Thursday, February 03, 2005

Những tảng băng của Hemingway- Tequila

Người ta hay nói đến những tảng băng trôi của Hemingway.Thực ra thì tôi mới chỉ húc phải vài tảng tảng nhỏ là những truyện ngắn tuyệt vời của ông, tảng băng lớn thì mới chỉ biết đến "Chuông nguyện hồn ai."

Lần đầu tiên tôi đọc Chuông nguyện hồn ai, khi đi trên một chuyến tàu từ HCM ra HN. Trong tiếng động ồn ã không nghỉ và cái không khí tạm bợ của tàu hoả, tôi đọc để mà giết cho hết khoảng thời gian 36 tiếng. Lúc đó như là mình đang bơi trên mặt biển, duy nhất chỉ có thể nhìn thấy phần nổi của tảng băng. Chỉ thế thôi đã thấy lộng lẫy hùng vĩ khác thường.

Đọc lại Chuông nguyện hồn ai lần thứ hai. Tôi đã biết hết cốt truyện, biết hết các nhân vật, đã yêu quý Robert Jordan, đã hiểu trận đánh phá cầu của chàng diễn ra như thế nào và đã rất hâm mộ cô người yêu tuyệt diệu của chàng. Bỏ qua những cái đó, tôi bắt đầu thực sự đọc tác phẩm này. Quả nhiên người Mỹ có lý khi tự hào về Hemingway của họ.
Chưa bao giờ tôi thấy ai miêu tả một nhân vật chỉ bằng một câu, mà nói lên được nhiều và sâu đến thế: “Ánh mắt của hắn là ánh mắt của một kẻ sắp đầu hàng”. Đầu hàng không phải vì hèn nhát, mà đầu hàng vì chán chường, vì mệt mỏi, và vì đã bị đầu độc bởi chiến tranh. Ánh mắt của một kẻ lúc đầu chiến đấu vì lý tưởng, nhưng dần dần đã bị buộc phải chui lủi, phải bắn giết để bảo toàn mạng sống, phải trở nên độc ác, cô độc và sầu muộn.
Chưa bao giờ tôi thấy ai nói đến tâm trạng một người biết mình sắp bị súng đạn giết chết, bằng một cách viết đẹp đẽ đến thế. Đẹp đến nỗi dù ta có đau đớn thế nào, thì ta vẫn phải hạnh phúc vì đang được sống… Anh ta bị bao vây, lần cuối cùng anh đưa mắt nhìn xung quanh. Anh nhìn lên bầu trời, anh nhìn những ngọn núi xám buồn tẻ phía xa, anh nhìn những đám khói nặng nề chết chóc, anh nhìn cả những tên phát xít đang lố nhố nấp sau mô đất chờ giết mình. Tất cả đều tồi tệ, đều khốn nạn. Nhưng đấy là cuộc sống, cuộc sống mà anh sắp bị buộc phải rời bỏ…
Rồi cái phi lý của chiến tranh. Người lính bắn tỉa đưa vào tầm ống nhòm hình ảnh tên phát xít trên vọng gác đầu cầu. Anh quan sát hắn. Đó là gương mặt của một người nông dân thuần phác, một bàn tay quen làm ruộng và vắt sữa bò. Anh buồn rầu quay sang hỏi Robert Jordan: “Tôi phải giết hắn à?”. Đơn giản là một cái gật đầu để trả lời.
Hemingway không hề hô khẩu hiệu để lên án chiến tranh. Robert Jordan cũng không hề ta thán câu nào cả. Chàng ta chỉ nằm ngẫm nghĩ trong những lúc rảnh rỗi. Chàng nhớ đến thời thơ ấu, nhớ đến quê hương. Chàng nhớ đến cả những buổi chiều vô vị ở Mađrid trước chiến tranh, khi chàng được lười nhác nằm trong nhà trọ lắng nghe những tiếng động náo nhiệt và lộn xộn ngoài phố, khi chàng kết nhân tình với một người đàn bà Tây ban nha mà chẳng yêu bà ta mấy. Rồi chàng nghĩ đến người con gái chàng đang yêu, chính trên mảnh đất này, trong hang đá của du kích, trong những tán cây rậm rạp để trốn tránh máy bay Đức. Nhưng chàng còn phải giật mìn cho sập cầu ngay trước khi trận tổng công kích của Đồng minh bắt đầu. Và mọi ước mơ của chàng và nàng dường như chẳng để làm gì cả, điều duy nhất có thực là những khối bộc phá đang nằm trong ba lô.
Những điều đó, tất nhiên chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt mà thôi. Cuối cùng thì tác phẩm này viết về cái gì? Với chủ quan của mình, tôi cho rằng, Chuông nguyện hồn ai không phải là bản cáo trạng đanh thép, cũng không mô tả chiến tranh bằng một gương mặt đáng sợ. Hemingway chỉ nói đến chiến tranh như một nơi khiến người ta không còn biết làm gì ngoài việc để cho nó cuốn đi và để nó dẫm đạp lên mình...

0 Comments:

Post a Comment

<< Home