Thursday, February 03, 2005

Irish- Kị sỹ từ cõi hư vô

Nói về tuỳ bút trong box VH, người đầu tiên tôi nghĩ đến là bác Irish. Ngoài sự ấn tượng của những bài viết, có một lý do khác làm tôi nghĩ ngay đến Irish khi bắt tay vào việc tuyển chọn này. Irish chính là người khởi nguồn cho thể loại tuỳ bút trong box VH.
Không ngần ngại trước miệng lưỡi đánh giá của thế gian, Irish cứ việc post lên những gì là của mình. Đầu tiên là Ngụ ngôn Con Bò, sau đó là những bài khác. Với sự khởi đầu "khệnh khạng cóc sợ ai cười" của Irish, box VH đã có những bài viết riêng của mình. (Tequila)

Gió và Nước.


Nước và Gió là hai vật thể mà tôi yêu thích nhất.
Trước hết hãy nói về nước. Nước trong lành và mát dịu. Tôi thích khoả nước lên mặt để nước vuốt ve tôi. Để khi ấy mở mắt ra tôi sẽ thấy nước đang vẽ lại ánh sáng. Mọi thứ sẽ trở nên lung linh, trở nên lấp lánh. Nước làm mát ánh nắng nhưng không khoả lấp đi.
Nước làm cho nắng trở nên đầy chuyển động. Thuở nhỏ mỗi khi tôi vấp ngã, mỗi khi tôi đau tôi bèn bật khóc. Và nước mắt đã xoa dịu tôi. Thật ra trong mắt chúng ta luôn luôn có nước, nếu không thì đó chẳng còn là đôi mắt nữa rồi.
Cũng như Gió, Nước tự do. Nước chảy đi thành vô số dòng nhỏ róc rách, như rắn trên thảo nguyên. Sự giam giữ của những bình những lọ cũng chỉ là tạm thời. Nếu nước không thể chảy thì nước sẽ tìm cách bốc hơi đi. và đôi khi gió cùng nắng đến giúp nước làm điều đó.
Gió cũng tự do. Gió bay đi khắp nơi. Gió mà không chuyển động nữa thì có nghĩa rẳng gió đã chết. Gió thích lang thang. Không phải bỗng dưng mà những kẻ lang thang thường thích để cho tóc bay loà xoà trong gió. Gió lang thang khắp các xó xỉnh trên đời.
Gió thổi căng những cánh buồm, nâng những cánh diều lên cao. Bởi lẽ gió luôn ủng hộ những chuyến đi xa. Gió vời những tàng cây nhảy múa và hát ca, bản thân gió cũng ca hát vi vu.
Khi bạn khoả Nước lên mặt, bạn sẽ cảm thấy Gió một cách trọn vẹn. Vì Nước và Gió là hai kẻ gắn kết với nhau. Gió và Nước làm thành biển khơi cuộn sóng. Không có Nước, Gió sẽ thành kẻ lang thang trên sa mạc. Không có Gió, Nước không bao giờ trỗi mình thành sóng.
Tôi yêu những cơn mưa, bởi vì Nước và Gió hoà nhau sẽ thành những cơn mưa. Không có gì tuyệt hơn khi trong dêm lắng nghe mưa rơi. Những giọt nước tí tách trên cửa sổ, rỏ lên lá cây, đinh đoong trên mái nhà và trên đường khuya vắng ngắt. Nước gieo những âm thanh như một tay chơi dương cầm lặng lẽ. Nhưng rồi có Gió đệm cello cho Nước. Cả hai sẽ chơi một bản sônát huyền diệu

Ảo tưởng về cuộc sống tươi đẹp

Con người đã sáng tạo ra truyện cổ tích. Đúng như vậy, và đã khởi đầu một ảo tưởng. Có thể sự ảo tưởng này không hẳn đã khởi đầu cuộc sống dẵng dai của nó bằng sự ra đời của truyện cổ tích, nhưng thôi thì cứ cho là như vậy. truyện cổ tích không chỉ để đọc cho bạn trẻ trước lúc chúng đi ngủ mà còn để ru ngủ tất cả chúng ta. Hầu hết những dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời chúng ta được mang đến trong thuở non dại đó. Những giấc mơ cổ tích đã cấy vào chúng ta và trở thành một thứ tiềm thức nhẹ nhàng. Cái thiện luôn thắng cái ác, hay đúng hơn, cái thiện rốt cục rồi cũng thắng cái ác. Và đấy là một con chip một mộng mơ được cấy sâu vào tâm khảm chúng ta.
Sau cái khởi nguồn đó, hoặc giả lúc nó vẫn còn đang tiếp diễn thì Shakespeare dựng nên mối tình Roméo và Juliet. Ái chà, và có bao nhiêu trái tim trên thế giới này thổn thức nhỉ? Cái chết của đôi tình nhân đã trở thành một thứ ánh sáng rực rỡ, trở thành huyền thoại. Nó đã trở thành một bài ca thuyết phục nhất cho tình yêu. Tinh yêu thật là tươi đẹp phải không, hãy hiểu tất cả những ý nghĩa sâu rộng của nó đi. Nhưng gượm đã, có bao nhiêu phần trăm dân số trên Trái Đất này đã thực sự chạm vào một tình yêu xác thực như thế? Nghĩa là có bao nhiêu kẻ sẵn sàng ngửi một ít cyanua để cùng về thế giới bên kia với người mà anh ta yêu?... Khái niệm Cuộc Sống Tươi Đẹp được xây dựng trên cơ sở Tình Yêu Tươi Đẹp, hẳn là như thế rồi, bởi vì con người phải yêu Cuộc Sống lắm mới bảo rằng Cuộc Sống Tươi Đẹp. Thế nhưng trong cái khoảnh khắc mà Roméo và Juliet nhắm mắt lìa đời họ có cảm nhận rằng Cuộc Sống Tươi Đẹp không, khi mà trong trái tim đau đớn của họ tràn ngập tình yêu và nỗi bi thương? Tôi cũng không biết rằng họ có trở thành những thiên thần đẹp đôi hay không, nhưng hiển hiện rõ nhất trước mắt tôi, trên cái sân khấu của cuộc đời là hai cái xác vô hồn lạnh lẽo. Tất cả chúng ta chứng kiến những giây phút xúc động này, nói rõ hơn là cái chết thảm thương này, với hai tay ôm lấy ngực và kêu lên "Ôi! Đẹp đẽ quá!". Đẹp đẽ lắm vì chúng ta đâu có chết, còn cái chết kia cũng như là một thứ thuốc vẽ cho chúng ta tô điểm cho bức tranh về Cuộc Sống Tươi Đẹp của chúng ta.
Khái niệm Cuộc Sống Tươi Đẹp được xây dựng trên cơ sở Tình Yêu Tươi Đẹp. Jack London cũng dựng lên một bức tranh khác, Tình Yêu Cuộc Sống. Như tôi bảo, cuộc sống hẳn là phải tươi đẹp lắm nên con người mới yêu nó như thế. Nhân vật này của London đâu phải là siêu nhân, nhưng anh ta là một kẻ phi thường. Bạn cũng sẽ trở nên phi thường như thế nếu bạn yêu cuộc sống này ngang tầm mức như thế. Nhưng tôi bảo tình yêu cuộc sống của bạn là một kiểu tiếc nuối. "Lạy Chúa! Tôi sẽ không còn thấy ánh mặt trời nữa sao? Tôi sẽ không còn nghe thấy sóng và tiếng chim biển nữa sao? Tôi sẽ không còn có cơ hội rít một điếu xìgà La Havana trong tiệm Con Ngựa Chứng yêu thích của tôi nữa sao?...". Mà biết đâu tình yêu cuộc sống của bạn là một thứ sợ hãi. Bạn sợ cái cõi hư vô chưa từng biết mà bạn sắp phải rơi vào. Đôi khi cái cõi ghê rợn đó nhung nhúc quỷ dữ và những hồn ma. Thế là bằng mọi giá bạn phải ngoi lên và bắt lấy luồng sáng le lói của cuộc sống ở trên kia. Trong câu chuyện của Jack London con sói đóng vai trò gì? Nó không phải là phông nền mà chính là nhân vật, cả con cá tuế suy dinh dưỡng kia nữa, cả thứ quả dại nhạt thếch kia nữa, tất thảy chúng đều là nhân vật. Anh chàng của Jack London đã sống sót, còn bọn kia đều chết hết. Con sói đói rã kia rồi cũng chết ngay thôi. Thế đến đây bạn sẽ chất vấn rằng ý nghĩa cuối cùng của những gì tôi đã viết là gì. Vâng, tất cả bọn kia chết đi thì liệu rằng cuộc sống có tươi đẹp không?
Tôi xin khẳng định rằng khái niệm Cuộc Sống Tươi Đẹp của các bạn là một thứ ảo tưởng. Nhưng đấy là một thứ ảo tưởng đẹp đẽ. Các bạn đang tự dối mình để tìm thấy một động lực để sống sót. Cái tự dối mình ấy cũng như khoái cảm của một con bạch tuộc đang siết chặt những xúc tu của nó quanh mình một con cua biển. Những dịch sống thơm tho của con cua đang rỉ ra và con bạch tuộc khoái trá hút lấy. Con bạch tuộc hẳn cũng đang có một cảm giác về cuộc sống như các bạn. Nhưng nó đâu biết rằng có một hàm răng lởm chởm của một con cá nhám khổng lồ đang nhe ra phía sau nó. Không phải riêng con cá nhám mà cả một mớ những sinh vật của đáy sâu đang nhe ra với nó. Vậy mà con bạch tuộc vẫn nuôi những ảo tưởng như các bạn.
Tôi xin kết thúc bằng khái niệm về thiên đường. Thiên đường và Tôn giáo cái nào đã được sinh ra trước, tôi cóc cần biết. Người ta đẻ ra khái niệm thiên đuờng và tất cả những dây mơ rễ má đi kèm. Tín đồ Thiên chúa giáo thì yên chí khi đã được rửa tội, và khi chết đi sẽ được Jesus che chở. Tín đồ Phật giáo thì tin rằng những sám hối và sự trong sạch của họ sẽ giúp họ lên cõi Niết Bàn (Thiên đường chăng?). Và những tín đồ Hồi Giáo cực đoan vui vẻ nhận lấy tấm vé lên Thiên đường bằng cách đánh bom cảm tử, nghĩa là giết chết vô số những người khác. Liệu rằng cuộc sống có thật sự tươi đẹp không? Tôi bảo rằng không! Tôi sản sinh ra những ý nghĩa nhầy nhụa này trong một thành phố bẩn thỉu, hẳn là bạn nghĩ như thế. Thật ra có vứt tôi ra miền nông thôn hay miền sơn cước trong lành của các bạn thì tôi vẫn bảo rằng không. Tôi nghe thấy đất đai lở loét rên siết vì thuốc hoá học của các bạn. Thú rừng thì chạy biến đi trước khi ngửi thấy tôi. Thế, cuộc sống có tươi đẹp không. Có, đó là khi nó mới vừa sinh ra. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc ấy thôi, và rồi lịch sử sẽ ngày càng làm cho nó lở loét cả đi, lịch sử của loài người.


0 Comments:

Post a Comment

<< Home