Thursday, February 03, 2005

Bảo Ninh và "Nỗi buồn chiến tranh"- Cuoihaymeu

Nhà văn Bảo Ninh hiện nay đang làm cho tuần báo Văn Nghệ (già).
VNHL ơi, đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất về đề tài chiến tranh mà tôi từng đọc.
Nó quyết liệt và đau đớn còn hơn cả Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần... của Chu Lai. Cái dữ dội chứa chất trong tiểu thuyết của Bảo Ninh là cơn bão lửa cuồn cuộn trong kí ức của một người lính, một kí ức đau buồn và nóng bỏng về chiến tranh với những miên man suy tưởng về số phận con người, về giá trị cuộc sống, về tình yêu. Lần đầu tiên Văn học VN có một tác phẩm dầy dặn ở quy mô tiểu thuyết về chiến tranh và người lính mà không hô khẩu hiệu. Ngược lại, tác giả lại dám nói đến mặt trái của tấm huân chương, cái giá bỏ ra trong cuộc chiến- chính là số phận của từng người lính. Bảo Ninh viết về chiến tranh và sự mất mát một cách vô cùng hiện thực và "trần trụi", trước ông hình như chưa ai dám viết thế.
Tôi dẫn ra một đoạn về trận đánh mở màn ký ức của câu chuyện nhé :" Một trận đánh ghê rợn, độc ác, bạo tàn... Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác, đang co cố cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị napan tróc khỏi công sự, hoá cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối xả, chảy toé, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng cỏ hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể dập vỡ, tanh bành; phùn phụt phì hơi nóng. ... " Thà chết không hàng... Anh em, thà chết ...! ", tiểu đoàn trưởng gào to,, như điên, mặt tái dại, hốt hoảng hoa súng ngắn lên, và ngay trước mắt Kiên anh ta tự đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai, Kiên líu lưỡi, kêu ố ố trong họng.. Bọn Mỹ xông tới, tiểu liên kẹp bên sườn. Đạn dày đặc tủa tới như đàn ong lửa. Kiên nấc to, buông súng ôm lấy một bên hông và khuỵu ngã; thong thả lăn từng vòng, từng vòng xuống lòng suối cạn, máu nóng hổi ruới đẫm bờ dốc thoải..."
Đọc ghê rợn vậy thôi nhưng điều tôi thán phục Bảo Ninh chính là giá trị văn chương của cuốn sách. Rất hiếm có cuốn nào của VN ta văn hay và ám ảnh đến thế đến thế. Có những đoạn đẹp vô cùng.
" Bất chấp chiến tranh kinh khủng, bất chấp bạo tàn và ô nhục, bất chấp sự rơm rác của những định kiến và của những giáo điều gò khuôn cuộc sống của con người, Phương của anh vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn ở bên ngoài mọi thời buổi. Vĩnh viễn nàng tuyệt đẹp, đẹp không chung một nét với bất kỳ một kiểu đẹp nào mà đời từng được biết. Nàng như là thảo nguyên vừa qua một mùa mưa lướt vào mùa gió, cuồn cuộn sóng cỏ xô bờ, rợp trời hoa cúc tơ hồng bay. Nàng xinh đẹp, mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người bởi sắc đẹp kì ảo và không lường, đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực.
Rất nhiều năm sau này, trong một đêm chìm đắm vào những thất vọng khô cằn. Kiên mơ thấy đời mình hoá thân thành một dòng sông trôi chảy trước mặt để đưa anh về vùng chết, thì đúng giây phút cuối cùng sắp buông rơi mình, Kiên lại chợt nghe thấy tiếng gọi của Phương từ buổi hoàng hôn cay đắng năm xua cất lên và lay thức anh. Tiếng gọi cuối cùng ấy của mối tình đầu cũng đồng là vang âm đã nhập tâm về một cuộc đời hạnh phúc, một tương lai tươi sáng mặc dù đã bị bỏ lỡ, đã bị buông rơi nhưng không hề mất đi, mãi mãi còn ở đó, chờ đợi anh trên đường quá khứ.
Trải ra vô tận trước mắt anh bốn mươi năm đã qua của cuộc đời. Kỷ niệm, vô vàn kỷ niệm vẫy gọi và thôi thúc anh trên đường. Dĩ vãng không điểm tận cùng và dĩ vãng là vĩnh viễn thuỷ chung, với tình bạn, tình anh em, tình đồng chí, và nói chung, bất diệt những tình nguời.
Mãi mãi anh bị cuốn hút về những đốm lửa trong không gian trải dài đến cuối chân trời quá khứ. Những đốm lửa chiến tranh đầu tiên trong đời, vệt sáng của cuộc phiêu lưu đầu tiên và cũng là tia sáng của tình yêu rọi lên từ đáy xa sâu thẳm thời thơ ấu."
Đấy là tác phẩm rút ruột của Bảo Ninh, và theo cá nhân tôi , về đề tài thân phận người lính sau chiến tranh, Văn học VN trước và sau quyển đấy mãi mãi là khoảng trống. Chỉ tiếc là không kiếm đâu ra cái online của nó. Có điều , với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh cũng đã đạt đến đỉnh cao trong đời văn của mình và từ đó về sau không thấy bác ta vượt qua mình lần nào nữa. Nhưng một đời văn để lại một cuốn ấy cũng là quá đủ.
Cuốn này sau còn được một giải thưởng văn học lớn của Thuỵ Điển, sau đó thì có lệnh đình bản ( đình bản chứ không phải cấm thì phải VNHL ạ ).
Nhưng bác ạ " bất chấp sự rơm rác của những định kiến và của những giáo điều gò khuôn cuộc sống của con người", tôi vẫn cứ nói rằng nó là tác phẩm đáng kể nhất về đề tài chiến tranh của VN ta thập kỷ 90, chính nhờ nó mà tôi cảm thấy thêm yêu đất nước ta hơn, yêu nền văn học của ta hơn, để có thể cầm nó mà mở mắt cho bất cứ thằng Tây mất dạy nào dám chê bai văn hoá VN ta như các bác Fin, anhquan... đã từng gặp. Bác cố gắng tìm đọc cuốn đó nhá, rất mong được cùng chia sẻ với bác về Nỗi buồn chiến tranh. Thân ái! .

0 Comments:

Post a Comment

<< Home