Thursday, February 03, 2005

Nguyệt Ca: “Từ khi trăng là cuội”

Cô bé Nguyệt Ca (xin phép được gọi em là cô bé) đam mê nhạc Trịnh. Chơi với em cũng khá nhiều mà tôi nghĩ mãi chẳng biết phải giới thiệu thế nào đây. Thực tình thâm tâm tôi chỉ muốn nói vô thưởng vô phạt: "em nghe nhạc Trịnh thì kiểu của em nó là như thế". Xin cứ để bài viết của em giới thiệu cho em. (Raxun)

Bên đời hiu quạnh

I. Sông bắt nguồn từ biển khơi
Hòn đá nảy cội từ cát bụi
Mỗi vật thể trong vũ trụ bao la này rồi cũng có một chốn bắt nguồn, một cõi nương thân.
Tình yêu nhạc Trịnh của tôi bắt nguồn từ đâu , và bao giờ ?

Khi ấy, tôi mười tuổi. Ấy là cái tuổi bắt đầu biết nghĩ và biết lo. Ngày ấy, nhà tôi đã tách ra ở riêng, song vẫn rất gần nhà ông ngoại. Nơi chúng tôi ở là một thị trấn nhỏ ngoại thành Hà Nội, buồn và heo hút.Ngày ngày người ta ngôì đếm những chuyến tàu hoả chạy qua , những con tàu màu xanh, đen hụ còi ầm ĩ. Và cả những chuyến xe tải thưa thớt vụt qua, để lại những đám bụi đặc quánh màu ghi xám. Tôi, ngày ấy là một cô học sinh giỏi văn nhất lớp, hàng ngày vẫn khệ nệ ôm cái cặp sách nặng chịch đi bộ dọc con đưòng đầy bụi đến trường. Mỗi buổi chiều về, chúng tôi rủ nhau đi tắt qua cánh đồng trồng rau cải và hoa , vừa đi vừa tha thẩn la cà. Mùa, những vồng hoa cải vàng óng và dập dờn bướm bay đã đi vào giấc mơ ,chăm chút dần cho tâm hồn mơ mộng của tuổi bé thơ tôi.

Khác với chúng bạn, tôi không mấy khi về nhà mà thường rẽ vào nhà ông ngoại. Một ngôi nhà rất dài với một cửa hàng mặt đường để kinh doanh và buôn bán nhỏ. Càng đi sâu vào trong càng như lạc vào một thế giới khác. Một con đường lát gạch đỏ , hai bên là những chậu cây cảnh nhỏ thâm thấp, nhỏ xinh. Rồi đến một dãy nhà ba gian mái đỏ đã phủ rêu xanh vì mưa nắng thời gian, rồi đến một khu vườn rộng rãi,trông thẳng ra bờ đầm.Ông tôi sống ở dãy nhà ngang này, căn nhà lúc nào cũng lồng lộng gió và nắng. Mỗi lần đến chơi, dù những cuộc viếng thăm ấy là thường xuyên đi chăng nữa, tôi cũng thấy mỗi lần một khác.

Ông tôi bị liệt nửa người từ năm bố mẹ tôi cưới nhau, trong một tai nạn bất ngờ. Ông sống bằng nghị lực và tình yêu dành cho cuộc đời. Ông cũng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ, cũng đã đau thương vì chiến tranh, vì đất nước bị giày vò, song do căn bệnh dạ dày quái ác hành hạ, ông được đưa về nhà an dưỡng.
Ngày ấy, mỗi buổi chiều tan học, hai ông cháu tôi lại ngồi trò chuyện bên chiếc giường nhỏ của ông, vì ông chỉ có thể ngồi và nằm. Hôm nào trời mát mẻ, tôi đẩy xe lăn đưa ông ra sau vườn ngắm cây cỏ, đất trời.

Ông có một cái cassette rất cũ, song vẫn còn chạy tốt. Năm ấy , tôi mười tuổi. Tôi vẫn thường thấy ông nghe nhạc , những bài hát mang mang một chút buồn phát ra từ chiếc loa rè rè, nghèn nghẹt . Tôi đã say sưa với cái giọng mê mải, da diết như có ma lực của người hát ấy ( mà sau này tôi mới biết là ca sĩ Khánh Ly ) và cả những tình khúc mà tôi chưa kịp hiểu hết lời. Ngày ấy, tôi bắt đầu làm quen với Diễm Xưa, Hạ Trắng, Một Cõi Đi Về,...Ban đầu là giai điệu và giọng hát, từng ngày một thấm vào tâm hồn và những mảnh kí ức của tuổi thơ tôi, như những giọt mưa thấm vào lòng đất Mẹ. Bắt đầu là nỗi buồn vu vơ và diệu vợi.

Tôi còn nhớ có những hôm tôi đến, rõ ràng vẫn những tiếng hát liêu trai ấy, mà ông lại vội tắt đi. Tôi đã hỏi: Tại sao thế hở ông ?

Và chỉ nhận được những tiếng im lặng thở dài.

Cũng có lần ông bảo:
- Cháu chưa nên biết, và biết cũng chỉ thêm đau thôi cháu ạ.
Tôi không bằng lòng với câu trả lời đầy bí ẩn ấy, vì trẻ con có bao giờ thích mình bị coi là trẻ con ? Vì thế thay vì bước vào, tôi tôi núp dươí mái hiên nhà và lắng nghe:
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
....
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
hàng vạn tấm bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn

Và tôi bắt đầu có ý niệm về cái chết như là một định mệnh, song song với nó là ý niệm về chiến tranh, sự tàn khốc, máu lửa , đau thương và chết chóc. Rồi cũng từ đấy trong tôi hình thành những chồi búp đầu tiên của tình yêu thương đồng loại,cũng như tôi bắt đầu biết yêu cuộc đời này.

II.
Năm mười bốn tuổi, nhà tôi chuyển về gian trong cạnh gian ông ở, để chờ xây nhà mới. Ấy là vào hè. Đã thành thói quen, sáng nào tôi cũng nghe nhạc. Nhưng có vẻ như bị ảnh hưởng bởi chúng bạn , tôi chỉ nghe nhạc quốc tế. Những ca khúc tiếng Anh vui nhộn, giai điệu rún rẩy mà chỉ nghe một lần là quên. Những hôm tôi tìm đến với nhạc Trịnh cũng là tìm lại một khong kí ức tuổi thơ bị lãng quên, là những buổi sáng mùa hè mưa rào và oi nồng. Tôi thấy ông khác hẳn. Ánh mắt ông vui hơn mọi ngày. Lúc đầu tôi vô ý chẳng nhận ra. Hai nhà ở sát cạnh nhau, tôi bắt đầu mở nhạc to hơn, để ông nghe rõ hơn.

Ông vẫn giữ thói quen nghe nhạc bằng cái cassette già cỗi ấy. Rồi thì đến một ngày nó lăn ra đình công, như một người già thảnh thơi nằm xuống sau khi đã vắt kiệt sức mình cho cuộc sống này.

Ông thích nghe Khánh Ly hát, còn tôi lại thích Hồng Nhung hơn , vì chị ấy trẻ hơn và hợp với tôi hơn. Thời gian ấy tôi đã đánh mất nhiều thứ, những thói quen cố hữu cũng như những niềm vui thuở nhỏ, có lẽ bởi cuộc sống gấp gáp và xô bồ đã kéo tôi đi.

Những hôm nghe Khánh Ly hát, thực ra là từ chiếc đĩa hát duy nhất mở đi mở lại không biết bao nhiêu lần, chỉ để dành cho ông nghe " ké", tôi thấy ông vui lắm. Ông ngồi trên giường, trước mặt là một bình trà nóng, một cái đĩa đựng toàn hoa nhài thơm ngát ,mắt dõi nhìn xa xăm. Nào tôi đã hiểu được ông đang nghĩ gì?
Một lúc sau ông khe khẽ hát, hơi ông yếu và thấp, nghe buồn lắm :

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...

Lúc ấy tôi chỉ thấy buồn.

III. Tuổi thơ tôi lớn dần cùng với những kí ức về ông ngoại, người mà tôi vô cùng yêu thương, người đã dạy cho tôi những khái niệm đầu tiên về âm nhạc, bắt đầu bằng những bản nhạc Trịnh bàng bạc buồn. Nhạc tình đôi khi buồn quay quắt, nhạc phản chiến đau thương mà nặng chất nhân văn. Chính vì thế dù tôi không một ngày nhìn thấy chiến tranh nhưng cũng có thể cảm được một phần của những điều đau thương nhất, cũng như có thể tưởng tưởng được những bức tranh ngập ngụa một màu tàn khốc, sự tàn khốc của chiến tranh xâm lược...
Xác người nằm trôi sông , phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố , trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
Trên giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu.
Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây....
Lúc ấy cảm giác như mình cũng là một nhân chứng đang đi như mộng du giữa một rừng máu và xương trắng, “ bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây “.


Ngày ấy Hà Nội vào mùa mưa. Những cơn mưa tầm tã, xối trời xối đất, làm cả không gian sùm sụp một màu xám bạc. Lúc này nhà tôi đã chuyển đi, cách xa nhà ông ngoại hơn 10 cây số, và tôi đã 16 tuổi. Cái tuổi mà một cô bé con muốn làm người lớn, ríu rít bận rộn với những băn khoăn, lo lắng, những náo nức của tuổi trăng tròn. Vì thế những chuyến viếng thăm ông ngày càng thưa thớt, loãng nhạt, đôi khi chỉ là một vài phút thoáng qua, hỏi han sức khoẻ rồi lại vụt biến đi. Tôi vẫn yêu ông, nhưng tôi không nhận thức được rõ rệt tình yêu ấy, nó ẩn sâu trong tiềm thức rồi. Khoảng thời gian chừng nửa năm ấy tôi không còn những phút trầm tư ngồi nhìn trời mưa trắng xoá, nhìn chớp giật sáng loà và bó gối nghe những giai điệu Trịnh mênh mang. Tôi cũng chả nhớ tôi đã nghe cái gì, vì kí ức nhạt nhoà lắm. Một phần vì tôi không ở gần ông để có một ai vô ý đánh thức thói quen xưa cũ này....

Năm ấy tôi mười sáu tuổi. Mỗi ngày , mỗi tuần tôi lại nhận được tin tức về sức khỏe của ông từ bố mẹ và các dì. Tin xấu lắm. Sức khoẻ ông yếu dần, cộng với suy sụp về tâm lý, khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ. Dường như cuộc sống đã không buông tha cho ông, cũng như những đau đớn thể xác vì bệnh tật, dằn vặt vì cảm giác mình – kẻ vô dụng đang làm phiền con cháu ngày đêm đeo đuổi ông. Hai lần tự tử bằng thuốc ngủ, những ngày bỏ ăn.....Tôi bắt đầu chăm đến chơi với ông, hình như tôi có cảm giác mình cần phải níu kéo những giây phút cuối cùng. Tôi đẩy xe lăn đưa ông ra vườn, nói chuyện với ông, những câu chuyện vu vơ, đôi khi là chuyện âm nhạc, nhạc Trịnh, nhạc Văn Cao , nhạc tiền chiến, hay chuyện cây cỏ, lá hoa trong vườn.... Mỗi câu chuyện thường bắt đầu như thế này :
- Mấy hôm nữa cháu sẽ mua cho ông một cái băng Khánh Ly ông nhé ! ( vì băng của ông đã hỏng hết cả rồi )
- Mấy hôm nữa mình mua một cây ngọc lan trồng trong vườn nhà mình ông nhé ! Ông thấy Hồng Nhung hát bài “ Ngọc Lan “ của Dương Thiệu Tước thế nào ?
- Cây thiên lý nhà mình năm nay ra nhiều hoa ông nhỉ ? Cháu bảo bà nấu canh cua thiên lý cho ông ăn tối nay ông nhá!.... Ông có nghe Khánh Ly không , cháu bật cho.....
Những câu chuyện giản đơn thế thôi, những dự định nhỏ bé thế thôi, cũng làm cho ông sôi nổi hẳn lên, và niềm vui ấy dường như cũng lây lan sang cả tôi. Tôi và ông cứ sống trong cái thế giới riêng tư và nhỏ bé ấy, có cây cỏ, đất trời và nhạc Trịnh trong suốt cả tháng liền.

Đến tháng tư, Trịnh Công Sơn mất, ông tôi khe khẽ buồn. Ông nghe nhạc Trịnh ít dần, tôi cũng bận bịu với kì thi tốt nghiệp đầy cam go và vất vả. Những cuộc viếng thăm, chuyện trò cũng thưa hơn. Sức khoẻ của ông lúc mạnh lúc yếu, cứ thất thường linh tinh...

Thi tốt nghiệp xong, có kết quả, tôi xuống thăm ông để xả hơi. Ông vui lắm. Hôm ấy là đám giỗ cụ. Ông ngồi trên giường, cười vang khoe với họ hàng
“ Con bé Linh nhà tôi nó đỗ vào lớp chọn trường điểm của Hà Nội đấy các bà ạ...” và lắng nghe những tiếng xuýt xoa của họ hàng với ánh mắt long lanh niềm mãn nguyện.
Tôi dành cả một tháng hè để sửa sang lại đống băng cũ của ông, đem phơi phóng ra sân nắng cho khỏi mốc, rồi chỉnh chang, phân loại tủ sách đồ sộ của ông. Hai ông cháu tỉ mẩn ghi chép từng đầu sách, bọc bìa, dán gáy cẩn thận. Ông khuyên tôi nên đọc cái gì, đọc thế nào. Ông dần dần truyền thêm cho tôi tình yêu văn chương, cũng như ngày xưa ông đã nhen nhóm trong tôi tình yêu nhạc Trịnh. Tôi cảm thấy rõ rệt cái bóng cao cả yêu thương của ông bao trùm lên tâm hồn tôi, nhẹ nhàng như dòng suối làm mát tâm hồn tôi, bằng văn chương và những giai điệu Trịnh.
Tôi vào lớp 10. Công việc chuẩn bị không mấy vất vả nhưng cũng lấy của tôi một ít thời gian , cộng thêm với tuần quân sự đủ để mười ngày liền tôi không xuống thăm ông. Đến ngày thứ mười một thì tôi nhận được tin ông mất đột ngột, đúng vào ngày mười sáu trăng tròn, một ngày sau rằm Trung Thu.

Tôi lảo đảo bước đi trong căn phòng vắng bóng ông, mà vẫn như cảm thấy rõ mồn một bóng dáng ông đang ngồi đó, mắt lim dim thả hồn vào khoảng không thấm đẫm tiếng hát Khánh Ly, y như hồi tôi còn nhỏ.
Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời....
Tôi nghe thấp thoáng giai điệu ấy, giai điệu của “ Bên đời hiu quạnh “ ám ảnh tôi day dứt, nhạt nhoà lẫn trong tiếng kèn, phách não nuột của phường bát âm. Xunh quanh bà con chòm xóm đi ra đi vào nườm nượp, ai cũng thương ông sống tử tế, tốt bụng cả một đời....

Tôi thu mình trong góc phòng, nhắm mắt lại và cố gắng nói chuyện với ông, đúng hơn là với hơi thở ông còn vương vất quanh đây. Nghe những giọt nước mắt nóng hổi lăn lăn rát bỏng cả hai má. Cảm giác hối tiếc choán hết tâm trí mình, hối tiếc vì bao nhiêu dự định chưa làm được .“ Ông ơi, cháu chưa mua cho ông cái băng Khánh Ly như đã hứa. Cháu còn chưa đọc hết cuốn “ Đất vỡ hoang “ mà ông bảo hay lắm. Bây giờ thì muộn rồi, cháu còn biết mua băng cho ai nghe nữa hở ông ? .... “ .Nhìn ra ngoài trời kia, một ngôi sao vụt sáng rồi vụt tắt. Mùi hoa thiên lý mát ngọt trên giàn còn ướt đẫm sương, mùi hoa bạch ngọc trong ngần, và ai đó đang mở nhạc Trịnh Công Sơn, những thứ ngày xưa ông rất thích, nhưng ông thì đã xa xôi lắm rồi. Tôi cũng biết rằng tôi đã mất một điều vô cùng quí giá, mất mát lớn lao nhất trong khoảng đời bé bỏng thuở ấu thơ.

Trịnh Công Sơn mất vào tháng tư, ông tôi ra đi tháng chín. Năm ấy tôi mười sáu tuổi...


0 Comments:

Post a Comment

<< Home