Thursday, February 03, 2005

Oklahoma Du Hí- Tinyhuong

1. Omaha - Prelude tháng Ba

Ở đâu đó - tôi tin - phải có câu trả lời cuối cùng cho tất cả những lộn xộn và bất an của thế giới này. Như là, vì sao người Mỹ giàu có còn chúng ta thì vẫn nghèo? Vì sao ở phía kia của Mặt Trăng lại luôn tối và lạnh lẽo? Vì sao người Quảng Đông ở Trung Quốc có thể ăn thịt người? Hoặc như là, vì sao cái trang web nhiều người truy cập nhất thế giới lại là một trang web về porn? Và này, Bin Laden và đồng bọn có nỗi ám ảnh tuổi thơ vào với máy bay và nhà cao tầng nào không nhỉ?
Nhất định là ở đâu đó phải có câu trả lời cuối cùng cho tất cả những lộn xộn và bất an của thế giơí này.
Thì cứ nhìn cái thế giới tin hin của tôi mà xem. Câu hỏi làm tôi trằn trọc mất mấy tuần “Đi đâu, làm gì trong một tuần nghỉ Spring break” rút cục đã được trả lời thoả đáng và nhanh gọn không ngờ. Một buổi chiều tháng 3 không có gì đặc biệt, trong lúc đang đủng đỉnh thu dọn băng đĩa và tài liệu giảng dạy sau buổi lên lớp, Giáo sư Teresa đột nhiên hỏi tôi có muốn đi Oklahoma với cô vào dịp Spring break. Tôi chẳng tìm được lí do gì để nói không. Và thế là: Oklahoma!
Bingo!

2. Đi đường
Có năm chúng tôi lên đường từ Omaha đi Oklahoma. Đoạn đường dài chừng 400 dặm, băng ngang qua bang Kansas. Có nhiều cách để phân chia nước Mỹ, nhưng tôi hay chia thành 2 kiểu: kiểu thứ nhất là cắt ngang nước Mỹ thành miền Bắc và miền Nam; kiểu thứ hai là cắt dọc nước Mỹ thành bờ Đông - đồng bằng lớn ở giữa và bờ Tây. Cả Nebraska, Kansas và Oklahoma đều thuộc vào phần đồng bằng lớn ở giữa, xuôi dần xuống phía Nam.
Mùa này không phải là mùa lý tưởng để đi chơi vì tuyết đã tan nhưng cây cối chưa mọc trở lại, đâu đâu cũng chỉ là một màu xám xám của cỏ và cành khô trên những quả đồi nhấp nhô liên tục. Đi suốt các bang ở vùng đồng bằng lớn nước Mỹ là những cánh đồng ngô, bò, đồi nối tiếp đồi chạy ngút mắt. Cứ đi một quãng lại thấy những quả đồi vừa được đốt cỏ xong: đen và bụi. Bây giờ vẫn đang là cuối mùa khô ở Mỹ - nếu có bão và sét, rất có thể có các đám cháy trên các đồng cỏ khô hoặc rừng cây trụi lá.
Chúng tôi khởi hành từ sáng trên hai xe ô tô kiểu minivan, vừa đi vừa ăn dọc đường. Qua Kansas chẳng có gì nhiều để nói: chỉ đồng cỏ và đồng cỏ. Cái đáng nói nhất có lẽ là giao thông của nước Mỹ: trên cả tuyệt vời. Hệ thống đường rất rõ ràng và tiện lợi, biển chỉ đường rõ ràng; đến mức ngay cả nếu bạn chưa bao giờ biết đường đi Florida, bạn cũng có thể dùng bản đồ để đến nơi. Trên đường cao tốc liên bang, cứ một quãng lại có một khu gọi là rest area, ở đó có nhà vệ sinh công cộng cực kỳ sạch sẽ, có bán đồ ăn, có các tờ tin, thậm chí có cả chỗ nghỉ cho những lái xe đường trường. Dọc đường có rất nhiều các trạm xăng tự động, bạn tự bơm xăng và tự trả tiền. Tuy nhiên, cái đáng nói nhất là ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của người Mỹ. ở các biển dừng, ngay cả nếu hai bên đường vắng tanh không có ai, họ cũng không vượt. Bơm xăng xong, bạn tự động vào trả tiền, không ai nhắc nhở nhưng cũng chẳng ai vi phạm. Ngoài ra, Kansas là nơi bắt nguồn của bộ phim nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.
9h tối, chúng tôi vào đến địa phận Oklahoma, đồng thời cũng là vào đến khu tự trị (reservation) của người da đỏ. Tôi có thể nhận ra điều đó vì ông Joe Trumbly lái xe nhanh hơn ở phía trước. Như hổ được về rừng, như tay súng săn vào đến vùng đất săn của mình, xe của ông chạy loang loáng phía trước xe của tôi, bỏ lại hai bên những cánh rừng và những cột mốc đường loé sáng trong đêm. Bên trong xe ấm áp nhưng ở bên ngoài chắc ngập tràn gió lạnh vì tôi nghe rõ tiếng gió thổi ràn rạt, vù vù. Tôi tưởng tượng ra chăng hay sự thật là mảnh đất này có nhiều điều huyền bí?

3. Một nhóm kỳ quặc

Khi viết những dòng này - một buổi tối thứ Tư đẹp trời - tôi đã sống ở Oklahoma ngày thứ ba. Chính xác hơn là ở Pawhuska, một trị trấn nhỏ, vắng người, đồng thời là khu tự trị của bộ lạc da đỏ Osage. Tôi ở cùng gia đình Trumbly: gồm ông Joe, bà Alaine, cô Teresa và Layton.
Chúng tôi có lẽ là một nhóm kỳ quặc.
Ông Joe Trumbly là một người da đỏ thuần chủng (mặc dù da ông bây giờ chủ yếu đỏ vì rượu bia), một trong những người đứng đầu bộ lạc Osage, tiếng Anh gọi là councilman, một chức tương đương với bộ trưởng trong các thể chế chính trị khác. Khi mà tổng thống Bush tổ chức tiệc nhậm chức Tổng thống, gia đình Trumbly cũng là khách mời.
Bà Alaine Trumbly thì là người da trắng hoàn toàn, gốc châu Âu, không hề có chút pha tạp nào của người da đỏ - một phụ nữ rất lịch lãm, khả kính và ân cần.
Cô Teresa - năm nay 40 tuổi - mang dòng máu lai giữa người da đỏ với da trắng. Cô đã lấy một người Thái - con trai một gia đình hết sức giàu có, danh giá; có ngân hàng, công ty tài chính và các loại tài sản khác. Họ chung sống một vài năm rồi li dị. Trong cả bộ lạc những người da đỏ Osage cũng như đối với người da đỏ Mỹ nói chung, người như cô Teresa không nhiều. Trên nước Mỹ rộng lớn này, người da đỏ vẫn là chủng tộc nghèo nhất, tỷ lệ thất học cao nhất, tỷ lệ nghiện rượu cao nhất, vv và vv...nhiều thứ nhất khác nữa mà chắc họ không mấy tự hào. Cô Teresa là tiến sỹ và giáo sư tại trường đại học - đối với hầu hết người da đỏ thì đó là một ngoại lệ.
Layton Lamsam, con trai cô Teresa - mới có 10 tuổi. Dĩ nhiên là Layton mang trong mình cả ba giòng máu: da đỏ của thổ dân Mỹ gốc, da trắng châu Âu và da vàng của châu Á. Layton thuộc về nước Mỹ vì em sinh ra và lớn lên ở đây, chịu ảnh hưởng từ những người bạn Mỹ. Layton thuộc về một thế hệ nữa của nước Mỹ - thế hệ của thế kỷ 21, không biết đến chiến tranh vệ quốc mà biết đến các cuộc khủng bố kiểu mới của loài người. Nhưng tôi biết Layton - có lẽ do những đặc điểm di truyền - tuy còn nhỏ mà đã biểu hiện những đặc điểm pha trộn đáng kinh ngạc giữa tính cách Mỹ, tính cách người da đỏ và cả tính cách Á Đông.
Tôi là một người châu Á thuần chủng, nói chính xác thì là Việt Nam. Tôi là một người da vàng. Tổ tiên của tôi sinh sống ở vùng Kinh Bắc đã rất nhiều đời, đã sinh con đẻ cái nhờ vào làm ruộng và các nghề thủ công.
Chúng tôi chỉ cần thêm một người châu Phi nữa là có thể có cả thế giới trong một mái nhà.
(Thực ra - nếu nói cho đầy đủ, với một thái độ không phân biệt chủng tộc - thì còn một nhân vật nữa trong gia đình. Nhân vật này có tình cảm khá đặc biệt với tôi. Ví như lúc tôi đang ngồi gõ những dòng ký ngắn này bằng chiếc laptop của cô Teresa thì hắn đứng nhìn chăm chú vào mặt tôi với một vẻ ngưỡng mộ đủ khiến tôi xấu hổ và một ánh nhìn trong sáng đến mức đáng ghen tức. Không muốn bị xấu hổ thêm nên tôi cầm cái cổ dề lôi hắn - à, tên hắn là Bill - ra khỏi phòng khách. Hắn quâỹ đuôi đầy bất bình.)
Xin quay lại với câu chuyện các chủng tộc. Một hệ quả - tuy không nhất thiết là tất yếu, nhưng khá dễ dàng nhận thấy từ sự đa dạng về chủng tộc mà tôi nói trên - là sự đa dạng về các niềm tin, các hệ thống giá trị trong xã hội. Nước Mỹ ngày nay là sự tổng hoà của rất nhiều thứ: vừa hấp thụ những tinh hoa của lục địa cũ - tức châu Âu - lại vừa phát triển từ trong lòng nó những nét tinh hoa riêng của một mảnh đất trẻ với những con ngươì mới. Xét theo một cách nào đó: nước Mỹ lớn mạnh chính nhờ ở sự hoà trộn các giá trị nói trên. Nó giống như một vòng tròn xoáy trôn ốc: sự đa dạng và dễ dãi của nước Mỹ hấp thụ thêm nhiều người từ các nước - rất nhiều trong số họ là những người mang sẵn trong mình những điểm khác biệt và những giá trị phá cách, vốn không được chấp nhận hoặc là rất xuất sắc ở nước cũ. Những người này lại tạo ra thêm những sự đa dạng mới, giống như thêm gia vị vào nồi soup gà...và vì thế nước Mỹ càng mở rộng biên độ dao động của nó.
Năm người và một chó: chúng tôi chẳng ai giống ai cả!

4. Lược khảo không chính thức về Oklahoma và người da đỏ

Oklahoma - cái tên này bắt nguồn từ bộ lạc Choctaw - có nghĩa là "người da đỏ"
Oklahoma bắt đầu có tư cách một tiểu bang kể từ ngày 16-11-1907, bang thứ 46 trong tổng số 50 bang của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trên mọi phương diện, Oklahoma là một bang đặc biệt. Thực tế là những người tạo ra bang này chưa bao giờ có ý định tạo ra nó như là một “bang” của Mỹ - nghĩa là ngang bằng với New york hay Califorrnia, hay Massachusetts. Oklahoma là miếng thịt bạc nhạc mà nước Mỹ giành cho người da đỏ. Nó được thành lập chỉ như là cái rọ lớn để nước Mỹ dồn người da đỏ vào đó, tránh cái gai trong mắt chính quyền.
Cần phải tưởng tượng thế này: Nước Mỹ vốn thuộc về người da đỏ.
Trên mảnh đất trù phú mà ngày nay được gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hàng ngàn năm trước chỉ có những bộ lạc da đỏ sinh sống. Những nơi mà ngày nay người ta trồng ngô, xây nhà máy, xây cao ốc, xây nhà ga xe điện ngầm, mở công viên, dựng công viên Disney - trước đây là nơi người da đỏ săn bắn, sinh sống. Những Omaha, những Kansas city, những Oklahoma city của ngày này - trước đây là thảo nguyên rộng lớn của người da đỏ, nơi hàng đàn trâu rừng chạy lồng, ngựa hoang, và các loại động vật khác chung sống.
Sau khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ, các nước lớn ở châu Âu thi nhau đưa người tới lục địa mới này. Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và bất kỳ nước nào có thế mạnh về hàng hải đều đã vượt biển đổ bộ lên tân thế giới. Họ đi theo hai nhóm với hai mục đích: một là những người di dân tự do muốn rời châu Âu vì những lý do chính trị và kinh tế, đến đất mới để bắt đầu cuộc sống mới; hai là quân đội và chính quyền thực dân tới khai thác đất mới để làm giàu cho bản địa.
Trong vòng hai thế kỷ sau khi những người Anh đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Đại Tây Dương của nước Mỹ, người da đỏ liên tục bị dồn đuổi vào sâu dần trong lục địa - chỗ hiện nay là đồng bằng lớn và các vùng núi cao. Ban đầu họ dễ dàng thuần phục được người da đỏ - những người lúc đầu sợ hãi và coi họ là Chúa Trời. Tuy nhiên, khi thực dân Anh và Pháp lấn tới chiếm đất - thứ có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống người da đỏ - thì các cuộc chiến bắt đầu nổ ra. Cuộc chiến giữa người da đỏ và thực dân Anh, Pháp kéo dài cho đến năm 1763 thì tạm thời ngừng lại khi Anh tuyên bố không cho phép người da trắng vượt qua khỏi dãy Appalachian, phần phía bên kia trở đi là đất của người da đỏ.
Khi cách mạng Mỹ nổ ra giữa thực dân Anh với dân di cư tự do từ châu Âu sang và nay là chủ thực sự của Mỹ, nước Anh đã mua chuộc rất nhiều bộ lạc da đỏ để chống lại người Mỹ. Sau khi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời vào năm 1776, đến lượt mình, chính quyền Mỹ bắt đầu mở rộng đất về phía Tây (về hướng California) vốn vẫn do người da đỏ chiếm giữ.
Để nhổ cái gai là dân da đỏ ra khỏi mắt, chính quyền Mỹ tính đến việc thành lập một cái gọi là Lãnh thổ cho người da đỏ (Indian Territory) vào đầu thế kỷ 19. Đến năm 1930, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật thành lập lãnh thổ này. Nó nghiễm nhiên tạo lập một biên giới giữa một nửa phần đất bên Đông nước Mỹ thuộc về người da trắng và một phần đất bên Tây thuộc về người da đỏ. Lãnh thổ này bao gồm phần lớn đất đai của các bang Nebraska, Kansas và Oklahoma ngày nay; và biên giới hai khu vực cũng nằm dọc các bang này.
Tuy nhiên lãnh thổ này kéo dài chỉ được 25 năm. Đến giữa thế kỷ 19, sau khi người da trắng phát hiện ra vàng ở phía bờ Tây nước Mỹ, công cuộc tiến về miền Tây để đào vàng đã phá tan biên giới nói trên. Để mở đường cho người da trắng đi về miền Tây - chủ yếu theo đường 66 nổi tiếng - chính quyền Mỹ đã thẳng tay đàn áp các bộ lạc da đỏ.
Trong một nỗ lực cuối cùng để giải quyết dứt điểm vẫn đề người da đỏ, nước Mỹ quyết định ký một loạt hiệp ước vào cuối thế kỷ 19, theo đó thành lập các khu tự trị cho các bộ lạc da đỏ và yêu cầu các bộ lạc di dân tơí sống vĩnh viễn ở đó, tách rời tương đối với xã hội da trắng. Đất đai này chủ yếu là Oklahoma bây giờ. Năm 1866, tổng thống Ulysses Grant đã ký “Hiệp định hoà bình” với các bộ lạc. Tuy trên danh nghĩa, chính quyền liên bang tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho những người vốn làm chủ đất đai của nước Mỹ nhưng trên thực tế, họ muốn tiêu diệt người da đỏ, bằng vũ lực và sau đó là bằng văn hoá. Sau Hiệp định hoà bình, quân đội Mỹ ép các bộ lạc da đỏ tới các khu tự trị - những mảnh đất hoang cằn, hầu như không thể canh tác được. Rất nhiều người da đỏ đã chết trong các cuộc di dời này. Và vì thế, hành trình của người da đỏ tới các khu tự trị do chính quyền Mỹ chỉ định được gọi là “Hành trình nước mắt” (Trail of tears).
Oklahoma ngày nay có gần 40 bộ lạc sống trong các khu tự trị riêng: Osage, Cherokee, Choctaw, Chickasaw, Kickapoo, Dalaware, Souk and Fox, Ponca, Shawnee, Seminole, vv...Trên đất đai của các khu tự trị, người da đỏ thực tế sống lẫn với người da trắng và đang bị pha tạp dần. Họ kiếm sống bằng các công việc thông thường; ngoài ra các bộ lạc cso thể mở sòng bạc, buôn bán, khai thác dầu để kiếm tiền.
Người da đỏ biết rằng họ đã thua vĩnh viễn. Không bao giờ họ còn là chủ trên đất đai Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nữa. Cái mà họ còn - chỉ là một nền văn hoá da đỏ mà những người như ông Trumbly và cô Teresa đang cố gắng giữ gìn.

5. Cô Teresa - đôi điều nói thêm về văn hoá!

Tôi có thể nhìn thấy những gì đang mất dần trong văn hoá da đỏ và những gì sẽ còn được giữ lại từ cô Teresa. Có rất nhiều điều để nói về cô mà tôi không biết phải nói từ cái gì. Biểu hiện văn hoá da đỏ đầu tiên mà tôi nhận thấy ở cô chính là những quan niệm về đất đai và gia đình. Tôi không ngạc nhiên khi cô nói rằng cô chỉ thực sự cảm thấy về nhà khi trở lại Oklahoma, về sống trong khu tự trị - một điều mà nhiều người dân Mỹ sẽ cảm thấy kỳ quặc vì người Mỹ hầu như không có khái niệm “mảnh đất chôn rau cắt rốn”. Một người Mỹ điển hình có thể đi từ bang này sang bang khác theo công việc một cách hết sức thoải mái. Dường như trong cô cũng như trong những người còn mang đậm văn hoá da đỏ, đất đai vẫn có ý nghĩa thiêng liêng. Cuộc chiến giữa người da trắng và người da đỏ hàng trăm năm trước cũng bắt nguồn từ xung đột trong quan niệm về sở hữu đất. Đối với người da đỏ, đất đai, cây cỏ đều có linh hồn và thuộc về thần linh. Việc mua bán, đổi chác đất đai là một điều hết sức phi nghĩa đối với họ. ý niệm nơi chôn rau cắt rốn đối với họ rất cao cả và thiêng liêng. Đấy chính là lý do vì sao người da đỏ chống cự quyết liệt khi chính quyền Mỹ buộc họ dời đến Oklahoma. Người da đỏ chết trên “hành trình nước mắt” vì sự suy sụp tinh thần nhiều hơn và về sức lực.
Tôi không ngạc nhiên khi cô Teresa kể rằng cô đã yêu và cưới một người Thái Lan khi đang học Cao học. Tôi cũng không ngạc nhiên khi cô nói cô không muốn đến châu Âu nhưng rất tò mò về châu á và văn hoá cộng đồng ở đó. Tôi không ngạc nhiên khi cô nói rằng vì một lý do nào đó, cả cô và con trai Layton của cô đều thân thiết với người châu á.
Câu trả lời cho những điều này không chỉ nằm ở vấn đề tính cách cá nhân. Tôi tin là văn hoá - đấy chính là câu trả lời.

Dĩ nhiên là bây giờ, không bộ lạc da đỏ nào còn dựng lều đốt lửa trên thảo nguyên hay đi săn chung. Họ sống trong các ngôi nhà xây giống như tất cả mọi người khác. Họ lái ô tô, họ dùng lò vi sóng, họ mặc quần bò, áo sơ mi như những người thường (mặc dù rất nhiều đàn ông da đỏ vẫn để tóc dài). Tuy thế, cách tổ chức cộng đồng và nếp suy nghĩ của kiểu văn hoá tập thể, có thứ tự trên dưới rõ ràng thì vẫn còn ăn sâu.
Cần nhớ rằng các khu tự trị của người da đỏ là những lãnh thổ riêng mà trên đó luật pháp của tiểu bang không có hiệu. Đất trong khu tự trị cũng như là một tiểu quốc gia hoặc một dạng lãnh thổ với các quyền hạn chế. Họ có thể không được quyền đặt sứ quán, tuyên bố chiến tranh, giao thiệp cấp nhà nước với các nước ngoài Mỹ hoặc các bộ lạc khác, nhưng trên danh nghĩa mỗi bộ lạc vẫn là một quốc gia có quyền tối cao sau quyền của liên bang. Ví dụ như bộ lạc Osage thực tế được gọi là Quốc gia Osage (The Nation of Osage). Trong phạm vi lãnh thổ của một bộ lạc, tức là khu tự trị, họ không đóng thuế cho bang, không chịu luật pháp của bang. Các sòng bạc mở trên đất của người da đỏ - dù chính quyền bang có thấy chướng tai gai mắt đến đâu đi nữa - cũng không được quyền can thiệp, đánh thuế.
Xin trở lại nói tiếp về vấn đề văn hoá. Cô Teresa lớn lên - mặc dù hưởng một nền giáo dục và các tiện nghi của nền văn hoá da trắng, nói chính xác hơn là nền văn hoá đề cao chủ nghĩa cá nhân và sự công bằng giữa các các nhân - nhưng về bản chất, cô là một người có một niềm tin và nếp sống vững chắc theo kiểu văn hoá bộ lạc. Nó gần với văn hoá Việt Nam hay văn hoá một số nước châu á. Tôi và cô Teresa thân với nhau - ngoài mối quan hệ công việc giữa một Giáo sư với trợ giảng - lý do chính có lẽ là vấn đề văn hoá. Trong số nhiều điều khác biệt giữa văn hoá bộ lạc với văn hoá Mỹ, điều khác biệt lớn nhất có lẽ là lối sống cá nhân và lối sống tập thể. Cho đến giờ, trong một bộ lạc da đỏ, người đứng đầu (được gọi dưới một số tên như Chief, The President, the Governor) vẫn được kính trọng nhất mực. Người da đỏ rất chú trọng thứ bậc trong bộ lạc; tôn trọng sự chia sẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Những thứ quan niệm mới của xã hội Mỹ - như quan hệ tách biệt tương đối giữa cha mẹ với con cái về tài chính và nơi ở; tính ngang bằng về quyền công dân giữa các cá thể trong cộng đồng, vv - vẫn chưa lan đến các bộ lạc. Mặc dù hiện tại đa số các bộ lạc dùng chế độ bầu cử để lựa chọn người đứng đầu bộ lạc thay vì chế độ tập tước cha truyền con nối như trước kia, và dù những tư tưởng dân chủ mà nền văn hoá Mỹ áp đặt lên người da đỏ đang bóc dần những thành trì cuối cùng của nền văn hoá bộ lạc, dường như sâu bên trong có những thứ bản năng thuộc về giống nòi, chủng tộc vẫn được duy trì, nhất là ở những người như cô Teresa và ông Joe Trumbly. Cũng có thể, chính vì nhu cầu tồn vong của bộ lạc mình, người da đỏ không cho phép nó lan tới, hoặc ít nhất là chưa lan tới. Mất văn hoá chính là cái làm cho một dân tộc bị xoá bỏ, chứ không phải sự mất mát về đất đai hay tài sản. Như tôi đã nói, người da đỏ ý thức rõ ràng rằng trên mảnh đất Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - vốn ngày xưa là đất đai của họ - họ không bao giờ còn có thể là chủ và là người chiến thắng. Có lẽ lịch sử lâu dài và đẫm máu của các cuộc chiến với người da trắng - trong đó người da đỏ là kẻ yếu và thua cuộc - đã buộc họ càng xích lại với nhau hơn và cố gắng gìn giữ văn hoá của mình.
Cuộc chiến cuối cùng của người da đỏ chính là cuộc chiến giữ gìn văn hoá của họ.

6. Been there, almost done that - Tôi đi đánh bạc lần đầu

Tôi nói với cô Teresa lúc ở Omaha rằng tôi muốn đến một sòng bạc của người da đỏ để xem. Thế là buổi tối thứ hai trong tuần ở Oklahoma, chúng tôi đi đánh bạc.
Hiện nay, hầu như bộ lạc da đỏ tập trung nào cũng mở sòng bạc trên đất của mình. Lý do thì có nhiều. Một phần vì mở sòng bạc kiếm được rất nhiều tiền mà lại không phải chịu thuế của bang cho loại hình kinh doanh đặc biệt này. Một phần khác là vì - do những lý do lịch sử - người da đỏ hình thành nên truyền thống đánh bạc và uống rượu. Ngoài ra, các sòng bạc của người da đỏ cho phép trẻ em trên 18 tuổi là được vào trong khi các sòng bạc khác bạn gặp ở Las Vegas hay bất kỳ nơi nào khác đòi hỏi bạn có giấy tờ chứng minh trên 21 tuổi. Xin nhắc lại rằng trên đất của người da đỏ, họ có quyền đặt các quy định mà chính quyền tiieủ bang không thể can thiệp. Còn chính quyền liên bang thì quá xa để lo cho những người vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi trong lịch sử Mỹ.
Trên đường từ Omaha xuống Oklahoma, chúng tôi đã định vào một sòng bạc rất lớn ở Kickapoo thuộc bang Kansas. Đây là sòng bạc của bộ lạc Kickapoo. Trớ trêu là tôi không mang theo bất cứ giấy tờ nào có ghi ngày sinh để chứng minh mình đã qua tuổi 18; cho nên, sau một hồi thuyết minh, tôi và ông Joe đành ngậm ngùi quay ra. Dọc đường từ Kansas đi Pawhuska, tôi gặp ít nhất là ba sòng bạc lớn của các bộ lạc da đỏ: Kickapoo, Red Fox và Golden Eagle. Họ mở ngay gần sát đường lớn, lúc nào cũng đông người Mỹ đến đánh bạc.
Dĩ nhiên là tôi vẫn không có giấy tờ tuỳ thân. Nhưng Pawhuska là đất của ông Joe Trumbly nên tôi không gặp phải trở ngại nào. Lúc tầm 9h tối ngày thứa Ba, tôi, ông Trumbly và cô Teresa vào đến sòng bạc của người Osage.
Thực ra, nói đến sòng bạc nghĩa là phải có đánh bạc thực thụ. Còn sòng bạc mà tôi đến vẫn đang tiếp tục mở rộng phần đánh bạc; phần đã hoàn thiện rồi thì không có bàn đánh bạc ăn tiền theo ván mà chủ yếu chơi Bingo và một số các thể loại khác. Chơi bingo là dễ nhất vì bạn dùng các máy tự động để chơi, trên thực tế là tuỳ vào việc bạn may mắn hay không mà thắng chứ không dựa nhiều vào kinh nghiệm hay tài chơi bài. Sòng bạc này thuộc về bộ lạc Osage. Chính quyền bộ lạc bỏ tiền để xây, trang bị máy, quảng cáo, hưởng lợi nhuận và quyết định việc chia lợi nhuận giữa các thành viên trong cộng đồng. Những người làm ở đây chủ yếu là người da đỏ.
Sau một màn chào hỏi giữa ông Trumbly với hai người quản lý sòng bạc - hai anh em da đỏ sinh đôi nhà Wallers, vẫn còn để tóc dài ngang lưng, tết ra sau - người ta dẫn tôi và cô Teresa ra quầy. Chúng tôi đọc tên, họ gõ trên máy tính và in ra một cái thẻ trắng, kích thước bằng một là thẻ tín dụng, có tên tôi và một hàng số. Thế là xong thủ tục, tôi có thể bắt đầu chơi.
Xin được nói qua một chút về quang cảnh ở trong một cái sòng bạc thế này. Lúc tôi vào khu chơi bingo và chơi bạc đơn giản, trong một gian phòng rộng chừng 500 mét vuông, có khoảng gần 100 máy chơi các kiểu và có khoảng hơn 100 người. Khói thuốc mù mịt, đèn xanh đỏ nhấp nháy tứ tung, nhạc từ các máy chơi bingo kêu ỏm tỏi, tiếng tiền xu loảng xoảng, người qua người lại rộn ràng, rất là buồn cười. Hôm đó là thứ Ba và trời không đẹp lắm nên không phải ngày cao điểm của sòng bạc - tôi đoán thế. Vào ngày cuối tuần thì ở đây chắc là đông hơn. Tuy vậy, vẫn có thể nhận ra một số đặc điểm: những người đến đây đa phần là người lớn tuổi và rất nhiều người già; chủ yếu là nam giới. Họ là những người về hưu muốn đến giải trí, những người thất nghiệp, những người rảnh rỗi buổi tối trong một thị trấn chẳng có mấy vui vẻ, những người da trắng ở các vùng lân cận muốn tìm một chỗ tiêu tiền qua một tối thứ Ba ảm đạm, vv và vv...Nói chung thành phần rất phong phú. Hầu hết đều là ngưòi không giàu có, muốn đến thử vận may; hoặc là trung lưu muốn giải trí.
Cũng xin được mở ngoặc nói thêm rằng một người Mỹ điển hình sẽ không quan niệm việc đến sòng bạc là một việc đi ngược lại các quy tắc đạo đức. Nếu bạn nghiện cờ bạc để đến mức tan nát nhà cửa, huỷ hoại cuộc đời, liên luỵ người khác thì chắc chắn là không tốt. Còn nếu đến sòng bạc giải trí thỉnh thoảng - họ cho như thế là hoàn toàn lành mạnh. Tất nhiên, những người Mỹ sùng đạo Cơ đốc thì phản đối việc đánh bạc dưới mọi hình thức: dù để kiếm tiền hay chỉ để giải trí. Nhưng phải thành thực mà nói rằng tín ngưỡng đang dần trở thành một phần của văn hoá Mỹ, một thứ mà ai cũng làm chỉ vì xã hội làm thế thay vì đức tin thực sự. Vì vậy nên Las Vegas vẫn thịnh vượng. Các sòng bạc của người da đỏ vẫn rất thịnh vượng. Ông Joe Trumbly khăng khăng cho tôi 20 đô để làm vốn cho lần đến sòng bạc đầu tiên. Tôi kiếm một cái máy chơi Bingo ở ngay phía ngoài, có tên là Fruit Shake để thử vận may trong lần đầu tiên đến một sòng bạc. Sau khi nhét cái thẻ và nhét tờ 20 đô vào máy, lập tức màn hình báo là tôi có 400 điểm ở trên thẻ. Cái máy mà tôi ngồi vào là cái máy đơn giản nhất: bạn cho thẻ vào, chọn mức đặt cọc cho mỗi ván rồi nhấn nút chơi; máy sẽ tự động quay rồi dừng giống như trò xổ số, nếu bạn được ba hàng có các hình giống nhau thì bạn sẽ thắng điểm, cứ mỗi điểm sẽ quy ra là 5 cents. Nó có 9 ô vuông, tạo thành 8 hàng: ba hàng dọc, ba hàng ngang và 2 hàng chéo. Bạn có thể tuỳ chọn đặt cọc bao nhiêu hàng, tốt nhất là nên chọn 8 hàng vì cơ hội trúng sẽ cao.
Dĩ nhiên là tôi đặt cọc 8 điểm cho mỗi lần và bắt đầu chơi. Hahaha..cái trò này thật là buồn cười. Chẳng hiểu lúc ra khỏi nhà tôi bước chân nào ra trước mà tôi thắng liên tục; tiền xu rơi loẻng xoẻng, chuông báo kính cong, đèn xanh đỏ nhấp nháy loạn xị ngậu. Chơi 5 phút thì tôi lên được 700 điểm, tức là tôi đang thắng được khoảng 15 đô. Nếu tôi chơi ở máy Bingo nào đặt cọc 1 đô hay 5 đô một ván thì tôi đã sắp có đủ tiền để mua vé maý bay về nhà rồi...hì hì. Bàn bên cạnh, tôi thấy cô Teresa cũng đang hí hửng chơi như trẻ con. Quanh quanh có rất nhiều người cũng đang ra sức ấn nút, mắt dán vào màn hình. Tôi buồn cười muốn chết. Bây giờ tôi bắt đầu hiểu vì sao người ta nghiện cờ bạc: cái cảm giác lúc thắng bạc, nghe tiền xu đổ leng keng, nhạc reo tí toét, đèn xanh đỏ nhấp nháy rất là buồn cười. Bạn càng thua thì bạn càng muốn chơi tiếp để gỡ; khi bạn gỡ được, bạn lại muốn chơi thêm để thắng...cứ như vậy.
Trò Bingo chỉ có 5 xu một điểm và là trò cho các ông bà già nên tôi nhảy qua khu khác chơi. Có rất nhiều trò, đủ cả phức tạp lẫn giản đơn mà bây giờ tôi cũng chẳng thể diễn tả lại rành mạch. Tôi đã thử chơi bài poker với máy nhưng được một tẹo thì tôi bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn. Tôi ngồi lâu nhất ở trò Crazy Monkey; đặt cọc 50 cents một ván và chơi mấy chục ván liền. Đã có lúc tôi thắng 120 đô, nhưng vì chơi lần đầu, tôi không biết là nên đi rút tiền ngay khi thắng mà cứ chơi tiếp nên một lúc sau thì tôi lại xuống còn 60 đô; rồi lại lên 90, rồi lại xuống. Cái trò đánh bạc này - bạn đã dính vào là không muốn dứt ra. Chỉ trong tích tắc, bạn có thể kiếm được tiền bằng cả nửa tháng lương hay cả tháng lương đi làm tuỳ vào mức bạn đặt cọc, mà chẳng tốn công sức gì. Thế nên không ngạc nhiên khi người ta dễ nghiện các sòng bạc.
Gần 12 giờ đêm thì chúng tôi ra về. Đêm đó, không tính 20 USD của ông Joe cho, tôi thắng được hơn 70 đô. Một người bạn rất có kinh nghiệm có lần khẳng định với tôi là làm cái gì lần đầu cũng sẽ may mắn, ví dụ như đi đánh bạc lần đầu thì sẽ có vận đỏ do Trời Phật phù hộ. Tôi chưa bao giờ tin những tín điều kỳ quặc đó. Bây giờ thì tôi cũng tin chút xíu...hì hì. Tuy thế lần này tôi chưa thực sự đánh bạc mà chỉ chơi bingo. Hy vọng là lần sau nếu tôi có dịp đến một sòng bạc quy mô hơn thì “Người Ta” vẫn nghĩ là tôi chơi lần đầu và phù hộ cho tôi thêm nhiều vận đỏ nữa...hì hì...
Bingo!
Một chuyện chẳng ăn nhập gì
70 đô la thắng bạc đêm đó - tôi làm hai việc. 50 đô la - tôi làm một việc liên quan đến những người da đỏ. 20 đô la còn lại - tôi làm một việc liên quan đến chỉ một người. Người này da vàng.
Chỉ hai tuần trước khi đi Oklahoma, tôi vẫn đinh ninh là sẽ cùng người da vàng này đi cùng trời cuối đất, chỗ nào cũng có nhau. Thế mà chỉ trong tích tắc, mọi thứ xoay chuyển không ngờ: bỗng dưng tất cả trở nên bấp bênh như chưa từng có gì vững chắc trước đó. Tôi thấy mình như bị một nhát dao đâm rất chắc và sâu vào trúng tim, khiến cho tất cả những sức mạnh sâu xa nhất cũng khép lại trong một trạng thái đóng băng để tự vệ. Chiều nay, khi tôi đứng giữa khoảng đất rộng rãi sát lề đường, dưới chân chỉ là cỏ khô tháng Ba trải dài ngút mắt, cắt vào nền trời là những cái cần trục nhỏ đều đặn lên xuống hút dầu thô từ trong lòng đất có màu đỏ vàng; trên đầu là những đôi diều hâu sải cảnh lượn tìm mồi; cao hơn nữa là trời xanh ngăn ngắt và nắng vàng chói; trí óc của tôi bắt đầu gượng dậy. Tôi muốn tìm một câu trả lời cho những xung đột giữa mình và thế giới, những hỏng hóc mà tôi mơ hồ cảm thấy bấy lâu nay. Tôi biết chuyện với người da vàng kia chỉ là cú huých trực tiếp.
Vì một lý do nào đó, bố tôi hay kể cho tôi câu chuyện này: Năm tôi ba tuổi, có một người thày tướng - vì nhầm tôi (lúc đó cắt tóc cua) là con trai - đã tình cờ nói với bố tôi lúc nhìn thấy tôi rằng “Thằng này có hai cái tai rất đẹp. Lớn lên thì khá ”. Câu chuyện đôi tai đẹp lúc 3 tuổi chỉ là một câu chuyện nhỏ, như một giọt nước li ti. Nhưng ở một phạm vi rộng hơn, những thứ nhắc nhở mơ hồ ấy có lẽ tạo nên một ý thức trách nhiệm xã hội cũng mơ hồ, một thành tố của văn hoá cá nhân. Trong địa vị người lớn, có lẽ bố mẹ tôi không chủ ý đẩy những câu chuyện kiểu như trên cùng với nhiều câu truyện khác thành một dạng biểu tượng, một thứ mục đích ngấm ngầm hay một cái khung nào đó mà tôi sẽ phải đưa mình vào. Nhưng với đầu óc của một đứa trẻ chưa đủ sức quyết định gì cho bản thân, khi ý thức về bản thân đơn thuần là một dạng ý thức phản ánh, tức là ý thức dựa trên đánh giá của người khác, của ngoại cảnh, của công chúng, của các chuẩn định sẵn - thì những câu chuyện trên mơ hồ tạo nên một cái áo xã hội dù to dù nhỏ mà tôi mặc dần vào; đến một lúc nào đó thì quên mất con người bên trong, chỉ còn cái áo.
Giống như Icarus, cái phần bản năng tiềm tàng trong ý thức về bản thân giục tôi bay lên và tìm những lối đi riêng cho mình, tìm cách khẳng định mình.
Ước mơ bay lên của tôi đã từng như thế này: Tôi sẽ lớn lên, rồi đi làm nhiều việc tốt cho xã hội, sẽ sống sung túc và thanh thản, sẽ làm cho bố mẹ tôi vui, sẽ làm cho các chị em gái vui và tự hào, sẽ lập gia đình với một người mà tôi coi là bạn đời, sẽ có các con trai con gái, cháu trai cháu gái mà tôi gọi tất cả là “con”, sẽ dạy chúng đọc sách, học làm người tốt từ nhỏ, sẽ vẫn có những bạn bè tốt như bây giờ, cuối tuần tụ tập nhau ở nhà tôi như lúc còn trẻ, sẽ làm một đồng nghiệp mẫu mực, sẽ làm nhiều việc và đi khắp nơi xây dựng các mạng lưới phúc lợi cộng đồng. Tôi sẽ viết sách và làm nghiên cứu, sẽ đi giảng bài và cả đi làm thực tế trên công trường, sẽ sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn, cả toàn cầu nữa. Lúc bé, tôi có một hình dung cụ thể: tôi mong một ngày nào đó sẽ giống chị Tetsuko Kuroyanagi, thành Sứ giả thiện chí của Liên Hợp Quốc.
Đến giờ, tất cả những biểu hiện bên ngoài của giấc mơ Icarus trên vẫn còn nguyên, nhưng ý nghĩa của nó đã thay đổi. Tôi đã nhận ra tất cả các mắt xích trong câu chuyện trên đều dễ vỡ nếu tôi neo nó vào bên ngoài thay vì bên trong; nếu tôi nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện, nếu tôi nhầm lẫn giữa hình thức và bản chất, giữa kết quả và hệ quả, giữa nguyên nhân và hiệu ứng. Nếu thay vì lấy lao động như là mục đích tự thân, tôi dùng nó như là phương tiện để đạt được tiền tài danh vọng hoặc ngay cả những sự hài lòng cá nhân mà thước đo rốt ráo của nó là sự đánh giá của xã hội thì tôi sẽ không bao giờ được thoả mãn. Tất cả những điều tôi đạt được sẽ trở nên vô nghĩa nếu đó không phải là điều tôi muốn làm, tôi lựa chọn làm, tôi tự đặt ra mục đích và tự đánh giá. Ngay cả sự hài lòng cá nhân cũng sẽ mang một màu sắc vay mượn và phản ánh.
Ở Oklahoma, tôi bắt đầu mơ hồ nhận ra sự bấp bênh của từng mắt xích trong ước mơ bay lên này. Tôi cũng biết mình chưa đủ sức và chưa đủ trí để tìm một câu trả lời dứt khoát. Nhưng tôi biết rằng ánh sáng đã le lói cuối đường hầm.
20 đô la được bạc, khi về đến nhà tối thứ Bảy, tôi mua một cái phone card và gọi về Hà Nội cho người da vàng nọ. Hạnh phúc là điều có thực và tất yếu; khổ đau mới là điều phi lý.

7.Omaha - Interlude tháng Năm

Ba tháng trước đây, tôi có đến Oklahoma trong một dịp nghỉ học giữa kì học mùa xuân. Gọi là đi nghỉ nhưng nó mang nhiều màu sắc đi trốn và đi tìm. Cái mà tôi muốn trốn tránh là một sự hoang mang cụ thể. Cái mà tôi muốn tìm thì mơ hồ hơn. Nó nằm trong trong một sự thôi thúc ngấm ngầm, một ham muốn được trả lời dứt khoát, quyết định dứt khoát con đường mình sẽ đi trong cả quãng đời sau này.
Ở Oklahoma về Omaha, tôi đã có câu trả lời cho cả hai thứ trốn và tìm một cách rõ ràng hơn. Sự rõ ràng này đến nhờ vào một số phương tiện mà thế giới gọi tên là “tình yêu đích thực, tính nhân ái và sự thấu hiểu”. Nó có một khẩu hiệu ẩn dưới là “Take it easy!”
Ở Oklahoma về, tôi có một cảm giác nhẹ nhõm hơn nhưng không hẳn là được giải phóng. Sự tự do thoát khỏi khỏi một số mối lo phiền và nỗi đau không phải là cái tôi muốn tìm tuy rằng nó có giúp cho tôi một quãng dừng để thu thập sức lực và tinh thần trong lúc vẫn mò mẫm để tìm cách rũ bỏ sáp ong trên cánh và nuôi dưỡng giấc mơ bay lên. Tận sâu bên trong, tôi biết mình thiếu một nền tảng vững chắc về nhận thức để làm hậu thuẫn cho các quyết định của mình. Tôi biết là những phiền lo bên trên có thể trở lại bất cứ lúc nào, chừng nào tôi vẫn còn luanh quanh trong đường hầm này.
Tôi có một hình dung mơ hồ về trạng thái mà tôi muốn đạt tới: một sự tự do và thanh thản tuyệt đối đối với mọi thứ bên ngoài và bên trong. Tuy thế, sự tự do và thanh thản này phải không bắt nguồn từ cảm tính mà bắt nguồn từ nhận thức. Nó không phải một trạng thái thanh thản chết, không phải sự tĩnh lặng kiểu không vận động. Tôi biết nó phải cao hơn thế. Nó phải là một nhận thức không phụ thuộc ngoại cảnh và sự tu tập nào. Nó phải là trạng thái ý thức rõ ràng về mọi thứ, về bản thân; là một trạng thái yêu thương vô bờ bến, không sợ hãi, không điều kiện và không định kiến; là sự reo vang không dứt của tình yêu cuộc sống trong cảm giác mình là chủ thực sự của bản thân và thế giới. Có mặc đẹp hay không không quan trọng. Có biết người này người kia không không quan trọng. Có được tán dương khen thưởng yêu thương, có bị la mắng phê bình không không quan trọng. Có đạt được những điều mình ham muốn trước đây hay không không quan trọng nốt.
Sự tự do tư tưởng - Tôi biết cái trạng thái ấy; nhưng tôi chưa biết con đường nào sẽ đưa tôi đến đó. Tôi chỉ biết rằng tôi sẽ không take life easy! Cuộc sống này của tôi quá đáng quý để có thể take it easy!
***
Thế giới vốn không có các xung đột, mâu thuẫn hoặc các nghịch lý. Khi nào bạn nhìn thấy một hiện tượng có vẻ hàm chứa mâu thuẫn và nghịch lý, khi nào bạn phải dằn vặt về một xiềng xích nào đó, hãy kiểm tra thước đo, thang đánh giá, và ngay cả các nhận thức mà bạn cho là tiên đề hay nền tảng bất đi bất dịch của bạn trước.

8. Tháng Sáu ở Oklahoma

Dĩ nhiên là tuyết đã tan từ lâu rồi. Những triền đồi màu xám, trơ trụi đất sỏi vàng của tháng Ba đã được phủ kín bằng màu xanh non ngút mắt của cỏ và các loại hoa dại. Sóng cỏ và hoa trập trùng trong khi gió thổi lộng qua các thung lũng, cuốn lên trời những đám hoa khô nhỏ li ti.
Dĩ nhiên là giao thông nước Mỹ vẫn thế: những con đường cao tốc nhiều làn xuyên liên bang, xe cộ đi lại trật tự, những cây cầu bắc ngang sông, những hệ thống bơm xăng dầu tự động, những con đường nhiều tầng bắc xuyên qua các thung lũng thoai thoải.
Dĩ nhiên là hàng ngàn cái cần trục nhỏ nằm rải rác trên khắp đất Oklahoma vẫn làm việc cần mẫn đêm ngày để hút dầu từ trong lòng đất lẫn đá sỏi với sét.
Dĩ nhiên là người da đỏ vẫn còn huyền bí và hấp dẫn với những phong tục và lễ hội văn hoá cuả họ.
Và dĩ nhiên là Oklahoma làm tôi vui. Cũng như Omaha làm tôi vui. Nước Mỹ làm tôi vui. Hà Nội làm tôi vui. Châu Phi làm tôi vui. Người da vàng, người da đỏ, người da đen làm tôi vui. Cả sự sống này của tôi vui hớn hở.
Từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay, chính con người chinh phục và tạo ra ý nghĩa cho thế giới tự nhiên chứ không phải ngược lại. Tất cả những gì mà tôi nhìn thấy ngày hôm nay: dù là những cái cần trục hút dầu, dù là những làn đường giao thông nhiều tầng, dù là những cánh đồng trồng đầy các giống ngô cải tiến, dù là những đường dây tải điện bắc vượt qua các thung lũng đầy hoa và cỏ - tất cả đều chỉ là sản phẩm hữu hình của năng lực tư duy cá nhân. Năng lực tư duy này là sản phẩm cá nhân, không có khả năng tráo đổi và làm giả, không có khả năng thay thế. Nó cũng như văn hoá là thứ không thể vay mượn và trao đổi được. Một nền văn hoá và một người sẽ chết đi ngay từ phút giây anh ta đầu hàng và từ chối quyền tư duy độc lập để tráo đổi lấy các phương tiện và công cụ tư duy có sẵn mà xã hội tạo ra, tráo đổi sự thoả thuận và các tiện ích trí tuệ tồn tại dưới nhiều hình thức.
Thế giới này vận hành được không phải nhờ vào các sóng cỏ và hoa trên các sườn đồi, nhờ nắng vàng hay mây xanh mà nhờ vào sức người và trí tuệ sáng tạo không mệt mỏi của con người.
Đẹp hơn cả trời xanh và mây trắng là những cột khí tượng và những căn nhà xây trên sườn đồi bằng những vật liệu có khả năng chống lại lốc, gió xoáy, chống lại mưa bão. Đấy là trí tuệ của con người trong công cuộc chế ngự thời tiết, làm chủ thiên nhiên, hiên ngang thách thức thiên nhiên.
Đẹp hơn cả những thứ hữu hình như áo lông chim sặc sỡ, những ánh sáng huyền bí mơ hồ của người da đỏ là vẻ đẹp của ý nghĩ và tâm hồn ẩn dưới đó, vẻ đẹp của sức mạnh duy trì văn hoá - sức mạnh tạo nên bởi những người biết rằng văn hoá không phải là thứ có thể vay mượn và tráo đổi; cũng như năng lực tư duy là thứ không thể vay mượn và tráo đổi.
Ẩn dười những cái cần trục nhỏ lên xuống đều đặn hút dầu từ lòng đất sâu hàng ngàn thước có màu đỏ vàng là tư duy của những người đã nghĩ ra nguyên lý hút dầu từ trong lòng đất sâu, của người thợ luyện kim tạo ra những mũi khoan có khả năng xuyên thủng đất đá, của người thợ đã tạo nên mạng lưới chằng chịt những đường ống dẫn dầu dưới lòng đất, xuyên lòng đại dương, duyên qua các quả đồi và các vách núi đá, của những người thợ lọc dầu chuyển quặng dầu thành ra các sản phẩm phục vụ con người. Trái Đất này không còn thuộc về và không còn bị làm chủ một đấng siêu nhiên nào nữa ngoài con người, ngoài năng lực tư duy sáng tạo của con người.
Sự tiện lợi vật chất mà tôi được hưởng chỉ là ánh sáng phản chiếu của vẻ đẹp trí tuệ, sức mạnh trí tuệ. Sự ngưỡng mộ của tôi với các tiện ích giao thông, với các sản phẩm làm từ quặng dầu, với những cây cà chua, cây ngô thu hoạch trên các đồi cao chính là sự ngưỡng mộ và trân trọng trí tuệ con người chứ không phải sự ngưỡng mộ các nền tảng vật chất hay sự hưởng thụ. Ham muốn của tôi khi nhìn thấy những biểu hiện của nền tảng vật chất ấy là phản ánh ham muốn dùng trí tuệ của chính mình chứ không phải ham muốn có các nền tảng đó cho sự hưởng thụ của mình.
Cái đẹp hơn cả chính là cái đẹp trong mục đích tự thân của sự tư duy và sáng tạo. Của sự tồn tại và ý thức đầy đủ về sự tồn tại. Tôi hiểu rằng tình yêu con người phải là tình yêu và sự trân trọng với khả năng tư duy và sáng tạo của họ; chứ không phải là sự đùm bọc, chở che, ban phát của cải vật chất cho họ. Đem cho một người một số tiền, xây cho họ một căn nhà không phải là biểu hiện cuối cùng của tình yêu thương. Bao che cho những cảm giác tự ti và sự hèn yếu của một người - dù là dưới vỏ bọc nào: vỏ bọc về tình nhân ái, tình đồng bào, sự vị tha, độ lượng - đều là tội ác, đều là chối bỏ và phủ nhận giá trị của người kia. Và tình yêu đích thực sẽ là một tình yêu có ý thức, không sợ hãi và không điều kiện, là sự chấp nhận hoàn toàn trong nhận thức đầy đủ về bản chất của tình yêu.
Tôi cũng hiểu rằng tình yêu bản thân - vì thế - không phải là việc chiều chuộng những ham muốn vật chất và tinh thần của thân xác và của một tâm hồn không mục đích. Nó phải là tình yêu không tách rời, không phân biệt, không điều kiện và có ý thức đối với cả thể xác và tâm hồn. Nó là tình yêu với từng hơi thở và từng cơ bắp mà ta biết hàm chứa trong nó sức nâng, sức dướn, sức đẩy để biến đổi thế giới. Nó là tình yêu với từng ngón tay mà ta biết ẩn chứa trong nó khả năng cầm nắm, khả năng nhào nặn tượng, khả năng đưa các nét chì kiến trúc hay các nét cọ trên các tấm toan, khả năng gõ các dòng lệnh lập trình, khả năng viết và diễn đạt tư duy thành các tác phẩm. Nó là tình yêu với các rung động trào lên trong tim và các sự xoáy vặn, trăn trở của tư duy, của trí tuệ trong sự đi tìm các điều mới. Tất cả những thứ chúng ta vẫn nghĩ - ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, quan hệ con người, vân vân - đều phải mang trong nó mục đích tự thân và sự ý thức sâu sắc về giá trị và tình yêu bản thân, sự không tách rời giữa trí tuệ và thể xác của ta. Bất cứ ai chỉ coi trọng tâm hồn mà khinh thường thể xác hoặc ngược lại đều đã sai lầm.
Tháng Sáu ở Oklahoma, đất và trời như khoác áo mới.

9. Ngày bầu cử

Về Oklahoma lần này, tôi không quan sát cuộc bầu cử như một kinh nghiệm mới về đời sống một bộ lạc xa lạ. Tôi đã bắt đầu quên rằng người Mỹ da trắng, mắt xanh; người da đỏ để tóc dài mặc áo lông thú, người Việt Nam da vàng. Con người ở đâu cũng thế - đều có chung những đặc tính, chịu chung những sự khốn cùng do các xiềng xích với tự nhiên, với xã hội, với bản thân. Con người ở đâu cũng chỉ có một con đường để ra khỏi sự khốn cùng đó.
Một vài dữ kiện: Đạo luật Liên bang Hoa Kỳ ngày 2-3-1929 quy định cứ bốn năm một lần (tính từ năm 1930) vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Sáu, các thành viên trong bộ lạc Osage sẽ tiến hành bầu cử để chọn ra chính quyền bộ lạc. Việc bầu cử sẽ chọn ra một tộc trưởng (gọi là Principal Chief), một người phó (Asisstant Principal Chief) và một hội đồng cố vấn gồm 8 người.
Năm 1906, chính quyền Hoa Kỳ ban hành một đạo luật về phân bổ đất đai cho người Osage, theo đó tất cả các thành viên trong bộ lạc (tính theo thống kê cho đến ngày 30-6-1907) sẽ được hưởng một mảnh đất. Lúc đó, bộ lạc Osage có 2228 đầu người. Mỗi một đầu người (kể cả trẻ con hoặc trẻ con đang còn trong bụng mẹ) được phân bổ đất sẽ có một quyền và chế độ quyền lợi này gọi là headright system.
Theo chế độ headright này, việc bầu cử trong bộ lạc không tuân theo chế độ cử tri phổ thông dựa trên quyền bình đẳng giữa các công dân trong xã hội. Thay vào đó, trong bộ lạc Osage, chỉ những người có headright mới được bầu cử. Khi một người có headright chết đi, người đó sẽ để lại quyền cho con hoặc cho một người nào đó theo di chúc. Nếu một người có hai con trai và để lại quyền cho cả hai con thì mỗi người con sẽ được một nửa headright và phiếu bầu của họ sẽ có giá trị 1/2 headright. Ví dụ trong gia đình ông Trumbly hiện nay, chỉ có ông Joe có quyền bầu cử, bà Alaine không được bầu vì bà không phải dân Osage, cô Teresa không được bầu vì chưa có quyền headright. Khi nào ông Joe qua đời và để lại quyền headright thì cô Teresa mới được tham gia bầu cử.
Hiện nay, có khoảng gần 20 ngàn người trên nước Mỹ là người Osage. Những năm trước đây, người Osage trên khắp nước Mỹ vẫn về Pawhuska - khu tự trị bộ lạc - để bầu cử. Năm nay, khoảng 2/3 người Osage không về khu tự trị nữa mà bầu theo chế độ cử tri vắng mặt (absentee voters). Ngay cả người Osage sống ở Pawhuska cũng vắng mặt trong cuộc bầu cử vốn được coi là rất trọng đại trong đời sống bộ lạc này.
Ngày 4-6-2002: tham gia cuộc tranh cử lần này có 5 ứng cử viên cho vị trí tộc trưởng, 2 ứng cử viên cho vị trí tộc phó và 22 người tranh cử cho hội đồng bộ lạc. Khắp trong thị trấn là những cái biển nho nhỏ ghi những hàng chữ vận động tranh cử, các tờ rơi vận động, cả các trang web của các ứng cử viên. Mọi thứ đều mang một màu sắc dân chủ rất Mỹ ngoại trừ những quy định về quyền bầu cử đã nói trên.
Và một vài yếu tố phụ: Khi tôi xuống xe lúc khoảng 10 giờ sáng thứ Hai, ngày 4-6-2002, có khoảng vài trăm người đứng ngồi trong các khu lều bạt căng trên bãi đất rộng cạnh khu nhà trung tâm của bộ lạc Osage. Ngoài lí do về thăm nhà của cô Teresa, lần này chúng tôi về Pawhuska còn vì cô Teresa muốn Layton có mặt trong lần bầu cử cuối cùng của ông Joe Trumbly. Đây là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Joe trong hội đồng bộ lạc. Mặc dù vẫn có tên trong danh sách ứng cử vào hội đồng, nhưng ông Joe tham gia chủ yếu vì muốn ủng hộ cho tộc trưởng Tillman hiện tại của bộ lạc - một người mà ông Joe cho là rất có khả năng và xứng đáng.
Ông Joe là một trong số ít những người Mỹ ở tuổi ngoài 60 mà tôi thấy vẫn còn minh mẫn và có sức làm việc tuyệt vời. Ông là người chịu trách nhiệm về tài chính cho bộ lạc, một người rất rộng lượng và thẳng thắn. Ngày nào ông cũng xem bản tin tài chính, đọc The Economist, Wall Street Journal và các loại báo, tạp chí kinh tế khác. Ông Joe có trí nhớ và sự sắc sảo hiếm thấy của một người quản trị. Tôi cũng biết rằng ông và tộc trưởng Tillman là những người khá có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến người da đỏ trong cộng đồng các bộ lạc cũng như ở Washington.
Ông Joe nói rằng trong số các ứng cử viên vào hội đồng bộ lạc có một người phụ nữ từng bị ông Joe đuổi việc vì gian lận sổ sách và nghiện ngập. Tuy thế, dư luận bộ lạc lại đứng về phía người phụ nữ kia với một lí do đơn giản: người phụ nữ đó là người Osage, và có các đặc quyền của người Osage: bao gồm cả đặc quyền được cung cấp việc làm và hưởng tiền công từ công việc mà họ không có khả năng hoàn thành.
Tính độc lập tương đối của các bộ lạc, đặc biệt là trong các khu tự trị đã làm hỏng người da đỏ. Lối sống đùm bọc cộng đồng mù quáng đã làm hỏng người da đỏ. Họ sống dựa trên các đặc quyền; lấy việc mình là người da đỏ như một thứ công cụ để đặt điều kiện và để kết án xã hội trong các tình huống mà họ phải va chạm với xã hội. Có thể nói rằng hầu hết những cá thể mạnh mẽ của bộ lạc (như cô Teresa) đều đã rời khu tự trị để đi làm ăn sinh sống ở xa; còn lại trong các khu tự trị là một cộng đồng những người sống dựa vào nhau và dựa vào đặc quyền da đỏ trong bộ lạc. Nói theo một cách nào đó họ đang “sống mòn” và tầm gửi vào một cái bóng của quá khứ.
Thống kê cho thấy trong số những người Osage sống ở Pawhuska hiện nay, nếu tiến hành kiểm tra để tuyển việc thì rất nhiều trong số họ không đủ tiêu chuẩn vì không qua khỏi các cuộc kiểm tra về mức độ nghiện rượu, nghiện thuốc phiện. Không riêng gì với người Osage, người da đỏ trên khắp nước Mỹ vẫn có tỷ lệ thất học cao nhất.
Khoảng 12 giờ, bữa ăn trưa bắt đầu. Chúng tôi đứng trong lều của tộc trưởng Tillman cùng với ông Joe, anh em nhà Wallers và các thành viên khác trong hội đồng bộ lạc. Tộc trưởng Tillman nói một vài lời cảm ơn, rồi tất cả cầu nguyện Chúa Trời trước khi xếp hàng để lấy đồ ăn. Trong các lều, tiếng nói cười vang lên rộn rã.
Như tôi đã nói, con người ở đâu cũng giống nhau. A có nhất thiết là A không?
Đêm đó, chúng tôi không thắng. Khoảng 12h đêm thì ông Joe và bà Alaine về nhà. Ông Joe không có ý kiến gì về thất bại của mình; nhưng ông hết sức buồn vì tộc trưởng Tillman và anh em nhà Wallers không được bầu trở lại. Cả 8 người trong hội đồng cũ, chỉ có 1 người duy nhất vẫn được bầu. Ông Joe nói rằng ông có cảm giác bị phản bội. Cô Teresa an ủi ông rằng trong những người được bầu mới, không có ai là người theo Đạo và điều đó chứng tỏ rằng Chúa đã rút bàn tay chở che của Người khỏi dân tộc Osage, giống như trước đây Chúa đã từng rút tay Người khỏi dân Israel trong 40 năm khi họ quay lưng lại Chúa. Tôi nằm trong bóng tối nghe cô Teresa, bà Alaine và ông Joe cầu nguyện. Layton đã ngủ từ lâu rồi. Một lát sau, trong nhà im lặng, chỉ còn tiếng máy điều hoà chạy đều đều. Tôi biết ông Joe - dù vững vàng đến mấy - cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng, giống như tôi đã chứng kiến cú sốc ở bố tôi cách đây mấy năm trong một dịp tương tự. Tôi nghĩ đến cô Teresa và bà Alaine, đến nỗi đau mà họ đang gánh hộ ông Joe một cách không cần thiết.
Tôi nghĩ đến trời đen ngoài kia, đến gió lồng lộng trên các sườn đồi cách chỗ tôi nằm không xa, đến những người Osage đang ngủ trong thị trấn Pawhuska này. Cái mà họ đang mất đi thực ra không đáng giữ. Cái văn hoá hiện vật thể hiện dưới các thứ lều trại, áo lông thú, chế độ tập tước hay nhiều thứ khác không phải là cái mà họ nên đau khổ vật vã khi mất đi.
Cái mà họ hay bất cứ một dân tộc nào khác nên lo lắng về sự mất mát của nó chính là sự mất mát của sức người, của trí tuệ con người. Một dân tộc không suy nghĩ là một dân tộc chết. Một dân tộc không duy trì một nền tảng giá trị dựa trên quyền cá nhân và sự tự tôn cá nhân, mà dựa trên các đặc quyền, các quan hệ và sự bảo trợ sẽ không thể nào lớn mạnh. Một dân tộc không có các thang đánh giá con người dựa trên khả năng tư duy và sáng tạo của họ, mà dựa trên quan hệ hoặc các thứ thước đo mang tính phản ánh khác sẽ chỉ sống như một cái cây cớm nắng mà thôi.
Sức người - đấy là mấu chốt của một dân tộc bởi vì con người tạo văn hoá, chứ không phải văn hoá quy định ngược lại con người.
Sự khác nhau giữa A và A nằm ở đâu? Nằm ở chỗ khi được cho phép tự nguyện lựa chọn, con người đã từ chối sử dụng thứ công cụ duy nhất làm cho họ sống như một con người: khả năng tư duy, đánh giá và ra quyết định một cách độc lập, một cách có lí.

10. Bão thảo nguyên

Bắt đầu là tiếng leng keng vội vã, hốt hoảng và hoang mang của cái chuông gió treo đầu hồi nhà.
Bắt đầu là những cơn gió nóng hầm hập trườn nhẹ nhàng qua các thung lũng, mang trong mình sự hanh hao của bầu trời, sức nóng và vị oi oi, nồng nồng của đất dầu.
Bắt đầu là những đám mây màu xám cau có vần vũ từ xa bay lại rồi thình lình ôm trùm lấy các đỉnh đồi xung quanh và lồng lộn thay đổi hình dạng liên tục phía trên các nóc nhà, các con đường trong thị trấn.
Bất thình lình, mưa trút xuống ào ạt như thể thần chiến tranh cưỡi cỗ xe 12 ngựa vừa mở cổng thành xung trận, quá tự tin đến mức không cần đợi chiêng báo hiệu. Bầu trời như nứt ra và nước cứ thế trút xuống, tưởng như Chúa Trời gây Đại hồng thuỷ thứ hai sau thời của Noah.
Mưa đá! Những hạt mưa là những cục băng to bằng đầu ngón chân cái rơi rầm rập từ trên cao xuống: gõ lộp độp trên các nóc nhà, lăn tơi tả trên mặt cỏ và đập ràn rạt trên nền đường. Thiên nhiên đang hú gào thể hiện quyền lực của nó trên Mặt Đất. Không gian trùm trong màn mưa trắng và những tiếng ầm vang, tiếng hoan ca.
Trong tích tắc, gió đổi từ hanh hao, hầm hập nóng sang mát lạnh. Nàng rít lên lanh lảnh, ghé miệng thổi tung các lá cờ treo trước các căn nhà, vung tay bứt từng đám lá ném tung toé xuống mặt đường hoặc bừa ẩu vung lên không trung. Nàng trườn mình qua các rừng cỏ lau và cây bụi trên các sườn đồi bỏ lại sau những tiếng vi vút ngân dài. Nàng nhảy xuyên qua màn mưa bằng bước chân vũ nữ, thò tay vặn từng tấm màn nước trắng thành những hình xoáy tròn rồi buông tay rắc nước ra khắp nơi; nàng đi như chạy trên mặt hồ rộng, kéo theo gót chân nàng những đợt sóng trắng bạc, chỏm sóng nhập vào những giọt nước đang rơi xuống từ trời cao, đuổi xô nhau vào bờ trong sự hoan hỉ.
Nước chảy xối xả trên đường, từ nóc nhà, từ trên đồi cao, từ trong các lòng mương khô hạn, từ các con sông xa - sông Ankansas, sông Missouri, sông Nebraska, hay từ biển lớn đổ về. Nước như nứt từ duới đất trào lên khi gặp mưa từ trên xuống. Nước như trào ra để hoà hợp vơí dòng thác từ trời cao. Nước bắn tung lên các cửa sổ, cuồn cuộn chảy dọc các con dốc, láng sáng trên mặt lá, nhỏ tong tong từ cái chuông gió, phủ mờ mặt kính cửa sổ, kéo trôi váng dầu trên mặt đất xuống các lũng nước; gột sạch bụi đỏ trên những thân cỏ.
Hoà vào tiếng nước xối trên mặt đất và tiếng gió rít lưng chừng, hiên ngang ngự trị phía trên cao là thần Sét, tay vung lưỡi búa vạch những đường lửa sáng khắp trời. Gã cười lên khanh khách trong bộ giáp trụ sáng bạc, đứng oai phong trong cỗ xe tứ mã, luồn qua các đám mây lớn, châm lửa vào từng chân mây và mở miệng túi ném ra những tiếng sấm lăn dài trong không trung. Hắn ngạo nghễ trải thảm đỏ dưới chân hắn khắp cả bầu trời. Những nóc nhà rung lên, nhập nhoạng ánh sáng ma quái trong chớp loè và sấm nổ. Những trườn đồi sẫm bóng mây và mờ trong màn mưa thi thoảng lại loé sáng, vạch một bóng rõ ràng nên nền trời.
Phía xa, những cánh rừng thẫm lại trong mưa. Những con sóc vội vã đi trốn từ lúc bắt đầu có gió. Những con hươu đứng bồn chồn dưới tán cây trú mưa, thỉnh thoảng lại rùng mình vẫy nước rồi vùng bỏ chạy khi sét rạch ngang trời. Cây cối tơi tả, cành khô gãy răng rắc, những tàng cây cổ thụ nặng nước cũng ngã gục, nhựa rỉ ra, sực lên một mùi hăng hăng mà gió đón lấy và ném vào không trung.

Chiều hôm qua, ba chúng tôi - cô Teresa, bà Alaine và tôi - đi Bartlesville sắm đồ. Chiều hôm kia, chúng tôi đi Ponca city thăm một người họ hàng. Những lúc xe chạy lên đỉnh đồi, có cảm giác như chúng tôi đang phóng thẳng vào đường chân trời. Aaaaaaaaaaaaaaa...Hai bên đuôi mắt tôi là những thung lũng lộng gió và xanh ngút mắt; mây trên cao làm thành từng đám bóng nắng rời rạc khắp trên mặt cỏ. Mặt trời ở trước mặt tôi đỏ ối như một miệng lò nung, thấp tháng bóng dáng những cánh tay trần của những người thợ nhễ nhại mồ hôi đang hối hả đúc thời gian. Trên đầu tôi, trên tóc tôi, diều hâu lượn tròn từng đôi, thong thả và thoải mái như những người chủ thực sự của bầu trời. Ngồi trong xe nhìn ra ngoài, tôi nghĩ đến những con đường lượn quanh các sườn đồi và những cột điện cao tải điện đi ngang dọc. Ai là người bạt núi mở đường? Ai là người chôn cột, căng dây, kéo điện thắp sáng trời đêm?
Chiều nay, bão về vần vũ trên thảo nguyên, làm chủ đất và trời. Ngoài kia, mưa vẫn rơi xối xả, gió vẫn gào thét và sấm chớp vẫn rạch chéo qua khoảng không nối liền trời và đất. Cái cửa sổ tôi đang đứng nhìn ra ngoài bắt đầu mờ mờ hơi nước. Nhìn xuyên ra ngoài, tôi thấy những cành cây vặn mình quằn quại trong gió mưa. Chỉ có mỗi một thứ hình thù xấu xí trơ trọi trên mặt đất là trơ gan cùng gió bão: những cái cần trục hút dầu. Mặc gió mưa thét gào cuồng nộ, nó vẫn lên lên xuống xuống khoan thai để kéo quặng dầu lên các đường ống. Gió, nước, sấm, chớp chẳng mảy may làm nó động lòng.
Nếu tôi đưa bàn tay phải này lên và gạt những đám hơi nước trên cửa sổ đi, tôi sẽ nhìn thấy bên ngoài rõ hơn. Nhưng tôi vẫn đứng lặng yên, hai bàn tay bất động, duỗi dài song song với thân người trong một ý thức rõ ràng rằng sẽ không có bàn tay nào được đưa lên cả. Có tiếng reo ca hoan hỉ ở trong đầu. Đấy là tiếng reo chiến thắng của trí óc với cơ bắp cụ thể này, là sự hân hoan nhìn thấy bóng dáng sức mạnh tiềm ẩn của tư duy. Bàn tay có đưa lên hay không không quan trọng; nhưng tôi biết trong những lúc khó khăn sau này, khi tôi sẽ phải quyết định có đưa tay ra hay không, tôi có thể dựa vào đầu óc mình được. Cả thể xác và trí tuệ của tôi là một khối thống nhất không thể tách rời. Tôi có thể cảm thấy nó trong từng hơi thở, từng cử động.
A ha. Những ý nghĩ đang vươn dài ra. Chúng tung mình lên không, nhào lộn, luồn lách qua các đám mây, bay trên mặt hồ, bứt tung các đám lá ném lên trời, đập mạnh hai cánh mà lao vút lên phía trên các đám mây tích lửa rồi sà xuống thổi ra một luồng hơi làm nguội đi dòng nham thạch âm ỷ. Những ý nghĩ như sóng cuộn lên, chạy dài ra xa bờ trong tiếng cười nhạo khanh khách, kéo vào gần âu yếm và thân thiện, rồi vút lên trong cả sự giận dữ và yêu thương sâu như dao cắt. Có lúc chúng hiện hình rõ rệt như có thể cầm nắm được, có lúc chúng mơ hồ như một bóng thiên nga trên mặt hồ đêm có màu trắng xanh. Chúng lăn như những hòn bi ve nhiều màu trên các trang giấy viết bài, chúng trầm tư xếp hàng trong các dự định đang thành hình một cách vững chắc, chúng háo hức nhưng kiên nhẫn trong những nỗ lực đi xa. Chúng độc lập và tự tin. Mỗi lần như thế, có cái gì đó lại reo vang lanh lảnh. Một cái gì đó nhiều nhiều nhiều, đẹp đẹp đẹp và thân thiết vô cùng, như có thể dang tay mà ôm vào lòng. Thần trí tuệ cưỡi cỗ xe 18 ngựa lao vun vút trong đường hầm dài hun hút của tư duy, vút ra phía bên kia cửa hang nơi có ánh sáng và những con ngựa đầu mang sừng sải cánh bay lên, chân duỗi dài như những người múa ballet cổ điển.
Bão trên thảo nguyên là Đan-kô, người đã dứt trái tim soi đường cho những người khác đi qua đầm lầy; để rồi bị dẫm đạp lên, và chết trong quên lãng. Bão trên thảo nguyên là Atlas - vị thần đã đứng nâng cả bầu trời trên đôi vai cho nhân loại. Bão trên thảo nguyên là Promete ăn cắp lửa cho loài người rồi bị xiềng trên đỉnh Ô-lanh-pơ cho ác điểu rỉa thịt. Sự hy sinh của những người vĩ đại chính lại là lửa, là nguồn sống, là nguồn ánh sáng cho những kẻ tầm gửi khác, sống để huỷ hoại thế giới, sống để hấp thụ và phản chiếu ánh sáng nguồn kia một cách dối trá. Bão này chính là cơn giận của Đan-kô, là Atlas quyết định hất tung bầu trời trên vai, là Promete thả lửa xuống thiêu đốt tất cả, để mặc thế giới tự chịu trách nhiệm về mình. Thần ý Nghĩ bay ngang tàng trên không trung trong bộ cánh bạc, cười vang trước trật tự mới của vạn vật.
Trong ầm ào cuồng nộ của bão thảo nguyên, có bóng người đứng trên đỉnh đồi cao, hai tay vươn lên thâu lấy Mặt Trời, Gió và Sấm Chớp. *** “Sau cơn mưa rào, mọi vật đều sáng và tươi..” - bé em dậy sớm, ngồi ê a đọc bài bên cửa sổ...

11. Khi thế giới (không còn) hoàn hảo

Chúng ta nói về Utopia như một ý tưởng hão huyền. Rồi chúng ta lại nói về hoà nhập nhưng không hoà tan văn hoá. Chúng ta nói về sự giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Rồi chúng ta lại nói về sự hội nhập thế giới, về “the global village” Có thể những rối ren trong thế giới hiện tại làm cho người ta thấy ý tưởng về một thế giới đại đồng không phân biệt Mỹ, Việt Nam, Ai Cập, Palestine, Israel, Na Uy, Hà Lan vv...là một ý tưởng điên rồ và không tưởng. Người ta nghĩ sẽ không bao giờ con người triệt tiêu hoặc dung hoà văn hoá dân tộc được đến mức mà họ có thể chấp nhận nhau hoàn toàn để sống chung như trong một nhà, như thể thế giới chỉ là một cái vườn lớn, nhiều cây nhưng cùng sinh ra từ một lòng đất.
Thực ra sự không tưởng này nằm ở chỗ người ta cứ khăng khăng cho rằng mỗi dân tộc nhất định phải có một văn hoá như một thứ thuộc tính đeo bám vào một thực thể có sẵn. Rằng văn hoá Việt Nam là một thuộc tính đeo bám vào thực thể có sẵn là mảnh đất chữ S dài từ Mũi Cà Mau đến chỏm đầu Hữu Nghị Quan, đường bờ biển hơn 3000 km. Hay văn hoá Trung Quốc là cái tính “Tàu” đeo bám vào mảnh đất hình cái quạt nằm ở về phía Bắc nước ta. Người ta không chấp nhận nổi ý nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, cả thế giới chỉ có một văn hoá, một thứ chuẩn mực đạo đức, một nguyên tắc chung.
Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai khi nhận thức của con người cao hơn, khi các phương tiện kỹ thuật và công nghệ làm biến đổi ý nghĩa truyền thống của không gian và thời gian. Khi ấy sẽ có một khái niệm văn hoá mới: văn hoá cá thể. Người Việt vẫn giữ lấy quan họ, giữ lấy áo dài, khăn xếp, hò Nam Bộ; người da đỏ cứ việc nhảy múa trong áo lông chim; người Scotland cứ việc mặc váy thổi kèn túi dọc bờ biển, nhưng đó không phải là gốc của văn hoá mới. Cái cốt của văn hoá là cách người ta giao tiếp với nhau, cách người ta xử lí quan hệ giữa mình và cộng đồng, cách nhìn nhận và xử lí khái niệm "bản thân" và "công chúng".
Cái văn hoá cá thể này đòi hỏi người ta thôi không còn xem xét đám đông như là xem xét một thực thể có ý chí độc lập nữa. Người ta cần nhận ra rằng ý kiến của đám đông - mặc dù là một tiêu chí "đẹp" - rốt cục không phải là một tiêu chí đáng tin cậy khi ra quyết định. Về bản chất, thế giới này vận hành chủ yếu nhờ vào một số những bộ óc lớn - những người dám theo đuổi cái mà họ cho là đúng bằng mọi giá; phần còn lại - tức là phần bao gồm đại đa số những người không bao giờ có đủ sức mạnh để theo đuổi cái đúng bằng mọi giá - thì chủ yếu đi theo.
Tôi đã từng cho rằng người Mỹ ưu việt hơn người Việt, hoặc người Trung Quốc có những đặc điểm riêng khiến cho họ làm được những việc ta không làm được. Nhưng sau 2 năm ở Mỹ, tôi bắt đầu nhìn thấy người Mỹ, người Việt hay người Anh - khi xem xét riêng rẽ với tư cách cá thể độc lập với xã hội - hoàn toàn không khác nhau trên các điểm cơ bản. Bạn hoàn toàn có thể hiểu thấu đáo, có thể "đọc" một người Mỹ hay người Trung Quốc như "đọc" một người Việt nam. Bạn có thể nhìn vào một cá thể và đoán định về con đường anh ta đi, cách anh ta xử lý cuộc sống và những nguyên tắc nền tảng khiến anh ta xử lí cuộc sống như thế - kể cả những nguyên tắc thành văn lẫn những nguyên tắc thuộc dạng subconscious.
Nếu đến một ngày như thế, văn hoá của ngày ấy sẽ là thứ không tồn tại ở cấp độ tổ chức, cộng đồng hay quốc gia nữa. Nó chỉ tồn tại ở cấp độ cá thể và tất cả các cá thể trên thế giới sẽ cùng chung nhau văn hoá đó: văn hoá cá thể bình đẳng, ở đó mỗi người nhận thức rõ bản thân; sống trên nguyên tắc, trên mục đích của mình; không sống vì người khác và cũng không yêu cầu người khác sống cho mình; ở đó mọi sự quyết định đều trên tinh thần độc lập và có lí.
Hãy tạm nghĩ và viết thế đã...hì hì...




0 Comments:

Post a Comment

<< Home