Pittypat- Giỗ ông
Dì Sen đến từ rất sớm. Mấy năm trước, cứ đến ngày giỗ ông là dì lại lóc cóc đạp xe đến giúp bà làm cỗ. Mấy năm nay, bà đau, mẹ đảm trách mọi việc. Mẹ là người phụ nữ hiện đại, nghĩa là ngày làm việc 8h, về đến nhà thì mệt phờ râu, nên cũng chẳng có nhiều thời gian để chăm lo việc cỗ bàn như bà và dì xưa. Năm nay giỗ ông ngoại, đồ cúng phần nhiều là mua sẵn, vì vậy, mẹ, dì và bố chỉ phải nấu một chút. Một chút không có nghĩa là chẳng có gì mấy bởi mẹ luôn tâm niệm: nấu cỗ cũng là cách để thể hiện cái tình của mình.
Hồi học lớp 7, cô giáo dạy nữ công rất hay kể chuyện cũ. Cô kể rằng ở nhà cô có một thông lệ: khi đến tuổi trưởng thành, mỗi người trogn gia đình, con trai hay con gái, đều phải tự chuẩn bị từ A -> Z một bữa cỗ. Và chỉ khi nào mẹ cô chịu công nhận bữa ăn đó đạt yêu cầu thì đứa con ấy mới được coi là trưởng thành thực sự. Ngẫm ra thấy buồn cười, vì nếu thế chắc mẹ mình là một người-trưởng-thành-muộn. Công việc choán hết tuổi trẻ của mẹ, đến mức về đến nhà mẹ chỉ còn có thể "đóng vai" một tay "lính quèn" làm những việc vặt bà sai. Để đến khi bà đau thật sự, mẹ mới bắt đầu học cách chu toàn mọi việc. Bây giờ gánh nặng công việc và gánh nặng gia đình đè cả lên đôi vai mẹ, khiến bờ vai ấy ngày một chai thêm... Đôi lúc mình thấy thật xấu hổ vì lớn đùng rồi mà chẳng giúp được gì cho mẹ cả. Mẹ thì cứ ngày một héo hon như thế... mà mình thì chỉ có mỗi việc học vẫn không xong!
Mọi chức danh người ta tung hô cho người phụ nữ như: "giỏi việc nước, đảm việc nhà" thật là phù phiếm. Phụ nữ và đàn ông đều là con người, sức lực thì rõ ràng phụ nữ bao giờ chẳng yếu ớt hơn, vậy mà những gì những người phụ nữ phải làm, phải chịu đựng, đè nén tình cảm lại thường nặng nề hơn người đàn ông rất nhiều. Mẹ mệt nhọc không kém gì bố trong công việc ngoài xã hội, vậy mà mỗi lần về đến nhà, ngoài việc lo lắng chăm sóc gia đình, mẹ không bao giờ quên mỉm cười hạnh phúc mỗi khi đón bố trở về nhà. Với mẹ, hạnh phúc gia đình và gìn giữ hạnh phúc ấy là lẽ sống của cả cuộc đời...
Mình tự hào vì hôm nay, bố là một người rất yêu và hiểu mẹ. Giỗ ông, bố cùng mẹ đi chợ từ sớm và cùng vào bếp nấu ăn. Đó là việc mà trước đây chẳng bao giờ có cả. Tình yêu của mẹ sưởi ấm cho căn nhà nhỏ của mình, làm tan đi lớp băng lạnh lùng của tính gia trưởng trong bố. Mẹ làm cho "nhà" luôn là từ mà mình luôn nghĩ tới đầu tiên mỗi khi đau khổ hay vấp ngã trên con đường của cuộc sống... "Mama, I'm coming home!"...
Hôm nay dì Hà cũng tới. Dì lặn lội từ trong Nam ra chỉ để thăm bà và dự ngày giỗ ông ngoại. Mình cũng chẳng biết gì nhiều về dì lắm, mà lần đầu tiên mình có khái niệm về dì cũng chỉ cách đây có khoảng 4, 5 năm. Hồi đó dì ra Hà Nội chơi. Chuyến đi của dì cũng hết sức đặc biệt bởi dì ghé qua nhà mình ngay sau khi bị cướp giật trên đường. Chúng nó chặn dì đúng lúc dì định lên xích lô, giật xắc tay và dây chuyền, lại còn đánh dì nữa. Thế mà thật ngạc nhiên bởi khi đến nhà mình, dì chẳng có vẻ gì sợ hãi cả, hoảng loạn cả. Dì cứ bảo: "Của đi thay người". Cái câu nói tưởng chừng mê tín nhảm nhí ấy dường như chính là nguồn sức mạnh cho dì vượt qua được nỗi kinh hoàng đêm đó. Gặp dì, điều cứ ám ảnh mình mãi là thái độ yêu đời thầm kín, niềm lạc quan, tin tưởng vào sự công bằng của cuộc đời, tất cả đều dựa trên một cơ sở hết sức chênh vênh là những điều mê tín người ta vẫn đang hô hào xoá bỏ. Mình tự hỏi, giả sử, nếu dì không còn tin vào những điều dị đoan kia thì liệu có cái gì có thể giúp đỡ cho một người đàn bà nhỏ bé, yếu ớt dường ấy đứng vững trong cuộc đời đầy sóng gió?
Hiền lành, chất phác, đen đủi, nhỏ bé và khôgn đẹp, đó là dì Sen. Bà thường hay chê bai dì ngốc. Chẳng biết dì có "ngốc" như lời bà nói không chứ cả ba chị nhà dì đều học rất giỏi, trưởng thành và bây giờ đều có những gia đình hết sức hạnh phúc. Dì vẫn thường hay cười, một nụ cười thuần chất nông thôn, dịu dàng mà cũng ngây thơ lắm. Dì thường hay bảo mình phải cố mà học cho giỏi để cuộc đời đỡ khổ. Của cải dù nhiều, tiêu mãi cũng phải hết. Cha mẹ chỉ cho con kiến thức, cho con đôi cánh, bộ lông để con tự mình bay vào khoảng không gian bát ngát, tự mình tìm thức ăn và nơi trú ẩn. Dì đâu có "ngốc", bà ơi! Cho dù cuộc đời có cướp đi của dì tình yêu của người chồng thì dì vẫn còn có cái để mà tự hào. Đó là niềm tin, là công sức, là những hạt giống dì gieo trồng nay đã ra hoa, kết trái.
Giỗ ông, mọi người đến và đều quây quần trong bếp. Gian bếp nhỏ chật chội trở thành trung tâm hạnh phúc của cả nhà. Mọi người cười nói, bàn những câu chuyện xảy ra với những người thân trong họ dạo gần đây, vừa bàn tán, vừa chỉ bảo nhau cách nấu ăn. Một số họ hàng nữa cũng đên. Mình chẳng biết một số người trong họ, có lẽ họ ở dưới quê lên. Chợt nghĩ, chẳng biết sau này khi mình lớn, bữa cỗ giỗ ông sẽ ra sao? Mình giống như một con gà công nghiệp sống trong thành phố, chẳng biết thế nào là rơm rạ làng. Sợi dây liên hệ với họ hàng mong manh quá. Rất nhiều người mình chưa biết và cũng sẽ có rất nhiều người mình không bao giờ bíêt. Những người họ hàng cũng như những con chim trên trời, cũng di cư đi khắp mọi miền của Tổ quốc để tránh những đợt bão rét... Liệu sẽ có ngày, đi ngoài đường, gặp một người trong họ mà tưởng như gặp người xa lạ? À, mà cũng chẳng cần phải ngày nào xa, bây giờ có lẽ đã vậy rồi. Thử hỏi bạn bè mình, đứa nào cũng thế. Hình như cuộc sống tất bật khiến cho con người ta chỉ giữ được một mối liên hệ duy nhất với nguồn gốc của mình là gia đình. Nhưng rồi, như lời một đứa bạn mình tiên đoán, nếu như gia đình sau này không còn được coi trọng, không còn ấm cúng với cảnh nhiều thế hệ sống chung một mái nhà như bây giờ, mà phát triển theo xu hướng "Tây hoá", cha đường cha (già rồi vào viện dưỡng lão), con đường con... thì sẽ ra sao? Sẽ có còn những ngày giỗ như thế này không?
Chẳng biết nữa......
0 Comments:
Post a Comment
<< Home