việc, và tìm kiếm một different view.

Tôi muốn nhìn thấy nhiều tay hô khẩu hiệu kiểu Yasunari, càng nhiều càng tốt. Có như vậy thì chúng ta mới mạnh mẽ và nhiều niềm tin để mà bắt tay với cả thế giới.

Cuối cùng để chốt lại chuỗi lời lẽ lan man của mình, tôi lại xin dẫn lời cha tôi: “Mày cứ thử bay trên bầu trời Hà Nội của mày, nhìn những vết thương loang lổ hoang tàn do bom Mỹ ném xuống. Mày sẽ hiểu tại sao bọn tao phải đánh nhau trong hơn hai mươi năm.”

Ngày hôm nay Hà Nội đẹp đẽ hơn nhiều rồi. Tôi không thể tưởng tượng nổi sự hoang tàn năm xưa của nó. Nhưng chính vì thế, tôi không thể tha thứ cho kẻ nào vẫn tiếp tục chĩa mũi dao hận thù vào chúng ta.



VNHL viết:


Nhiều lúc tớ cũng cảm thấy khó hiểu. Cuộc chiến tranh đã đi qua hơn một thế hệ rồi vậy mà giữa những người Việt chúng ta sao vẫn có sự chia rẽ thậm chí là căm thù nhau đến vậy, ngay cả đối với những người chưa từng biết thế nào là chiến tranh?
Chả nhẽ người Việt Nam sẵn lòng bắt tay những kẻ thù ngoại lai cũ hơn là những ngưòi đồng bào từng đứng ở bên kia chiến tuyến sao?
Thế hệ trẻ cần phải là thế hệ hàn gắn những vết thương trong quá khứ chứ không phải cày xới để cho chúng trở nên loang lổ hơn. Có thể hiểu được tại sao lại có những người như anh bạn Việt kiều của Pittypat nhưng quả thực tớ thấy rất thất vọng với những người như vậy. Với một sự hằn học, cố chấp và đầy định kiến quá khứ như thể liệu những người như anh ta có thể đóng góp được gì cho đất nước. Hay chỉ suốt đời làm kẻ tha hương, lạc loài, mang trong mình một vết thương lòng của quá khứ luôn day dứt.

Chiến tranh là vũng lầy. Cần cố gắng tránh vũng lầy đó nhưng cũng phải dám chịu vấy bẩn khi cần thiết.
Tôi không ưa những kẻ luôn muốn giữ cho đôi ủng sạch sẽ và chờ người khác dọn bùn cho mình.


Chẳng có cuộc chiến tranh nào là sạch sẽ nhưng có những cuộc chiến là cần thiết.

Trinity nói là chàng trẻ tuổi đó không căm thù Pittypat, Trinity, Tequila, không căm thù những ai trong box Văn học này nhưng liệu có thể nói rằng anh ta không căm thù những người cha, người chú của tôi, của bạn, của Pittypat không?
Nếu anh ta vẫn luôn nuôi mối thù đấy thì tôi chẳng thể nào xem anh ta là bạn để mà cảm thông hay chia sẻ được rồi. Tôi có thể bắt tay thân thiện với những kẻ căm thù cha chú tôi được không?

Grass có lý khi nói về tính hai chiều của thông tin. Nhưng sự mù quáng không phải bao giờ cũng do thiếu thông tin gây ra. Người ta thường trở nên mù quáng vì tình cảm chứ không phải là vì lý trí (Ví dụ anh chàng người Mỹ gốc Việt này). Những người thắng trận thường độ lượng hơn những kẻ nhục nhã vì thua trận.
Hơn nữa, sự đa dạng về thông tin cũng không có nghĩa là có sự đa dạng về hệ tư tưởng hay hệ thống các niềm tin thống trị xã hội. Sự định kiến được dẫn dắt bởi một hệ tư tưởng còn nguy hại hơn sự định kiến do thiếu thông tin vì nó khó nhận biết và ít bị ngờ vực hơn.

Một ví dụ, người Mỹ (hoặc một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ) thường tin tưởng vào tự do và cho rằng họ có sứ mệnh mang lại tự do cho tất cả các dân tộc trên thế giới.
Còn đa số người Việt Nam lại tin rằng những người nước ngoài mang vũ khí đến nước Việt, bắn vào dân Việt là những kẻ xâm lược

Tại sao nhiều Việt kiều hiện đang sống trong môi trường đầy ắp thông tin, vô số tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau vẫn có những định kiến trầm trọng đến như vậy đối với quê hương và với quá khứ.
Thậm chí anh chàng VIệt kiều của Pittypat còn về thăm VN nghĩa là anh ta có quá đủ thông tin đa chiều rồi đấy chứ.

Sự định kiến do không có đủ thông tin có thể được khắc phục một cách dễ dàng nhất là với sự phát triển của truyền thông, của thời đại Net như hiện nay.

Thế nhưng sự định kiến tồn tại dai dẳng lại chính là sự định kiến bắt nguồn từ những tình cảm cực đoan như lòng căm thù mà không thể biện minh bằng lý lẽ.

Câu này của Grass
'Open mind for a different view, and nothing else matters.'

Vâng, hãy mở lòng ra, mở lòng ra chứ không phải mở mắt. Hãy nhìn sự vật bằng con mắt của mình nhưng với một tấm lòng rộng mở. Đó mới là cách cởi bỏ sự định kiến mà chúng ta ai cũng có.

Chứ không phải là tập nhìn sự vật bằng con mắt người khác. Nếu thế thì chẳng qua sẽ chỉ là chuyển từ một định kiến này thành định kiến khác (có thể trái chiều nhưng vẫn là định kiến), từ một sự hời hợt này đến một sự hời hợt khác mà thôi.



Trinity viết:


Chàng Việt kiều ấy chắc chắn là không căm thù nhà cháu Pitty, không căm thù tớ, không căm thù rì sất các bác trong box Văn học này, không căm thù chúng ta. Anh ta cũng không có lý do gì để căm thù Tổ Quốc, vì như thế có khác gì căm thù mẹ mình. Cái mà anh ta căm thù, chúng mình đều biết rõ, nhưng buổi tối đẹp trời thế này, nói tên nó ra làm rì, nhỉ?


Nhớ lại một câu chuyện thương tâm về đứa bé 9 tuổi cùng cha mẹ lênh đênh trên chuyến tàu đầy ắp người. Chuyến tàu khốn khổ đụng hải tặc, chúng giết và vứt rất nhiều đàn ông trên tàu xuống biển, trong đó có bố của bé. Mẹ bé bị làm nhục. Quá khứ ghê rợn diễn ra trước cặp mắt trẻ thơ đã vĩnh viển trở thành một phần cuộc sống của đứa bé. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu con người ấy sau này, ngoài nỗi căm thù hải tặc, anh ta còn căm thù cả cái đã khiến gia đình anh ta cùng hơn 2 triệu người Việt khác phải chấp nhận mạo hiểm vượt biển tha hương. Nhớ rằng, rất nhiều trong số đó đã chọn ở lại trong những ngày cuối tháng Tư, dù họ hoàn toàn có thể ra đi.

Trong trường hợp này, nỗi căm thù hấp thụ cùng sữa mẹ thì càng khó phai mờ các bác ạ.

Tớ thấy mình không có quyền gì để lên án anh ta, không có quyền gì sỉ vả con người tội nghiệp ấy. Hận thù chỉ tiếp tục đẻ ra hận thù. Trong khả năng của mình, tớ chỉ có thể cảm thông. Cái mà anh ta cần là sự cảm thông và thời gian. Quá khứ không bao giờ có thể thay đổi được nữa, nhưng tương lai thì có.

Lan man một tí. Trong chiến tranh thì chỉ một số ít có lợi. Số ít ấy, buồn thay, thường là còn sống sau khi chiến tranh kết thúc, và sống khỏe mạnh. Động cơ để kích thích số nhiều ra trận và bắn vào nhau chính là tình yêu. Khi số nhiều không còn yêu được nữa, số ít sẽ dùng đến những biện pháp khác...

Chiến tranh là vũng lầy, nó trét bùn đen lên bất kỳ ai đi qua. Với một người họ hàng ở làng quê tớ thì dư âm chiến tranh là những chuỗi ngày mất ngủ triền miên. Mệnh lệnh tháo đập nước vào một làng nghi theo giặc. Người lính có nhiệm vụ tuân theo. Anh lính trẻ bắt đầu ói mửa khi trông thấy những xác chết trương phình và xám ngoét đang trôi. Cảm giác ói mửa và tự ghê tởm mình không buông tha anh, rất lâu sau hòa bình.

Tớ nhắc lại này: anh Việt kiều ấy, tớ tin rằng anh ta không căm thù tớ, Grass, Pitty, VNHL, Tequila... hay cha chú của chúng ta. Anh ta cũng không căm thù Đất Mẹ của mình. Cái mà anh ta căm thù, nó giống một dạng thể chế hơn là những con người cụ thể. Nói thế thôi nhé, tớ không đi sâu thêm nữa.

Bác Tequila, đừng vội mở rộng vấn đề sang lĩnh vực lòng ái quốc. Yêu nước không phải là đặc quyền của bác, của tớ, của bất kỳ ai. Ai dám khẳng định anh Việt kiều của chúng ta không yêu nước?

Tớ cũng không thích thú lắm sự đánh đồng lòng yêu nước với yêu thể chế.

Chiến tranh, ừ, như chuyện bọn lớp D hỗn láo sang chọc tức bọn lớp H và lớp H bèn đánh lại. Thì cứ ừ một cái, mất gì đâu, bạn cùng trường nhỉ?

Tớ nghĩ mỗi cuộc chiến tranh đều có căn nguyên của nó, có thể chính nghĩa với bên này và bẩn thỉu với bên khác. Có những cuộc chiến tranh xứng đáng để người ta hy sinh, nhưng cũng có những cuộc chiến chỉ mệnh danh những gì cao quý nhất. Ván cờ lớn của số ít rất cần những thanh niên nhiệt huyết. Muốn đánh giá đó đúng là chiến tranh ái quốc đơn thuần hay còn vì những nguyên nhân gì khác nữa, không thể nhìn bằng con mắt định kiến địch/ta, đen/trắng giản đơn. Nhìn nhận nhiều chiều. Muốn gạt bỏ định kiến của người, trước hết xin gạt bỏ những định kiến trong lòng mình đã.

Sự cảm nhận, hoặc thấu hiểu bản chất phi nhân tính của chiến tranh và can dự vào nó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thân phận nhỏ bé và bất lực của một cá nhân trong những biến cố lớn lao, trong cơn xoáy lốc của cả dân tộc, dù trắng dù đen, sự lựa chọn tối ưu luôn là và phải là cầm súng. Người lính ấy có thể xung trận trong nỗi ám ảnh thường trực về cái chết rình rập, có thể xung trận trong dục vọng bắn giết, có thể bừng bừng xung trận trong tình cảm ái quốc và men say chiến thắng của tuổi thanh xuân. Ạnh ta có thể sẽ giết hoặc bị giết.

Nhưng sau cuộc chiến, không ai có thể ngăn cản người cựu chiến binh ấy vào một ngày nào đó, bắt đầu cầm bút và viết về sự mỏng manh, dễ vỡ và phù du của thân phận con người trong chiến tranh, sau những quãng thời gian bị ám ảnh và vỡ mộng, có một sự bình tâm, nhìn nhận, trải nghiệm và độ lùi thời gian cần thiết.





poison - ivy viết:

Có vẻ là khách ko mời nhưng vì thấy mọi người nói hay quá em cũng xin chen vào một chút. Em cũng xin kể một câu chuyện thế này. Chả là em có một chị bạn học graduate ở một trường của Mỹ. Có một lần chị ấy kể một câu chuyện mà nó cứ ám ảnh em mãi. Chị ấy kể về một vở kịch về một đoạn đời của một anh chàng Việt kiều Mỹ, sự dằn vặt và tranh đấu của anh ta để vượt qua những ám ảnh của quá khứ để có thể sống được như một CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG. Nó nói về cái gọi là psychological pains, individual tragedy ... or st like that (xin lỗi vì em ko biết diễn đạt thế nào). Em cũng ko hiểu mình có đúng ko nhưng hình như nó ko được coi vấn đề nhức nhối đối với xã hội ở VN mình có thể vì chúng ta còn nhiều cái phải lo để tồn tại trước đã. Vở kịch này được đạo diễn bởi một đạo diễn -to-be người Nhật, người viết kịch bản là một anh chàng Việt Kiều, 1 anh chàng ko biết (or ko thích) nói tiếng Việt, cũng là sinh viên sau đại học ở trường Sân Khấu. Diễn viên thì toàn là người nước ngoài, lý do tại sao thì em sẽ nói sau. Vở kịch này kể về 2 đứa trẻ, 2 anh em, 1 đứa 13 tuổi và 1 đứa 10 tuổi, ba là sĩ quan chế độ cũ, mới đi học tập cải tạo về (cốt chuyện dựa trên chuyện thật của anh họ anh chàng viết kịch bản). Sau 1 thời gian sống u uất, trầm cảm, trong lòng vẫn chứa đầy thù hận, người cha quyết định gửi 2 đứa con cho 1 chú lính dưới quyền ngày xưa đi vượt biên. Vở kịch nói về những dằn vặt, nỗi đau và cả le lói chút hy vọng của người cha, người mẹ (tuy hình ảnh người cha ở đây ko rõ nét) khi quyết định gửi 2 đứa con dứt ruột sinh ra, niềm hi vọng và niềm vui sống duy nhất (sau những biến cố phải nói là kinh khủng với 1 đời người như họ) dẫn thân vào một cuộc phiêu lưu chỉ le lói 1% hi vọng sống sót. Những gì mà đứa trẻ trải qua (chỉ cậu anh 13 tuổi là còn sống sót sau chuyến đi) là nỗi đau của kiếp người, nỗi đau của cả nhân loại. Chị bạn em nói rằng, vào mấy ngày diễn thử ở trường, những cô cậu sinh viên undergrad, vốn nổi tiếng chỉ ham vui, nhảy nhót, party ... đã khóc nức nở. Các bác có thể cho là lại mấy trò lá cải dùng thủ thuật kiếm nước mắt của bọn trẻ con mới lớn nhưng theo chị bạn em thì ko phải như thế. Một thằng bé 13 tuổi, được mẹ giao trọng trách chăm sóc, lo lắng và bảo vệ cho đứa em trai nhỏ khi bản thân nó khi ở nhà vẫn còn 'dấm đài' :p. 2 đứa trẻ ngơ ngác bị vứt vào trong 1 cuộc chiến sinh tồn, đánh giết nhau vì miếng ăn, nước uống giữa đồng loại (gia đình 2 đứa trẻ vốn theo đạo phật, ăn chay trường). Cảnh hiếp chóc, cướp bóc, ăn thịt lẫn nhau (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) ... như trong thế giới dã thú ... Cậu anh trai cố gắng giữ cái dignity của mình bằng cách tránh xa và bảo vệ em minh tránh xa. (đoạn này có vẻ hơi khiên cưỡng). Cuối cùng cậu em trai bị chết vì bị chính thằng nhân viên cũ của cha sexually harassed. Thịt của chú bé 10 tuổi bị tranh giành. Cậu anh trai thì bị tra tấn và đánh gục bằng cách ép phải ăn thịt người, ăn cả thịt của em trai mình ... Cuối cùng cậu cũng thoát tới philippine, được người dì bảo trợ và tới Mỹ. Cậu ta sống, học và làm việc như điên dại để thành công, nhưng những ám ảnh của quá khứ ko bao giờ chết cả. Cậu ta sống ko yên ổn. Cảnh cuối cùng là cảnh anh chàng này quay trở về quê hương, đứng ở sân bay TSN, hình dung ra khuôn mặt và ánh mắt của đứa em trai mãi mãi 10 tuổi và cái bóng bao trùm của người mẹ.
Nội dung thì như thế, nhưng em muốn nói về những cái ngoài lề của nó. Anh chàng viết kịch bản này luôn nhấn mạnh ko muốn nói về chính trị, ko muốn kết tội ai đúng, ai sai ... anh ta nói chỉ muốn nói tới nỗi đau của kiếp người. Cái mà nhiều người nhận thấy là anh ta khắc hoạ rất thành công hình ảnh người mẹ, dù chỉ xuất hiện phần đầu của vở kịch. Một bà mẹ cam chịu, nhẫn nại kính yêu chồng thương con hết mực. Bà chấp nhận số phận, dũng cảm chèo lái cái gia đình tưởng như tan nát ko gượng dậy nổi, dung hoà những mẫu thuẫn của cuộc sống với người chồng chứa đầy thù hận, bất đắc chí, 2 đứa con bắt đầu lớn, có những nhận thức được ảnh hưởng giáo dục ở trường, từ xã hội bên ngoài (chế độ mới). Sự khoan dung và sáng suốt của bà mẹ ko phải bắt nguồn từ những nhận thức về triết học cao siêu nọ kia ... mà bắt nguồn từ tình yêu, từ bản năng yêu thương của người phụ nữ.
Chuyện diễn viên thì nghe đâu cũng rất funny. Tác giả cố gắng tìm diễn viên người Việt, nhưng ko thành công dù anh ta có nói rằng ko cần phải có kinh nghiệm diễn xuất gì hết. Du học sinh thì ko ai dám tham gia (lý do thì chắc mọi người đều hiểu cả). Việt kiều thì cũng ko tham gia nốt vì có thể là quan điểm chính trị hoặc đơn giản ko ai cũng có thể đối mặt với những bi kịch mà họ, người thân trong gia đình hoặc giả là bạn bè đã từng trải qua. Họ hầu hết (những người em quen biết) đều muốn quên quá khứ, nó đau buồn quá, dễ làm người ta yếu đuối, mà họ thì cần phải mạnh mẽ để tiếp tục cuộc sống của họ. hihi... đây cũng lại là ý kiến chủ quan rút ra từ một số bạn bè thân thiết.


À, em nói thêm là anh chàng tác giả này tham gia vào hội sinh viên VN du học của trường nhưng luôn giữ khoảng cách. Anh ta mời sinh viên VN góp ý về vở kịch trước khi công diễn với những lời nói rất chân thành về sự thiếu hụt về kiến thức văn hoá xã hội của VN ... Tất cả sv du học VN được mời tham dự buổi công diễn đầu tiên.
Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng có 1 điểm chung đó là nhu cầu tìm về cội nguồn của thanh niên VN ở nước ngoài là có thật và đáng trân trọng. Việc nói và viết / ko nói và ko viết được tiếng Việt, mất gốc hay ko thì rất khó đánh giá. Những người buộc/tự nguyện sống ở nước ngoài có những vấn đề mà chúng ta, những người may mắn được sống ở Tổ quốc của mình có thể ko hiểu nổi hoặc là cố tình ko muốn hiểu. Thực sự sống ở nước Mỹ, một nước có thể coi là dân chủ tự do vào bậc nhất, nơi những tổ chức về nhân quyền, về chống kỳ thị chủng tộc hoạt động mạnh mẽ, những người non-caucasians vẫn phải đối mặt với thực tế là họ chưa bao giờ được hưởng bình đẳng thực sự. Đối với quê hương, họ là xa lạ do khác môi trường sống, giáo dục ... và đôi khi cả những định kiến nữa. Đối với nước Mỹ nơi họ sinh sống, làm việc, hưởng mọi quyền lợi của 1 công dân họ vẫn chỉ là con nuôi, là những người khác giống với da vàng, mũi tet ... Ko hiểu bác nào đọc về cái gọi là sense of identity, rồi cái nhu cầu thuộc về 1 cộng đồng nào đó chưa? Cái đấy tưởng là chuyện vớ vỉn, xa lạ nhưng hình như nó cũng gây ra rất nhiều bi kịch trong cuộc sống.
Giá như chúng ta có thể khoan dung hơn khi nhìn vào số phận của con người thì chắc là những nỗi đau trên thế gian này sẽ bớt đi nhiều lắm.


longaturn kết luận bằng một câu chuyện như sau:


Chào các bác, cho em tham gia với nhé.
Khi bước chân vào đất Mỹ, em có dừng lại tại LAX (sân bay Los Angeles) khoảng mấy tiếng. Trong khoảng mấy tiếng đó, em ngồi đi chơi quanh sân bay và ngồi xuống một cái bar nhỏ để nghe nhạc. Người châu Á, Âu, đen vàng trắng xung quanh rất nhiều. Cái cảm giác khi vừa bước chân ra khỏi đất Việt và rơi vào một nơi toàn những kẻ xa lạ, khác mầu da, khác tiếng nói, thật là đáng sợ. Em chỉ mong có một người bạn Việt để nói chuyện. Ngay lúc ấy, em nghe thấy mấy giọng miền Nam cất lên ngay ở bàn bên cạnh. Một bà khoảng 50 tuổi và 2 cô gái trẻ, cỡ chỉ bằng tuổi em đang ngồi nói chuyện. Họ là dân Mỹ, rõ ràng, nhưng họ nói tiếng Việt. Lúc ý em chỉ muốn nhẩy ngay sang bàn bên ấy bắt chuyện chơi cho vui. Nhưng tự nhiên có một cái gì đó níu em lại, một nỗi sợ... sợ rằng cái giọng Bắc của mình sẽ làm lộ ra mình là dân Hà Nội, sợ rằng mấy người kia họ sẽ biết mình là dân 'cộng sản...' những cái đó em nghe mọi người kể không biết bao nhiêu lần. Thế là từ lúc đó đến lúc lên sân bay, cho dù quanh em có rất nhiều người Việt qua lại, em không hề dám bắt đầu một cuộc chuyện nào bằng tiếng Việt cả.


Sang tới đây em có đọc được một số tạp chí Hợp Lưu (bị cấm ở VN thì phải.) Trong một series liên tục, tạp chí này có đăng những mẩu chuyện kể của các thuyền nhân cái thời bỏ nước ra đi. Họ viết không hay, có lẽ không phải là người hay viết, nhưng thật. Đọc những đoạn họ viết về cái cảnh bị lùa lên trên cái đảo (đảo Kam hay Kram hay gì đó) tại Thái Lan, bị bỏ rơi, bị đánh đập, phụ nữ bị làm nhục phải tìm những khe núi trốn nấp trong hàng chục ngày phải ngâm mình trong nước. Cảnh người đói, chết, ăn thịt lẫn nhau... có lẽ cũng vì họ viết không chau chuốt, họ viết ko chút kỹ thuật nên đọc lại thấy rờn rợn...
Không có một dòng nào hô hào chống Cộng.. nhưng hầu hết họ đều viết những dòng đại loại như, không phải chúng tôi không biết tới những thảm cùng của những người đi trước, nhưng chúng tôi biết mình phải ra đi, vì tự do không chỉ cho chúng tôi mà cho con cái của mình. Chúng tôi viết ra đây những câu chuyện này để mọi người hiểu và góp phần tôn vinh sự cao quý của hai chữ Tự Do.

Họ đều là người Việt đấy các bác ạ. Họ đều nói tiếng Việt (như bác VNHL yêu cầu) trong những dòng viết của họ, cái xót xa khi phải rời bỏ đất nước quê hương để ra đi nó hiển hiện không một chút giấu diếm. Em đọc và em hiểu rằng họ đã đang và mãi sẽ là người Việt, họ, dù sống ở đất Mỹ này, vẫn luôn yêu quý và hướng về nơi chôn rau cắt rốn. Lúc ấy mới sực nhớ lại cái lúc ở LAX mà thấy ngượng và tiếc. Hận thù có lẽ khó tránh khỏi khi mà họ đã phải trải qua không biết bao nhiêu cay đắng tủi nhục. Nhưng họ có hận thù gì em đâu, có hận thù gì người Việt, đất Việt mình đâu. Họ hận cái đã tước đi của họ Tự Do, đẩy họ vào cảnh không cửa không nhà, vất vưởng trong những trại tị nạn... mà em hay người Việt như bác Trinity, bác Tequila, bác VNHL, cậu username, cháu poison ivy thì có đâu lấy cái năng lực để làm cái việc to lớn dường ấy cơ chứ.

bác Tequila bảo là nếu bác có gặp được cái cậu thanh niên mà em Pat nói thì bác vẫn sẽ luôn giữ khoảng cách. Cái đấy hợp lẽ thôi bác ạ, cái cảnh ở LAX em sẽ chẳng bao giờ quên. Có điều giá như em lúc đó, cũng như bác nếu như gặp cậu thanh niên đó, đừng giữ cái khoảng cách vô nghĩa và vô lý ấy... thì biết đâu...


0 Comments:

Post a Comment

<< Home