Đường nhỏ- Tinyhuong
Khi học năm nhất năm nhị ở ĐH (nghe cổ kính nhỉ hì hì), tiny có tập viết rất nhiều truyện ngắn, có đăng và không đăng báo. Dưng mà chưa bao giờ đăng ở trên TTVNOL này. Lâu nay bận rộn, hầu như không còn viết nữa. Hôm nay tiny post một truyện ngắn viết lâu rồi...mọi người có kiên nhẫn thì đọc chơi, không trau chuốt nhưng là kỷ niệm
(Tinyhuong)
Có một sáng mùa xuân, tôi tỉnh dậy sớm hơn thường lệ và nghe thấy những con chim sẻ nhảy nhót hót lên vui vẻ như thắp sáng cả bầu trời còn đang mờ tối và tĩnh lặng. Bầu trời có màu thép, hơi ẩm ướt nhưng dịu nhẹ. Không gian như có một mùi thơm là lạ. Những con chim sẻ nhỏ không biết đến giá lạnh cứ nhảy nhót ở đầu nhà và hót lên líu lo. Tôi ngồi dậy và trèo lên bậu cửa sổ ngồi trông xuống con đường nhỏ sau nhà. Mặt đất ẩm nhưng sạch sẽ. Vẫn chưa có người qua lại nhiều ngoại trừ một vài người đi làm sớm. Đây là con đường tắt, xuyên qua những ruộng rau và một vùng đất hoang để ra đường chính. Những thân cây lau và cỏ dại mọc cao vút bên kia đường cắt những vệt dài lên nền trời.
Có một cây dong riềng nở hoa đỏ chói bên bờ cái ao nhỏ phủ đầy hoa bèo trên mặt nước. Hoa bèo tím biếc. Bèo tấm xanh mướt chen chân nhau trong những ruộng rau bên cạnh. Tôi ước rằng mình là một cái hoa nhỏ bay lên được. Như thế tôi có thể đi lang bang trong thế giới này, qua nhiều miền đất và thấy nhiều cảnh đẹp, người đẹp. Tôi có thể đến vùng Scandinavi phủ tuyết hoặc đi qua những khu đồng hoang ở miễn Bắc nước Anh, đi qua những hải cảng luôn thổi thứ gió sầu phương Bắc ở Hà Lan hoặc đi qua những đồng cỏ du mục ở đâu đó nơi có những khúc nhạc vui vẻ, những cuộc nhảy dân gian bất tận. Cứ thế mà đi qua không gian và thời gian thì thật vui ...
Dưới nhà có tiếng cửa sắt kéo. Tôi biết mẹ tôi đã dậy đi chợ. Tôi sẽ chờ mẹ mua thức ăn và đồ ăn sáng về, rồi ăn sáng và đến trường. Tiết học Lịch sử các học thuyết kinh tế hôm nay, tôi phải giảng bài cho sinh viên về Adam Smith, nhà kinh tế học lỗi lạc người Anh. Ԯg ta có một lý thuyết rất nổi tiếng gọi là “Bàn tay vô hình”. Lý thuyết ấy nói rằng trong lúc các cá nhân trong nền kinh tế theo đuổi lợi ích riêng của mình, sẽ có một bàn tay vô hình hướng các hoạt động của họ theo mục đích kinh tế chung của xã hội và do đó nền kinh tế sẽ đạt được hiệu quả tối ưu.
Cách mấy ngôi nhà, một anh thanh niên đang khua khoắng chân tay trên sân thượng. Nhìn thấy tôi, anh ta vội kết thúc bài thể dục kỳ cục của mình và biến mất sau cánh cửa. Không gian vẫn tĩnh lặng, chỉ trừ có tiếng những con chim sẻ đang ca lên vui vẻ. Tôi thấy mẹ đi tắt qua con đường nhỏ sau nhà để ra chợ. Dáng của Người nhẹ nhàng và đủng đỉnh. Mẹ lúc nào cũng đủng đỉnh, thư thái.
Ở chỗ thót lại của con đường, ngay cạnh cái ao bèo có một vũng nước to. Nó choán gần hết lối đi, chỉ chừa ra hai dải đất nhỏ bên cạnh, sát mép ao. Đất hai bên cũng lầy lội, đầy những vệt bánh xe đạp. Tôi thấy mẹ tôi đi lại gần vũng nước; Người băn khoăn đôi chút rồi lấy một hòn gạch đặt vào chỗ dải đất lầy lội bên phải đường và bước qua. Dáng của Người vẫn luôn nhẹ nhàng, thư thái.
Dưới con đường nhỏ vẫn chưa có người . Tôi nghe thấy một tiếng rao ở đằng xa: - Mỳ nóng giòn đâyTôi biết đấy là thằng bé vẫn hay bán bánh mỳ qua ngõ nhà tôi. Sáng nào nó cũng lượn đi lượn lại tới cả chục lần. Nó nhỏ người, có một mớ tóc xoăn, da đen và một hàm răng nham nhở đến tức cười. Nó có cái thói rao từ rất xa để mọi người nghe thấy mà chuẩn bị, rồi phóng vèo vèo qua và phanh kít lại khi có tiếng gọi. Nó đánh bạn với lũ trẻ trong ngõ nhà tôi và thường lễ phép nói “Chào chị” mỗi khi gặp tôi buổi sáng. Là vì tôi hay chờ mua bánh mì của nó những sáng tôi vội không kịp ăn sáng, đành mang bánh mì đến trường ăn lúc nghỉ tiết. Nó có cái giọng oang oang của một đứa trẻ đang vỡ giọng và những thói tinh nghịch của con nít. Nó là kẻ tử thù của bà cụ già nanh nọc cạnh nhà tôi vì nó hay hét vào tai cụ ấy những lúc nó nhìn thấy cụ - “Chào cụ ạ!”Tiếng rao đến gần hơn; nghe vô trách nhiệm như người ta đọc một khẩu hiệu.- Mỳ nóng nào!
Nó vẫn phóng xe vèo vèo và không hề nao núng khi nhìn thấy cái vũng nước to. Trái lại, nó khoái chí co cao hai chân và phóng thẳng qua chỗ sâu nhất, cười phá lên như một anh hùng vừa chiến thắng kẻ thù trong một trận kịch chiến.
Đột nhiên nó phanh kít xe lại và nhảy khỏi xe cũng nhanh như thế. Chỉ trong nháy mắt, cái bông hoa dong riềng đỏ bên bờ ao đã trở thành chiến lợi phẩm của nó.
- Mỳ nóng nào - tiếng rao xa dần.
Tôi quyết định sẽ không mua bánh mỳ của nó trong vòng 1 tuần vì tội đã phá hoại cảnh quan. Mất bông hoa dong đỏ chói ấy, cái khu đằng sau và con đường trở nên thảm đạm hơn. Mà nó thì đâu cần bông hoa.
Có một âm thanh lạ lùng, nghe choe choé và sống sượng. “Mời các bạn đón đọc báo An ninh thủ đô, báo Hà Nội mới, báo Công an nhân dân, báo Tiền phong. Báo An ninh thủ đô hôm nay đăng tin một người mẹ dìm chết con trong vại nước. Vì sao thị lại nhẫn tâm làm như vậy với đứa con mới 9 tháng tuổi của mình ? Mời các bạn đón đọc. Báo Công an nhân dân hôm nay cho các bạn biết những tin tức về vụ án đang làm xôn xao dư luận thủ đô. Đó là vụ cướp của giết người ở tiệm vàng trên phố Ԯg ích Khiêm làm 3 người chết. Động cơ dã man nào đã đẩy kẻ sát nhân vào việc sát hại một lúc ba mạng người. Các bạn sẽ biết chi tiết trên báo Công an nhân dân”. Tiếp đến là một giọng nhạc vàng méo mó từ cái loa của người đàn ông rao báo. Những lời hát uỷ mỵ đi sau những lời quảng cáo thô lỗ và sống sượng - thật là một sự kết hợp tài tình. Người đàn ông bán báo và các đồ thập cẩm dừng lại ở chỗ mấy ngôi nhà đang xây dở nằm gần con đường nhỏ. Đây là những nhà dân mới được đền bù khi giải toả đường ở đâu đó chuyển về. Những người chủ nhà giàu có chỉ thỉnh thoảng mới phóng xe máy tạt qua xem tiến độ xây dựng; mọi công việc do những người thợ nhà quê và người thầu khoán lo. Hồi họ làm móng, họ đóng cọc và đầm nền ầm ầm suốt đêm; tôi không sao ngủ được. Bây giờ mấy ngôi nhà đã ở giai đoạn hoàn thiện; họ cắt gạch lát nền cũng ầm ầm.
Người đàn ông tắt cái loa và dừng lại trước một ngôi nhà đang xây dở. Có một nửa bao xi-măng nằm ở ngay trên bậc cửa ra vào. Chắc những người thợ cẩu thả không buồn cất đi trước khi về nhà trọ đêm qua. Người đàn ông bán báo nhìn trước nhìn sau rồi bê nửa bao xi măng đặt lên yên sau xe đạp. Anh ta đạp vội đi.
Cái vũng nước làm anh ta hơi nao núng một chút. Xe nặng, vũng nước thì khá to, đất hai bên thì nhão và lầy. Anh ta lại đang vội. Tôi thấy anh ta chần chừ một lát rồi thận trọng đi qua vũng nước ở chỗ nông nhất, ngay bên rìa mép nước. Nhưng mà hình như chỗ rìa của vũng nước có một cái hố nhỏ hoặc có một hòn gạch nằm dưới mặt nước vì tôi thấy xe của anh ta loạng choạng, giật lên một cái. Người đàn ông nhỏ thó cố sức dận bàn đạp để lấy lại thăng bằng. Cái đầu xe quá nặng vì treo cái loa, ắc quy và cả một cái hòm đựng báo với các thứ đồ vụn vặt. Nó lắc qua lắc lại. Nửa bao xi măng đổ ụp xuống giữa vũng nước. Nước bẩn bắn tung toé lên người anh ta.
Người đàn ông vượt qua vũng nước và đứng lại lau nước bẩn. Anh ta nhìn lại bao xi măng vẻ tần ngần rối nhún vai đi tiếp. Tôi lại nghe thấy cái giọng sống sượng ấy “ Mời các bạn đón đọc báo An ninh thủ đô, báo Hà Nội mới, báo Công an nhân dân, báo Tiền phong. Báo An ninh thủ đô hôm nay đăng tin một người mẹ dìm chết con trong vại nước. Vì sao...”.
Những con chim sẻ nhỏ không còn nhảy nhót ở đầu hồi nhà bên cạnh nữa. Tiếng hót của chúng đã tắt từ lâu rồi. Tôi nghe thấy nhà ai đó mở một khúc nhạc cách mạng; nghe loáng thoáng như là “Từng đôi chim bay đi; tiếng ca rộn ràng; cánh chim xao xuyến; gió mùa xuân ...”. Tôi với tay vào bàn học và bật một đĩa nhạc. Đấy là Enya với nhạc Celtic. Giọng của chị ấy thật đặc biệt; rất có mỹ cảm; nhạc cũng đặc biệt nữa. Tôi hay mở bài Oricono Flow, Caribean Blue và Book of days vào buổi sáng và mở bài On my way home và Marble Halls trước khi đi ngủ. Những bài buổi sáng thường khiến tôi nghĩ đến biển xanh và những người múa vũ ba lê; những bài buổi tối làm tôi nghĩ đến những thung lũng, những con đường về nhà và cả những khoảnh đất thật rộng không có bóng cây nhưng râm mát. Nó làm tôi thấy dễ chịu và tự do, không vội vàng và không lo lắng.
Bây giờ đang là bài Only if - Giá mà : “If you really want to, you can hear me say. Only if you want to, will you find the way” - Nếu bạn thực sự mong mỏi, bạn sẽ nghe thấu lời tôi; chỉ cần bạn khát khao, bạn sẽ tìm thấy con đường”.
Có tiếng động cơ ngắt ngang lời hát ấy. Một đôi vợ chồng trẻ đi làm sớm. Người con gái ngồi sau đang có bầu. Chị mặc một cái váy len rất rộng bên trong, áo khoác ấm ở ngoài và đội mũ bảo hiểm. Người chồng mặc áo khoác rộng, đi giày đen bóng lộn. Họ đi chậm rãi để tránh những viên gạch và sỏi mà mấy nhà đang xây dở làm vương trên đường đi. Người chồng thận trọng dừng lại trước vũng nước. Anh ta đang tìm một giải pháp tối ưu.
Trong Kinh tế học có một đường cong rất nổi tiếng minh hoạ cho Quy luật sự thoả dụng giảm dần. Đặt giả thiết rằng bạn chỉ có một nguồn lực nhất định, ví dụ là 20 000 đồng; bạn sẽ có 2 sự lựa chọn: ăn tối và xem phim. Bạn sẽ có được những kết hợp nhất định: hoặc là đi ăn một bữa tối và xem một bộ phim; hoặc bạn sẽ xem hai bộ phim, hoặc ăn hai bữa tối; tuỳ bạn. Lựa chọn của bạn và do đó sự thoả dụng của bạn được biểu diễn bằng một đường cong; bạn có thể ở trên hoặc ở trong chứ không thể vựơt ra ngoài đường cong ấy.
Người thanh niên tần ngần. Anh ta nhìn bao xi măng ở giữa vũng nước và viên gạch mà mẹ tôi đặt lúc trước ở giữa chỗ đất lầy. Người con gái vẫn ngồi yên trên xe một cách tin tưởng. Cuối cùng người thanh niên chọn giải pháp thứ hai. Anh về số và khéo léo đi vào khoảng đất lầy nhỏ giữa hòn gạch của mẹ tôi và mép vũng nước. Đất ở đó rất nhão; nó kéo lún bánh xe xuống. Anh vội vàng về số và tăng ga. Chiếc xe vượt qua vệt đất lầy, để lại một rãnh trũng nhỏ, khá sâu. Nước tràn từ vũng nước sang cái rãnh đó và bị viên gạch chặn lại.
Có hai em gái nhỏ và ba em trai đang dung dăng dung dẻ trên đường. Đấy là những học sinh của trường cấp một ngay gần nhà tôi. Các em gái mặc quần len, áo khoác và đội mũ len. Các em trai đi giày thể thao và cũng đội mũ len. Từ trên nhìn xuống trông chúng như những cái nấm nhỏ. Cả lũ dừng lại trước vũng nước. Rõ ràng chúng không muốn sử dụng viên gạch mẹ tôi đã đặt vì như thế đơn giản quá, tầm thường quá. Một em trai nhảy lên trên phần nhô lên của bao xi măng trên vũng nước vẻ khoái chí và nhón chân nhảy phốc sang bên kia. Những em còn lại có vẻ thú vị với trò đó; chúng quyết định sẽ chọn giải pháp này. Bọn con trai qua trước rồi đến các em gái nhút nhát. Sau ba lần nhảy của các chàng trai nhỏ, cái bao xi măng đã gần biến mất khỏi mặt nước, chỉ còn nhô lên miếng giấy vàng lờ mờ. Các cô gái nhỏ đành phải chọn con đường nhẹ nhàng là viên gạch nhưng lúc này, viên gạch có nước ngập quanh chân, rất dễ ngã. Chúng đưa tay cho các bạn trai và khẽ đi qua, mỗi bước nhảy lại kêu lên “Uých chà”.
Sau cuộc vượt biển ngoạn mục ấy, các chàng trai nhỏ chưa hết hưng phấn. Một cậu nhặt một cái que dài và vừa đi vừa vụt túi bụi vào những thân cây lau cao vống bên đường. Những em còn lại cũng không đừng được trước trò chơi thú vị ấy; chúng lập tức tham gia vào cuộc chinh phạt một cách hăng say. Bãi cỏ lau cao xanh rờn trở nên tả tơi. Bông hoa dong đỏ thì đã mất. Chẳng để làm gì, chẳng vì cái gì cả.
Tối hôm thứ Bảy vừa rồi tôi đi xem một bộ phim về những người bị hội chứng Đao. Bộ phim có tên “Ngày thứ Tám”. Nó mở đầu thế này: “ Ngày thứ nhất, Chúa tạo ra mặt trời. Mặt trời chói chang nung nóng trên đầu và làm bạn chói mắt. Ngày thứ hai, Chúa tạo ra biển. Biển xô sóng, đẩy những hạt cát nhỏ làm ướt chân bạn. Ngày thứ ba, Chúa tạo ra cây cối. Khi bạn đứng áp mình vào một thân cây, bạn sẽ hoá thành một cành cây và bạn sẽ nghe thấy cây nói. Khi bạn cắt cỏ, cỏ sẽ đau và sẽ khóc. Bạn hãy nhớ an ủi, vỗ về những ngọn cỏ nhé ...”. Tôi nhớ hôm nay là thứ Ba.
@@@
Có một đám tiếng ồn tiến lại. Đấy là những người thợ xây. Họ ăn mặc tuyềnh toàng mặc dù trời khá rét. Đám người bá vai nhau đi, cuốc xẻng khua lộc cộc trên đường; có người cầm cả điếu cày. Họ văng tục.
Đoàn người đi đến trước vũng nước. Một người nói:
- Cái vũng nước này thấy mấy hôm rồi mà chẳng cạn.
Anh ta lấy xẻng xỉa xỉa xuống nước và nhận ra bao xi măng. Cũng vô thức, anh ta gõ xẻng xuống viên gạch như kiểu những người thợ xây vẫn làm rồi nói:
- Phí cả bao xi măng!
Một người khác lấy quốc hất viên gạch xuống ao. Nước tràn từ vũng nước, qua cái vết xe máy lúc nãy và chảy vào vết lún của viên gạch khi mấy học sinh bé đi qua. Anh chàng thợ nề lấy quốc khơi sâu thêm cái rãnh và kéo dài nó xuống tận mép ao. Nước trong vũng rút qua cãi rãnh nhỏ ấy nhanh không ngờ. Loáng một cái, nước đã cạn để lộ cái lòng trũng có bao xi măng nằm ở chính giữa. Anh chàng cầm xẻng chọc thủng bao xi măng và dàn đều xi măng lên trên cái lòng chảo nhỏ. Anh ta xúc cả một ít cát đổ vào rồi trộn lên. Một người khác vứt một tấm ván lên phía dải đất lầy lội.
- Chắc ngày mai xi măng đông cứng lại thì đi được.
Họ kéo nhau đi qua; cũng thản nhiên và lộn xộn như lúc đầu. Vẫn những câu nói tục.
Tôi nhìn thấy mẹ từ xa. Người vẫn đi rất điềm đạm. Mẹ bước trên tấm ván khéo léo như một diễn viên múa. Tôi biết là đã đến lúc mình phải xuống nhà.
Mẹ bảo tôi lúc ăn sáng:
- Không biết nhà ai tốt quá, đã đổ xi măng cát vào cái vũng nước sau nhà rồi. Chắc là sẽ hết lầy lội. May quá.
Lẽ nào tôi nói với mẹ về Adam Smith và những giả thuyết kinh tế ? Hay tôi kể cho mẹ câu chuyện về viên gạch, về thằng bé bán bánh mỳ, người đàn ông bán báo, bao xi măng, đôi vợ chồng trẻ, cái vết xe máy, những em nhỏ, những người thợ xây và cái rãnh nước ? Mẹ tôi chỉ tin vào lòng tốt, vào con người và vào những điều giản dị. Mẹ tin vào chính cuộc sống này. Adam Smith chẳng có nghĩa gì; chẳng có nghĩa với ai; trừ với bài giảng của tôi.
0 Comments:
Post a Comment
<< Home