Thursday, February 03, 2005

Mục lục Hợp tuyển Box Văn học

Lời tựa

Phần 1: Tuỳ bút

Phần 2: Truyện ngắn- Bút ký

Phần 3: Thơ

Phần 4: Phê bình- Cảm nhận văn học

Phần 5: Trao đổi văn học

Lời tựa


Hồ Gươm, 2h đêm của một ngày tháng Tám, mâm rượu bày trên vỉa hè, mấy tên Hà Nội tiếp bạn bè của bọn hắn từ Đà Nẵng ra chơi. Không khách khí gượng gạo, không loè loẹt màu mè. Tiệc rượu chưa kịp tàn thì trời đã sắp sáng… Mới chỉ biết mặt nhau được vài hôm, nhưng tất cả từ lâu đã coi nhau như anh em bằng hữu. Người ta thường cho rằng, những mối quan hệ trên mạng là nhạt và ảo. Thế nhưng, quan niệm ấy không thể áp dụng đối với các member của box Văn học – TTVNonline.

Lang thang trên diễn đàn, tìm kiếm những box, những topic mà mình thích, nhảy vào post vài bài, vui thì ở lại, chán thì bỏ đi. Thành viên box Văn học tất nhiên cũng đi theo một con đường như thế. Có điều là, đã đến với box Văn học, hầu như chẳng mấy ai muốn bỏ đi. Những con người khác nhau, những ngành nghề khác nhau, sở thích khác nhau, tính cách khác nhau, ước vọng khác nhau… duy chỉ một niềm đam mê chung cũng đủ để tập hợp nhau lại dưới một mái nhà.

Đến với box Văn học, mỗi người mang theo hành lý của riêng mình. Người mang theo cái lãng mạn mê say, người mang theo sự tinh tế mặn mà. Có người là sự tinh ranh khôn khéo, có người là ánh nhìn sắc nhọn. Kẻ vui tươi nhảy nhót hát ca, kẻ hai vai mang nặng nỗi ưu phiền… Người này nhìn người kia và mỉm cười, nhận thấy một phần của chính mình trong hành lý của người khác.

Nếu chỉ có bình luận và chuyện trò với nhau về những tác phẩm văn học, điều đó có đủ để làm nên sức sống của box Văn học không? Không đủ. Nếu chỉ có viết ra những điều nhỏ bé của bản thân mình, rồi lại xem các nick khác viết gì, liệu có đủ không? Không đủ. Nếu chỉ có những bài thơ và những câu chuyện bâng quơ, có đủ không? Cũng không đủ. Box Văn học là tập hợp của tất cả những điều đó. Đấy chính là sức sống của nó, sự phong phú của nó.

Pittypat mở topic “Hợp tuyển”, với mục đích giới thiệu những tinh hoa của box Văn học cho những ai lần đầu tiên dừng chân ở box. Nhân dịp Đại hội TTVNonline, thành viên box Văn học quyết định phát triển topic của Pittypat thành tập sách này. Công việc biên tập hợp tuyển quả thực rất khó khăn. Trong khuôn khổ hạn hẹp của tập sách, giới thiệu tất cả những bài viết có giá trị là điều không thể. Những sơ suất cũng vì thế mà khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tất cả chỉ vì mục đích đóng góp cho Đại hội và giới thiệu box Văn học đến thành viên của đại gia đình TTVNonline. Mong sao ngày càng có nhiều bạn bè đến với box Văn học và coi nó như mái nhà chung.

Box Văn học là ngôi nhà giản dị nhưng ấm cúng, còn ngoài trời kia là cuộc đời dài rộng khiến đôi chân đầy những vết chai của buồn vui sướng khổ. Đôi khi, tách mình ra khỏi những điều đó, chúng ta đến đây, đốt lên một bếp lửa, hâm nóng một bình rượu, mở cửa đón bạn hữu tứ phương tới đàm đạo chuyện văn chương.

Irish- Kị sỹ từ cõi hư vô

Nói về tuỳ bút trong box VH, người đầu tiên tôi nghĩ đến là bác Irish. Ngoài sự ấn tượng của những bài viết, có một lý do khác làm tôi nghĩ ngay đến Irish khi bắt tay vào việc tuyển chọn này. Irish chính là người khởi nguồn cho thể loại tuỳ bút trong box VH.
Không ngần ngại trước miệng lưỡi đánh giá của thế gian, Irish cứ việc post lên những gì là của mình. Đầu tiên là Ngụ ngôn Con Bò, sau đó là những bài khác. Với sự khởi đầu "khệnh khạng cóc sợ ai cười" của Irish, box VH đã có những bài viết riêng của mình. (Tequila)

Gió và Nước.


Nước và Gió là hai vật thể mà tôi yêu thích nhất.
Trước hết hãy nói về nước. Nước trong lành và mát dịu. Tôi thích khoả nước lên mặt để nước vuốt ve tôi. Để khi ấy mở mắt ra tôi sẽ thấy nước đang vẽ lại ánh sáng. Mọi thứ sẽ trở nên lung linh, trở nên lấp lánh. Nước làm mát ánh nắng nhưng không khoả lấp đi.
Nước làm cho nắng trở nên đầy chuyển động. Thuở nhỏ mỗi khi tôi vấp ngã, mỗi khi tôi đau tôi bèn bật khóc. Và nước mắt đã xoa dịu tôi. Thật ra trong mắt chúng ta luôn luôn có nước, nếu không thì đó chẳng còn là đôi mắt nữa rồi.
Cũng như Gió, Nước tự do. Nước chảy đi thành vô số dòng nhỏ róc rách, như rắn trên thảo nguyên. Sự giam giữ của những bình những lọ cũng chỉ là tạm thời. Nếu nước không thể chảy thì nước sẽ tìm cách bốc hơi đi. và đôi khi gió cùng nắng đến giúp nước làm điều đó.
Gió cũng tự do. Gió bay đi khắp nơi. Gió mà không chuyển động nữa thì có nghĩa rẳng gió đã chết. Gió thích lang thang. Không phải bỗng dưng mà những kẻ lang thang thường thích để cho tóc bay loà xoà trong gió. Gió lang thang khắp các xó xỉnh trên đời.
Gió thổi căng những cánh buồm, nâng những cánh diều lên cao. Bởi lẽ gió luôn ủng hộ những chuyến đi xa. Gió vời những tàng cây nhảy múa và hát ca, bản thân gió cũng ca hát vi vu.
Khi bạn khoả Nước lên mặt, bạn sẽ cảm thấy Gió một cách trọn vẹn. Vì Nước và Gió là hai kẻ gắn kết với nhau. Gió và Nước làm thành biển khơi cuộn sóng. Không có Nước, Gió sẽ thành kẻ lang thang trên sa mạc. Không có Gió, Nước không bao giờ trỗi mình thành sóng.
Tôi yêu những cơn mưa, bởi vì Nước và Gió hoà nhau sẽ thành những cơn mưa. Không có gì tuyệt hơn khi trong dêm lắng nghe mưa rơi. Những giọt nước tí tách trên cửa sổ, rỏ lên lá cây, đinh đoong trên mái nhà và trên đường khuya vắng ngắt. Nước gieo những âm thanh như một tay chơi dương cầm lặng lẽ. Nhưng rồi có Gió đệm cello cho Nước. Cả hai sẽ chơi một bản sônát huyền diệu

Ảo tưởng về cuộc sống tươi đẹp

Con người đã sáng tạo ra truyện cổ tích. Đúng như vậy, và đã khởi đầu một ảo tưởng. Có thể sự ảo tưởng này không hẳn đã khởi đầu cuộc sống dẵng dai của nó bằng sự ra đời của truyện cổ tích, nhưng thôi thì cứ cho là như vậy. truyện cổ tích không chỉ để đọc cho bạn trẻ trước lúc chúng đi ngủ mà còn để ru ngủ tất cả chúng ta. Hầu hết những dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời chúng ta được mang đến trong thuở non dại đó. Những giấc mơ cổ tích đã cấy vào chúng ta và trở thành một thứ tiềm thức nhẹ nhàng. Cái thiện luôn thắng cái ác, hay đúng hơn, cái thiện rốt cục rồi cũng thắng cái ác. Và đấy là một con chip một mộng mơ được cấy sâu vào tâm khảm chúng ta.
Sau cái khởi nguồn đó, hoặc giả lúc nó vẫn còn đang tiếp diễn thì Shakespeare dựng nên mối tình Roméo và Juliet. Ái chà, và có bao nhiêu trái tim trên thế giới này thổn thức nhỉ? Cái chết của đôi tình nhân đã trở thành một thứ ánh sáng rực rỡ, trở thành huyền thoại. Nó đã trở thành một bài ca thuyết phục nhất cho tình yêu. Tinh yêu thật là tươi đẹp phải không, hãy hiểu tất cả những ý nghĩa sâu rộng của nó đi. Nhưng gượm đã, có bao nhiêu phần trăm dân số trên Trái Đất này đã thực sự chạm vào một tình yêu xác thực như thế? Nghĩa là có bao nhiêu kẻ sẵn sàng ngửi một ít cyanua để cùng về thế giới bên kia với người mà anh ta yêu?... Khái niệm Cuộc Sống Tươi Đẹp được xây dựng trên cơ sở Tình Yêu Tươi Đẹp, hẳn là như thế rồi, bởi vì con người phải yêu Cuộc Sống lắm mới bảo rằng Cuộc Sống Tươi Đẹp. Thế nhưng trong cái khoảnh khắc mà Roméo và Juliet nhắm mắt lìa đời họ có cảm nhận rằng Cuộc Sống Tươi Đẹp không, khi mà trong trái tim đau đớn của họ tràn ngập tình yêu và nỗi bi thương? Tôi cũng không biết rằng họ có trở thành những thiên thần đẹp đôi hay không, nhưng hiển hiện rõ nhất trước mắt tôi, trên cái sân khấu của cuộc đời là hai cái xác vô hồn lạnh lẽo. Tất cả chúng ta chứng kiến những giây phút xúc động này, nói rõ hơn là cái chết thảm thương này, với hai tay ôm lấy ngực và kêu lên "Ôi! Đẹp đẽ quá!". Đẹp đẽ lắm vì chúng ta đâu có chết, còn cái chết kia cũng như là một thứ thuốc vẽ cho chúng ta tô điểm cho bức tranh về Cuộc Sống Tươi Đẹp của chúng ta.
Khái niệm Cuộc Sống Tươi Đẹp được xây dựng trên cơ sở Tình Yêu Tươi Đẹp. Jack London cũng dựng lên một bức tranh khác, Tình Yêu Cuộc Sống. Như tôi bảo, cuộc sống hẳn là phải tươi đẹp lắm nên con người mới yêu nó như thế. Nhân vật này của London đâu phải là siêu nhân, nhưng anh ta là một kẻ phi thường. Bạn cũng sẽ trở nên phi thường như thế nếu bạn yêu cuộc sống này ngang tầm mức như thế. Nhưng tôi bảo tình yêu cuộc sống của bạn là một kiểu tiếc nuối. "Lạy Chúa! Tôi sẽ không còn thấy ánh mặt trời nữa sao? Tôi sẽ không còn nghe thấy sóng và tiếng chim biển nữa sao? Tôi sẽ không còn có cơ hội rít một điếu xìgà La Havana trong tiệm Con Ngựa Chứng yêu thích của tôi nữa sao?...". Mà biết đâu tình yêu cuộc sống của bạn là một thứ sợ hãi. Bạn sợ cái cõi hư vô chưa từng biết mà bạn sắp phải rơi vào. Đôi khi cái cõi ghê rợn đó nhung nhúc quỷ dữ và những hồn ma. Thế là bằng mọi giá bạn phải ngoi lên và bắt lấy luồng sáng le lói của cuộc sống ở trên kia. Trong câu chuyện của Jack London con sói đóng vai trò gì? Nó không phải là phông nền mà chính là nhân vật, cả con cá tuế suy dinh dưỡng kia nữa, cả thứ quả dại nhạt thếch kia nữa, tất thảy chúng đều là nhân vật. Anh chàng của Jack London đã sống sót, còn bọn kia đều chết hết. Con sói đói rã kia rồi cũng chết ngay thôi. Thế đến đây bạn sẽ chất vấn rằng ý nghĩa cuối cùng của những gì tôi đã viết là gì. Vâng, tất cả bọn kia chết đi thì liệu rằng cuộc sống có tươi đẹp không?
Tôi xin khẳng định rằng khái niệm Cuộc Sống Tươi Đẹp của các bạn là một thứ ảo tưởng. Nhưng đấy là một thứ ảo tưởng đẹp đẽ. Các bạn đang tự dối mình để tìm thấy một động lực để sống sót. Cái tự dối mình ấy cũng như khoái cảm của một con bạch tuộc đang siết chặt những xúc tu của nó quanh mình một con cua biển. Những dịch sống thơm tho của con cua đang rỉ ra và con bạch tuộc khoái trá hút lấy. Con bạch tuộc hẳn cũng đang có một cảm giác về cuộc sống như các bạn. Nhưng nó đâu biết rằng có một hàm răng lởm chởm của một con cá nhám khổng lồ đang nhe ra phía sau nó. Không phải riêng con cá nhám mà cả một mớ những sinh vật của đáy sâu đang nhe ra với nó. Vậy mà con bạch tuộc vẫn nuôi những ảo tưởng như các bạn.
Tôi xin kết thúc bằng khái niệm về thiên đường. Thiên đường và Tôn giáo cái nào đã được sinh ra trước, tôi cóc cần biết. Người ta đẻ ra khái niệm thiên đuờng và tất cả những dây mơ rễ má đi kèm. Tín đồ Thiên chúa giáo thì yên chí khi đã được rửa tội, và khi chết đi sẽ được Jesus che chở. Tín đồ Phật giáo thì tin rằng những sám hối và sự trong sạch của họ sẽ giúp họ lên cõi Niết Bàn (Thiên đường chăng?). Và những tín đồ Hồi Giáo cực đoan vui vẻ nhận lấy tấm vé lên Thiên đường bằng cách đánh bom cảm tử, nghĩa là giết chết vô số những người khác. Liệu rằng cuộc sống có thật sự tươi đẹp không? Tôi bảo rằng không! Tôi sản sinh ra những ý nghĩa nhầy nhụa này trong một thành phố bẩn thỉu, hẳn là bạn nghĩ như thế. Thật ra có vứt tôi ra miền nông thôn hay miền sơn cước trong lành của các bạn thì tôi vẫn bảo rằng không. Tôi nghe thấy đất đai lở loét rên siết vì thuốc hoá học của các bạn. Thú rừng thì chạy biến đi trước khi ngửi thấy tôi. Thế, cuộc sống có tươi đẹp không. Có, đó là khi nó mới vừa sinh ra. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc ấy thôi, và rồi lịch sử sẽ ngày càng làm cho nó lở loét cả đi, lịch sử của loài người.


Egoist: Chỉ có kẻ mất ngủ mới hiểu


Egoist xuất hiện trong box VH với dòng chữ “chỉ có kẻ mất ngủ mới hiểu”. Khi lần đầu tiên tôi gặp bác VNHL, hai anh em đã thống nhất quan điểm với nhau: “Egoist là tay quái gở khù khoằm nhất thiên hạ!”
Gần đây gặp được Egoist, mới thấy hoá ra hắn thật dễ mến. Bạn hãy nghe hắn nói về việc, tại sao các bài viết của hắn lại kỳ quái và khó hiểu như thế: “Những gì viết ra đã không còn là chính mình nữa, nó đã bị khoác lên một lớp vỏ ngôn từ. Suy nghĩ của mình thì không thế, đứt đoạn và hỗn độn. Tôi chỉ muốn ghi lại những suy nghĩ của mình theo đúng cách mà nó diễn ra…”
(Tequila)

Đây là một bài của Egoist viết trong Topic Cuộc rượt đuổi trên mái nhà của Irish.Phiêu du trong một cơn mộng mị. Đọc cái này cảm tưởng như đang nghe Eric Clapton ôm con guitar nghêu ngao “Cocain”


Nằm nhả khói và lặng thinh ngắm nhìn người ta rượt đuổi trên mái nhà.
Ở thời đại này, một gã đen bắt đầu một ngày mới mà chẳng đánh răng, mặc kệ hơi rượi còn nồng nặc, rời khu Harlem tăm tối bằng cuộc cuốc bộ hàng cây số, đặt cái thùng nhựa dơ bẩn xuống hè đường vốn được xem là sạch sẽ nhất NewYork và bắt đầu một cuộc lãng du theo những điệu trống cổ xưa và nhộm màu nguyên thủy. Tất cả là một sự diễu cợt căng cứng vào những đám người bảnh bao hối hả đang vật vã tháo chạy theo dòng thời gian thiếu nhân tính bám riết lấy đũng quần và đâm cây kiếm sắc bén vào đít. Có nhiều nghịch lý phô diễn trước mắt khách qua đường - con khỉ từ hàng triệu năm trước đang vọc một sản phẩm polyme của thời hiện đại, và trong một lúc bất ngờ mày mò hắn (con khi đã tìm ra trò chơi đập phá những giai điệu). Nhưng chỉ có một tên da trắng phát hiện điều này!!! (người ta thì thầm hắn là chủ một doanh nghiệp lớn có văn phòng ngay trung tâm thành phố) Và hắn mỉm cười! Chả biết hắn đang cười cợt con khỉ kia hay cười vào bầy heo trên đường. Nhưng chắc chắn là bí hiểm...chỉ mình hắn biết rằng mình đang cười!!!
Tôi bắt đầu từ điếu thứ ba, nằm nhả khói lên mái nhà, lắng nghe tiếng rượt đuổi, ngẫm nghĩ câu chuyện về giấc mơ (hay đại loại như thế) của thằng bạn cũ. Tôi đồng cảm với nó!Thật ra! đó có phải là phản ứng lòng vòng theo quỹ đạo của khói thuốc lá mà một kẻ huênh hoang nào đó tuyên bố chắc nịch với tôi rằng con người đã giải mã xong. Bí ẩn vẫn là bí ẩn! Nó đánh tan những phát hiện ngộ nhận như con sóng vỗ bờ. Người ta sản xuất thuốc lá và nói với đàn ông và cả phụ nữ rằng thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Thật lạ kỳ! Nhưng giữa thời đại này, tôi đang nằm thẳng cẳng, tay xuôi ra trên giường, nhả “white horse” lên mái nhà trong khi người ta cút bắt nhau. Đừng ngạc nhiên, khi mà các ảo ảnh đang dần đến với tôi như tôi tiến gần lại một chiếc gương không phẳng lắm. Ảo ảnh không phẳng. Nó đang hoảng loạn nó hoảng loạn như một đứa trẻ lần đầu tiên có một bí mật! Nó tìm cách nói ra nhưng nó thất bại khi làm người ta hiểu mình...
Nhưng chúng tôi là bạn thân cơ mà! Dù sao tôi cũng biết đôi phần và tôi cố gắng tìm hiểu nó bằng cách châm một điếu khác... khói đã bắt đầu dày và quánh đặc mù mịt nhưng tất nhiên nó không rơi xuống.Tôi mong rằng ảo ảnh sẽ đọng lại khi chúng nặng hơn. Tôi sẽ có dịp sắp sếp, liệt kê và đóng tập từng phần cơ thể bé bỏng của nó.Tôi làm với sư say mê tột cùng. Tôi gặp lại em tôi ! Tôi đã thấy em trong trang bìa rạng rỡ xinh xắn vô cùng, em tiếp chuyện tôi, từ tốn nghe tôi ba hoa về niềm đam mê và hèn nhát, hảo vọng và chán chường, chăm chú đến công việc của tôi, thỉnh thoảng lại cười và gật gù...và rồi biến mất. Tôi đã dở trang sau!
Những cuộc rượt đuổi vẫn đang tiếp diễn có ai đó vừa rơi, rơi là thất bại. Tiếng kêu thét của hắn bị vùi lấp trong những tiếng rú thảm thiết của cổ đông viên cuồng nhiệt bốc đồng. Hắn mang tất cả mơ mộng đi theo chiều thứ tư của không gian và chả mong trở lại....Satan nhảy Valse với Maria...trên khán đài danh dự
Các cô gái thi nhau nhảy từ trên cao ốc xuống hè, cuộc đua xe đạp leo dốc của các tay chơi Doping, Kurt hát bằng cổ họng, đánh phím bằng răng, miết dây bằng lưõi( ta chỉ thấy cái đầu!)... Thật ư? Không! Cô gái đang trong siêu thị, các chàng trai đang đến trường trên xe đạp, cái radio đang mở “smell like teen spirit”.Đã có một bất ngờ khi tôi nằm xuống. Giác quan đã thay đổi - chiều ngang đã đảo lộn thành chiều dọc - như người ta làm một phép dời trục , Cảm tính đảo lộn thành tư tưởng các tư tưởng mới thành hình và lai tạp loạn luân bên cạnh cảm tính thuần chất, trò chơi xếp hình( puzzel?) thành cái lon xúc sắc ngôn từ (và người ta chắc hẳn cho ra hàng lố thơ tự do bằng cái trò này) - xếp hình là máy móc hay thơ là máy móc .
Trật tự hoá quay cuồng...
Nhưng lòng thông cảm không hoá tiếng cười giễu cợt. Tôi quay trở lại với ảo ảnh ốm yếu của mình và thấy nó đang bay lượn lòng vòng. Hoá ra ảo ảnh nó chưa rơi xuống và đặc quánh lại thành tạp chí như tôi tưởng. Nó vẫn là ảo ảnh.
Lần này tôi đứng trước chiếc gương của sự thật . Tiếc nuối về ảo ảnh hình như là đã quá muộn. Tôi lại nhả khói lên mái nhà và xem người ta rượt đuổi và rượt đuổi định mệnh trong không gian ba chiều với hệ trục quy chiếu quán tính!

Tuyên ngôn Egoist:


Tôi thực quá yêu đời sống này, tôi muốn bay thật cao nhưng lại rơi xuống không điểm đích. Tôi đã luợn lờ trong vô vọng trên đỉnh của xót thương đang tàn phá niềm tin yêu. Mọi cố gắng tốt đẹp đang dần tan vỡ mà cái tôi là một vật cản khổng lồ. Đầu tôi, trong khi gió mây có tạt qua tí chút thì rồi cơn vần vũ của đất trời đã thắng thế trong cuộc đấu sinh tử của tạo hoá quay cuồng.những khát vọng như cơn sốt bại liệt giãy dụa từng cơn què quặt. Chúng ám ảnh từng giấc nặng nề từng đêm mất ngủ. Ôi! Tôi chợt thấy rõ ràng mình trong cơn mơ, rũ rượi như tàu lá chuối úa. Đấm đá và kêu thét hãi hùng,và chửi thề tanh tưởi. Cái xác thân đâu mất thật rồi.Tôi thoát hiểm chỉ bằng cú ngã vụng về!
Bên kia bờ tôi nhìn lại thấy đơn côi quá đỗi chừng! Lặng lẽ trở thành cái áo trùm ám ảnh triền miên thay những cơn mộng mị từ trước. Tạo hoá chơi khăm tôi một vố đau điếng. Có lẽ tôi sẽ gục. Mà tôi gục thật! Điều này thật đáng cười! Trong xác thân vững vàng tôi như có một chiến sĩ chết đứng tâm hồn trong các câu truyện kể xa xưa. Cái chết tức nhiên sẽ đến viếng thăm đều đặn, vuốt ve mơn trớn tôi mỗi ngày. Tôi đã thành người bạn đường khốn nạn với nó, kẻ tuyên truyền không biết mệt mỏi chẳng thèm lấy một xu thù lao. Tôi đã hát câu "cái chết cũng nhẹ nhàng như bóng tối" bằng tất tật những gân cổ cháy rát của mình. Tôi tự hỏi tôi là kẻ bán đứng chính mình ư? Không tôi quá yêu đời sống này.

Egoist bàn về tình yêu.


...Tôi nghĩ nhiều về tình yêu. Nó thực là diệu kỳ nhưng cũng ác độc như người ta hay nói. Với tôi tình yêu như một ngọn lửa vậy : thắp sáng và cũng đốt cháy tất cả linh hồn vất vưởng quanh nó. Tôi có thể quá yêu, yêu điên cuồng và rồi khi tỉnh lại thấy mình xanh xao quá, bạc nhược, tôi cũng cảm thấy sợ hãi. Nhưng rồi tôi lại yêu. Trên đường đi tôi cũng thấy lại những kẻ đồng hành cũ . Chúng tôi nâng chén mời nhau. Chúc mừng! Nói về mục đích đôi khi tưỏng vô vọng của chính mình. Mà vô vọng thật.
Bởi tôi thường hay nói những lời to tát, và trúc trắc làm những điều kỳ cục và quá khích nên tôi vin vào đó làm lý do giải thích đầy yếu đuối cho thất bại của lòng yêu mến muốn đưọc yêu của mình.
Cuộc sống là cái gì đó tôi chưa khám phá hết. Tôi chỉ thấy những bông hoa sáng màu dùng từng khía sắc bén của nó chém vào tôi.những nhát chém tưởng rất êm ái. Nhưng một ngày nọ vỡ toác ra và ối trời thật kinh tởm. Tôi vuốt ve các vết thương cho mình Khi đó tôi mới nhìn xung quanh tôi. Ai cũng đang đau đớn. Nhưng khuôn mặt họ đã cứng lại, họ có vẻ kiên cường thật -trong một thoáng tôi nghĩ vậy. Họ đâu cần sự cứu rỗi. Nhưng rồi tôi thoáng nghe được một tiếng khóc rất nhỏ cơ hồ như tiếng vọng lại từ đâu đó bên kia(?). Tôi vượt tất cả, tìm đến bên nó. Nhưng thay vì an ủi chúng tôi bài xích nhau để tụt giảm nỗi mặc cảm bản thân. Chúng tôi đã thật là con người.
Như vậy tình yêu và cuộc sống là gì? Nếu chẳng là cặp bài trùng vĩnh viễn. Có một câu truyện Nhật kể về những con chồn gió đánh ngã người, chém đứt lìa họ và cuối cùng bôi thuốc cho vết thương lành lặn trở lại trong chốc lát. Ngẫm lại, thật kỳ dị. Phải chăng nếu cuộc đời làm ta đau thì tình yêu sẽ rịt thuốc và ngược lại cho đến liên hồi. Lời giải thích của tôi đơn giản lắm phải không? Yêu cuộc sống với tôi chỉ là những giây phút còn hầu như là thất vọng.
Tôi muốn leo lên đỉnh thật cao nhìn thấy hết , nhưng rồi lại chọn cách trải nghiệm cuộc sống. Nhưng tôi chẳng thể nở được hoa trong mảnh đất đời vốn màu mỡ nhưng quá nhiều sình lầy này...


Tequila và Cánh buồm đỏ thắm

Nói đến Tequila chắc là thừa nếu bạn đã từng đọc “Cánh buồm đỏ thắm” của anh.
... Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng gió... Để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu...
Chỉ là những dòng ghi lại của một người hòai trông về quá khứ, nuối tiếc một câu chuyện tình, mà cũng không phải là một câu chuyện tình...Chẳng biết xếp nó vào thể loại nào, thôi đành để tạm vào tùy bút vậy.
Copy lại Cánh buồm đỏ thắm của Tequila, chợt thấy buồn. Sẽ không bao giờ có một cơ hội thứ hai cho những gì thuộc về quá khứ... dù nó sâu nặng đến đâu...(Pittypat)

Cánh buồm đỏ thắm.

Trong những cái gì đọng lại của tuổi thơ, nổi bật lên trong tôi vẫn là Cánh buồm đỏ thắm. Đó còn hơn là một bài ca, còn hơn là một chuyện cổ tích, còn hơn là những ước mơ.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh hầm rượu tối tăm của toà lâu đài cổ. Vẫn nhìn thấy rõ ràng một chú bé dùng bút dạ xanh xoá đi những vệt máu của chúa Jesu bị câu rút.
Và cô bé Axon hàng ngày đi dạo trên bãi biển, chờ đợi cánh buồm đỏ thắm của mình. Cô bé thả xuống nước những con tàu đồ chơi nhỏ bé. Những con tàu nhỏ ấy trôi theo dòng nước và mang theo ước mơ của Axon. Cô bé tin rằng một ngày kia ước mơ sẽ quay trở lại, trên một con tàu thật sự, một con tàu với cánh buồm đỏ thắm như tình yêu mà chàng hoàng tử sẽ dành cho cô.
Tình yêu!
Tại sao chúng ta ít nói về nó đến thế? Chúng ta nói quá nhiều về cuộc sống, về những tư tưởng còn quá chật hẹp và ngắn ngủi của mình. Trong khi chính tình yêu mới là thứ chiếm nhiều chỗ hơn trong trái tim nóng bỏng của bọn ranh con “chung nhau ở cái tuổi hai mươi”.
Axon thì hàng ngày đi dạo trên bãi biển. Còn cái thằng Tequila lại lênh đênh trên cái bè gỗ còn thảm hại hơn bè của Tôm và Hấc. Chỉ khác một điều là trên bè có một cánh buồm màu đỏ. Rách rưới và đôi khi chắp vá, nhưng cái màu thắm đỏ thì chẳng đời nào có thể phai đi. Lúc nào cũng phải đỏ, để cho Axon còn có thể nhận ra.
Vừa nghe Egoist kêu ca thật nhiều, hắn nói đến những vết thương và cách thức chữa trị nó. Tình yêu và cuộc sống cứ thay phiên nhau để làm vết thương và thuốc đắp? Xin nâng một ly về những vết rách và đám bông băng.

Cánh buồm đỏ thắm. Stranger on the Dance floor
Ngày hôm nay. Lại một điệu Valse và tôi đưa mắt nhìn em. Bàn tay tôi lại nắm lấy bàn tay em, những bước chân đan vào nhau để quay và quay mãi. Tôi cảm thấy sự hiện hữu của em trong vòng tay, gần gũi và hoàn toàn xa cách.
Ngày hôm nay tôi không còn là tôi của em, và em cũng thế.
Ngày hôm nay tôi thờ ơ ngồi nhìn em và đám đông của em đang nhấp nháy theo ánh đèn nhấp nháy. Giờ đây đối với em, sự thờ ơ của tôi lại giống với nỗi buồn đến thế sao? Chúng ta đã giống nhau và hiểu nhau quá mức. Cho nên một sự thay đổi dù là nhỏ nhặt cũng khiến chúng ta chẳng thể nào tiếp tục hiểu nhau.
Bao giờ em cũng tuyệt vời trong những bản Tango. Tôi đứng tựa tay vào thành ghế, ngắm nhìn em, như ngắm nhìn những năm tháng mình đã đi qua. Phải nhìn vào đôi mắt em mê say trong Tango, mới có thể thấy hết em đã thay đổi như thế nào, và em vẫn mãi là em như thế nào.
Chú bé Gray dùng bút dạ xanh để xoá đi những vết máu đỏ của chúa Jesu bị câu rút. Còn tôi. Tôi dùng tình yêu dành cho em để xoá đi những vết thương gây nên bởi chính tình yêu ấy. Có thể nào lại tôi lại để mình chìm đắm trong nỗi buồn và tiếc nuối? Có lẽ nào em lại khiến tôi đau đớn mãi? Trong khi tôi yêu em nhiều như thế…
“Don’t look so sad. I know it’s over. But life goes on and this old world will keep on turning. Let’s just be glad we had some time to spend together. There’s no need to watch the bridges that we’re burning…” Elvis đã hát như thế đấy. Chúng ta đã lần lượt, thay phiên nhau đốt cháy những cây cầu dẫn đến với nhau. Trời ơi! Phải cháy bỏng đến mức nào thì chúng ta mới có thể đốt rụi được chúng?
Tôi đến đây để làm gì, khi tôi hoàn toàn xa lạ với nơi này. Stranger on the dance floor. Tôi là kẻ xa lạ đối với đám đông nhấp nháy này, tôi là khán giả của em. Cũng như em là khán giả ngồi dưới mà nhìn ngắm và vỗ tay tán thưởng khi tôi và các bạn buông rơi chính mình trên sân khấu với những guitar và mic. Em cố gắng dạy tôi khiêu vũ, và buồn phiền vì sự chậm tiến bộ của tôi. Cũng như cây guitar của em, em mua nó về để học, mà cuối cùng bây giờ nó đang dựng trong phòng tôi, trở thành cây đàn tôi yêu thích nhất. Chẳng ra một cái gì cả. Bởi vì chúng ta cứ cố tiến về phía nhau, cho nên mọi cây cầu đều bốc cháy.
Lại một điệu Valse nữa và tôi lại đưa mắt nhìn em. Bàn tay tôi lại nắm lấy bàn tay em, những bước chân lại đan vào nhau để quay và quay mãi. Tôi chợt mỉm cười vì một điều buồn cười. Sau một điệu Valse với em bao giờ bàn tay tôi cũng ướt đẫm. Tại tôi hay tại em nhỉ? Chẳng bao giờ tôi thấy điều đó khi nhảy với người khác, mà em cũng quả quyết một điều y hệt. Thật là quái quỷ. Tôi và em đã cách xa nhau đến mức, những giọt mồ hôi phải quyện vào nhau để bù đắp lại.
Stranger on the dance floor. Tại sao tôi phải đến nơi đây để làm gì. Bởi vì lâu rồi tôi không gặp em, cũng như em không gặp tôi. Bởi vì từ rất lâu rồi em đã quen với sự có mặt của tôi. Tôi đến để làm đối trọng với cả đám đông của em. Bởi vì một mình tôi cũng đủ khiến em vững vàng, một mình tôi cũng đủ khiến em nặng nề căng thẳng.
Em tưởng rằng sự thờ ơ của tôi là nỗi buồn ư? Không phải đâu em. Tôi đã dùng tình yêu dành cho em để xoá đi những vết thương gây nên bởi chính tình yêu ấy. Như chú bé Gray dùng bút dạ xanh để xoá đi những vết máu đỏ trên bức tranh chúa Jesu. Em không hiểu sao? Nếu như tôi phủ nhận những gì của tôi dành cho em, thì tôi làm sao có thể yêu được một người nào khác?

Cánh buồm đỏ thắm. The long and winding road.
Bác Daysleeper vừa nói đến những người điên và những kẻ lãng đãng. Tại sao bỗng dưng bác ta lại nói đến điều đó nhỉ?
Hà Nội có một kẻ điên, một kẻ lãng đãng. Có lẽ tất cả những ai hay ngồi ở các quán bia, các quán cóc bên vệ đường, thì đều biết hắn. Đó là một anh chàng có lẽ xấp xỉ 30 tuổi. Rất đẹp trai với mái tóc dài buông xuống ngang lưng, đen và mượt như tóc một cô gái. Mùa đông cũng như mùa hè, bao giờ hắn cũng chỉ mặc áo phông và quần sóc, đi giày thể thao. Trên vai hắn lúc nào cũng khoác một cái túi nhỏ. Nhìn hắn, người ta nghĩ rằng, đáng lẽ hắn nên thay cái túi ấy bằng một cây guitar thì hợp hơn. Trông hắn giống như một ca sĩ nhạc rock với những khúc solo bất tận.
Hắn bước đi như thế năm này sang năm khác. Đôi mắt không dừng lại ở đâu, không nhìn một ai, chỉ nhìn ra phía xa xăm nơi riêng mình hắn. Nhìn hắn, ta sẽ không hiểu nổi ai là kẻ điên. Hắn chăng? Hay là ta? Hắn bước những bước dài, tự tin và vững vàng. Hắn bước đi trên con đường của hắn, chỉ mình hắn biết và chỉ mình hắn vạch ra lộ trình. The long and winding road.
“The long and winding road. That leads to your door…” Lời hát của Beatles
That leads to your door? Không phải thế đâu em.
Đêm khuya, tôi bước đi trên con đường về nhà mình. Đêm khuya của một ngày tháng Tư trời đổi gió. Bên kia đường là sân vận động, nơi mà hai thằng bọn tôi, hai thằng bạn thân nhất của em, đã lớn lên. Tôi từng nằm dài dang rộng hai tay trên mặt sân, mùi đất và mùi cỏ thơm ngan ngát, ngắm nhìn bầu trời và những đám mây, ngạc nhiên sao mặt đất gần như thế mà bầu trời cũng gần như thế. Sân vận động bây giờ không còn được ra vào tự do như xưa. Cũng đã lâu lắm tôi không vào đó. Tự dưng lại muốn được nằm dài dang rộng hai tay trên mặt sân, lại muốn cảm thấy mùi đất và mùi cỏ thơm ngan ngát, để xem mặt đất và bầu trời có còn gần nhau như xưa hay không.
Một ngày nào đó tôi ngồi kể cho em nghe về một câu chuyện tình yêu nhỏ của tôi. Một câu chuyện tình yêu nho nhỏ, lãng mạn và buồn cười như một trò chơi, một câu chuyện ngắn ngủi và lãng đãng xen vào giữa câu chuyện lớn. Em lắng nghe và em nhận xét. Em nhận xét rằng tôi đừng có dại mà yêu theo kiểu ấy, đừng có dại mà yêu hết mình theo kiểu ấy, đừng có dại mà yêu say mê theo kiểu ấy. Tôi nghe, tôi công nhận và tôi chẳng hiểu gì cả. Lẽ nào người ta lại phải suy tính để chọn cho mình một phong cách yêu?. Ôi chao là sự suy tính!
Em đang suy tính những gì khi nhìn đám vệ tinh vần vũ đang quay quanh em? Em đang suy tính những gì khi nhìn con người mà em đang yêu và cũng đang làm em đau khổ? Chẳng thể suy tính được điều gì đâu em. Chúng ta lúc nào cũng thế, bốc cháy và bốc cháy.
Em đã suy tính những gì khi ngày trước em nhìn tôi, kẻ bạc bẽo và tàn nhẫn? Em đã suy tính những gì khi ngày trước em nhìn những đối thủ của em? Chẳng thể suy tính được điều gì đâu em. Chúng ta lúc nào cũng thế, bốc cháy và bốc cháy. Phải bốc cháy để còn cảm thấy được tình yêu. Phải bốc cháy để tìm ra hạnh phúc trong những nỗi đau. Phải bốc cháy để thiêu rụi những cây cầu này và dựng lên những cây cầu khác. Phải bốc cháy để lấy chính tình yêu chữa chạy cho những vết thương gây ra bởi tình yêu.
Mặt đất và bầu trời có còn gần nhau như xưa hay không? Sẽ chỉ gần nhau vào những ngày trời đổi gió, khi mùi đất và mùi cỏ ngát thơm hơn, khi những đám mây bị kéo xuống gần hơn.
The long and winding road. That leads me to my door

Tinyhuong- You may say I’m a dreamer !

Tinyhuong:

You may say I’m a dreamer !


Một ngày nào đó nếu chị không suy ngẫm về cuộc sống, có lẽ đối với chị, ngày đó sẽ là một ngày buồn.

Dường như không ai là không biết đến Tiny, không ai là không khâm phục Tiny. Nói gì về Tiny xem ra đều là thừa cả. Ngay cả việc lựa chọn bài của Tiny đưa vào tuyển đã là sự khó khăn. Xin cứ tạm lấy một bài tuỳ bút của Tiny.
(Tequila)


Thợ may và người gieo hạt...
Sáng thứ Ba, trong giờ Mass Comm, Giáo sư của tôi chiếu một phim tài liệu có nhan đề Cool Hunting. Phim này kể về việc giới media đi săn tìm những gì mà giới trẻ, nhất là tầm tuổi trung học và chớm Đại học, cho là cool rồi lăng xê nó lên các phương tiện thông tin để thu hút chính những em nhỏ này. Lấy một ví dụ rất nhỏ và thô thiển là việc săm các hình trên cơ thể chẳng hạn. Giới báo chí, truyền thông sẽ lăng xê hình ảnh các siêu sao tí hon, các người mẫu có săm hình hoặc đơn giản là cảnh những học sinh trung học có những hình săm toàn thân thật đẹp. Mục đích của họ là làm cho những khán giả nhỏ tuổi sau khi xem sẽ nói “it’s cool. Let’s do it”. Bằng cách đó bọn trẻ bắt chước, rồi tự phá vỡ các hình ảnh cool cũ để tạo ra hình ảnh cool hơn; giới media lại lăng xê những trào lưu mới này, rồi bọn trẻ lại bắt chước...vv...cái vòng luẩn quẩn cứ như thế...
Mở rộng ra, cả bạo lực, nổi loạn, dục vọng, các tham vọng, các quy tắc xã hội, các luật lệ, các chuẩn đánh giá con người, cả các định kiến và stereotype cũng đi kèm trong cái vòng luẩn quẩn đó. Và cả tình yêu thương, đức hạnh, sự dũng cảm, lòng tốt, tình yêu cuộc sống...cũng ở trong cái vòng đó luôn. Nói một cách ngắn gọn, nó là việc bán hình ảnh tương lai của bọn trẻ cho chính chúng. Nó cũng giống như là may áo sẵn cho bọn trẻ, bảo rằng “đẹp lắm, mặc đi” và đại đa số bọn trẻ sẽ chui đầu vào không ngần ngại. Cứ tầng tầng lớp lớp áo như thế - cái vòng quay xã hội hoá khiến một đứa trẻ thành một người lớn đã bắt đầu vô thức như thế. Đến một lúc nào đó, có quá nhiều áo mặc, đứa trẻ sẽ chật cứng và chẳng còn cử động nổi nữa...Nhưng đứng về một góc độ nào đó, cái quá trình xã hội hoá con ngừời này cũng giống như là gieo hạt...
Có bao giờ bạn nhìn vào một người nào đó và tưởng tượng xem khi còn nhỏ, rồi còn trẻ, người đó như thế nào? Có bao giờ bạn tự hỏi trước khi bị xã hội hoá đi, người đó vốn như thế nào? Có những người làm cho ta có cảm giác rằng họ sinh ra đã luôn luôn 40 hoặc 50 như thế rồi...không thể tưởng tượng được họ cũng đã có lúc nhỏ và trẻ.
Cool hunting và những khuôn mặt người có liên quan gì với nhau không? Tôi cho là có.
Nếu như chúng ta nghĩ về mỗi con người như là một công cụ, một mắt xích để phát tán thông tin, quan điểm, tình cảm trong cái mạng lưới giao tiếp khổng lồ của xã hội thì mỗi một người trong chúng ta rất có thể chọn một trong hai hoặc cả hai vai trò: thợ may và người gieo hạt.
Tôi có học một lý thuyết (lại lý thuyết!) là lý thuyết two-step flow. Một cách vắn tắt lý thuyết này nói rằng giao tiếp của con người đi qua hai bước. Bước thứ nhất là từ những người phát minh ra ý tưởng xuống đến những người được gọi là opinion leader, tức là những người có khả năng gây ảnh hưởng khi phát biếu ý kiến về một chuyện gì đó. Bước thứ hai là từ những opinion leader này xuống tới đông đảo quần chúng. Opinion leader có thể là các chuyên gia, có thể là bất cứ ai. Khi tôi hỏi một ai đó thông thạo máy tính về việc chọn mua một máy tính mới, người đó là opinion leader của tôi. Khi người ta hỏi tôi về du học ở Mỹ chẳng hạn, tôi sẽ là opinion leader của người đó. Như thế, đứng về lý thuyết, mỗi một người trong chúng ta, dù là khiếm khuyết ở mức độ nào, đều có tiềm tàng cái khả năng làm opinion leader về một mặt nào đó. Mỗi người chúng ta đều tiềm tàng và bắt buộc phải là thợ may hay người gieo hạt hay cả hai như trên. Vậy thì vấn đề còn lại chỉ là: bạn muốn làm thợ may và người gieo hạt như thế nào đây? Bạn muốn một vụ mùa tốt hay một vụ mùa xấu?
Bạn muốn nhìn một ngưòi và biết người ta đã có một tuổi thơ hay bạn muốn hoang mang không biết trước khi làm người lớn, người đó đã như thế nào?
Khi gặp một lòng tốt, mới thấy ấm áp làm sao...Khi phát tán lòng tốt, cuộc sống mới tốt đẹp làm sao...
Có thể chưa phải hôm nay hay ngày mai nhưng mà ít nhất there is hope for tomorow...

No fear- những ngày mưa

No fear
Đôi khi ta tìm đến một sự thảnh thơi
Đấu tranh và vật lộn. Che chắn và tấn công. Không sợ gì cả vì tất cả đều đáng sợ. Ngạo nghễ về chính mình và khinh bỉ cái con rối với những mảng màu nhoè nhoẹt mà mình trưng ra ở giữa đời… Đôi khi ta tìm đến một sự thảnh thơi.
(Tequila)


Những ngày cuối tháng 5... những ngày mưa...
Đem lại cho ta cảm giác cuộc sống là những chuỗi ngày dài vô vị. Hết nắng rồi lại mưa. Đó âu cũng là điều quá thường trong hàng ngàn vạn những lo toan vật lộn giữa dòng chảy nghiệt ngã của cuộc đời....
Một tối cuối tháng 5, xuôi theo dòng người hối hả chạy trốn cơn mưa bất thường, trong đầu bao toan tính cho ngày mai, bao lo lắng cho tương lai,cho sự nghiệp - tưởng chừng như chẳng bao giờ có được phút thảnh thơi...
Mưa... tạt vào ven đường, mua cái áo mưa mỏng, cuống cuồng mặc vào cho dù nó chỉ là một mảng ni-lon mỏng mang hình cái áo, mặc nó vào chỉ đem lại cái cảm giác đã chạy trốn được cơn mưa, nhưng thực ra chỉ cần cựa mình là nó đã bung ra từng mảng rách một cách thảm hại... Đi giữa trời mưa với một cái áo mưa như thế này, chợt nhận ra rằng mình vẫn trắng tay và bất lực trước cuộc sống, vẫn chẳng thể nào chạy thoát khỏi cơn mưa của cuộc đời... những lo toan lại càng đè nặng hơn...
Nhìn quanh... kẻ nào cũng cố thu nhỏ mình trốn cơn mưa trong những chiếc áo mưa đủ dạng: mỏng có, dày có, trong có, đục đục có, đen sì có... tựa như những con ốc sên hèn nhát rụt cổ vào cái vỏ bọc cố hữu của mình. Tự nhiên như thấy mình cũng không đứng ngoài số đó, hèn nhát và bon chen tự cuốn mình vào cái dòng chảy không ngưng nghỉ dù chỉ là một phút -- dòng chảy cuộc đời....
Một bài “Quốc ca” từ xa vang tới, càng ngày càng gần hơn... “trùng trùng quân đi như sóng...” ... cả dòng người như chững lại... Những bóng áo dài trắng của nữ sinh trung học... áo đồng phục mang phù hiệu riêng của một lớp 12 cuối cấp... những nụ cười... những tiếng hát vang ... tất cả đều thấm đẫm nước mưa. Vượt hẳn lên trên và như muốn bất chấp cả cơn mưa xối xả đang muốn đè dập mọi thứ xuống dưới nó. Những đôi mắt cười ướt nhoè nhoẹt nước mưa,
Những bàn tay nắm chặt lấy nhau bất chấp cả nước mưa trơn tuột ...
Ngày mai ... họ sẽ chia xa...
Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng... ... giật phắt cái mũ áo mưa vốn đã lùng bùng và rách nát...mọi vật chợt nhoè nhoẹt... quá khứ xa xưa hiện về... Bất giác mỉm cười... cuộc sống thật kỳ diệu....

Yasunari, ánh trăng, con cá và chiếc mũi xinh

Yasunari
Trong “thế giới của Sophi”, có một đoạn tôi rất nhớ. đại ý là: Khi thấy ông bố bay lên, người mẹ sẽ ngất xỉu trong khi đứa trẻ kêu lên ngạc nhiên xen lẫn thích thú về một điều mới mẻ: A, bố bay!

Nhiều khi Yasunari cố tình rứt bỏ những thực tại hiển nhiên được gây dựng trong suốt cuộc sống của ta kể từ khi ta bắt đầu nhận thức. Anh chối bỏ tất cả thực tế, những logic không thể phá vỡ để đến với khoảng không gian đặc sắc của riêng mình. Bài viết này anh viết bằng cái nick ForLuna.
(Raxun)



Mặt cúi gằm lấp lánh như bạc . Tôi khóc nhưng lòng ngạc nhiên vì một phát hiện mới.

Một lần, thuở bé tý, vào lúc tôi cảm thấy một chút xúc cảm trẻ con với một cô bạn lớp bên thì nhà tôi chuẩn bị chuyển ra Hà Nội. Tôi ra đồng , trong trăng sáng , lòng đầy những cảm giác lạ và hơi nhớ nhớ cô ta. Tôi cứ đi trên con đường trồng đầy thông xuyên qua đồng sang một huyện khác. trăng sáng cho đến khi chú tôi gọi tôi về. Tôi nhặt được xác một con cá chết, gói về, giấu chú tôi.

Đêm ấy , dưới trăng , tôi cắt một cái quan tài băng khoai tây cho chú cá. Tôi chôn chú trong chậu kiểng của ông và khấn chú phù hộ cho cô bạn không quên tôi.

Một lần, tôi khóc dưới trăng vì bố tôi phá cái bàn thờ tôi lập ra cho những con thú tôi yêu đã chết hoặc những con vật chết vì tôi. Không phải cái bàn thờ, mà cả một triều đình. Tôi tưởng tượng ra cả một triều đình, tôi nặn ngai vàng và bàn ghế, cho một chú bọ ngựa mới chết làm vua. Tôi thường xuyên thắp hương và thỉnh thoảng cúng lễ bằng nhũng cái kẹo bột và ruột bánh mì vo tròn lại. Thế rồi bố tôi, trong dịp nghỉ phép về nhà, phát hiện ra tôi đang lén lút thắp mẩu hương vòng lấy trộm. Bố tôi phá hết triều đình của tôi. Tôi đứng im nhìn, lặng lẽ khóc. Cái triều đình nhỏ của tôi chỉ tồn tại được 15 ngày.
Thế rồi vân vân . Hic hic , kể hết ra thì có mà chết cái tay tôi ạ !

Cuối cùng , tôi lập cái nick Forluna . Giống như For Elise ấy mà . Bởi vì Người Yêu Vĩnh Cửu của tôi không có tên, thôi tôi lấy tên trăng. Moon nghe lạnh và hơi trẻ con. Luna có vẻ nữ tính hơn. Người Yêu tôi đã nhập vào trăng.

Tặng Người Yêu mà tôi cho rằng rất đẹp, rất gần, rất xa:
À , tôi còn cho rằng nàng có một cái mũi rất xinh. Vâng , rất xinh chứ không phải rất đẹp.

Grass - Về nỗi cô đơn

Grass

Chị huyên náo và vui vẻ trong tiếng cười sau từng câu nói nhưng trầm lắng, chắc chắn và sâu sắc trong từng câu chữ của mình. (Raxun)
"Hạnh phúc làm con người mềm yếu và quên mất việc phải làm".
Rất nhiều người đã nói thế. Rất nhiều người đã được dạy cần cảnh giác với hạnh phúc. Nhưng những "việc phải làm" ấy là để làm gì nếu không phải để mang lại hạnh phúc? Và mục đích cuối cùng của mọi việc là gì nếu không phải là hạnh phúc?
Vì thế, có lẽ chẳng nên nuôi dưỡng trái tim như nuôi con mèo dùng vào việc bắt chuột: để mặc nó đói, nó sẽ phải tìm đường săn mồi. Con mèo đói đến lúc săn được mồi đã quá hao sức vào việc săn, đã quá đói, nên nuốt vội con chuột mà quên mất hưởng thụ thành quả. Và con chuột (hạnh phúc) chui tuột vào dạ dày mà chẳng để lại dư vị gì.Trái tim là một con mèo, đừng thử thách hay tấn công nó nhiều quá. Nó sẽ tự tìm được một khoảnh sân để duỗi dài sưởi nắng.
Trong cái sân nắng ấy, có lẽ cô đơn không phải là người bạn tốt. Cô đơn, tên của nó hàm chứa sợ hãi. Bởi, dù theo nghĩa nào đi chăng nữa, cô đơn có nghĩa là khoanh riêng một vùng đất cho mình, đặt tên cho nó là "tôi", rồi xây lên một thành trì bao bọc. Mà đã xây thành, có nghĩa là đứng trước nỗi sợ bị xâm lăng.
Cô đơn, tên của nó hàm chứa khổ đau. Bởi để giữ thành, thì phải chiến đấu. Nếu không giữ được, đó là khổ đau. Nếu như giữ được, thì một mình trong cái chiến thắng hoang tàn đó, chiến thắng trở nên 3 lần vô nghĩa.
Cô đơn, tên của nó hàm chứa mất mát. Khi đã xây lên một thành trì khoanh thế giới của mình lại, có nghĩa là đã đánh mất thế giới bên ngoài kia. Mặc dù vậy, cô đơn dường như là một trạng thái mặc định cho mọi người. Tuy nhiên, cũng như một đứa trẻ chỉ lớn nếu cai sữa để ăn cơm, một người trẻ, phải chối bỏ và thoát khỏi sự cô đơn để lớn lên.
Nhưng trước khi chối bỏ, người đó phải ý thức được nó. Ngày xưa có một câu chuyện về người cha trong ngày sinh nhật đứa con 3 tuổi. Đứa con khư khư giữ những quà tặng, không cho các bạn chơi cùng. Người cha quyết định dạy con mình biết chia sẻ bằng cách giật đồ chơi khỏi tay con đưa cho những đứa khác. Có một điều người cha đó quên: trước khi học chia sẻ, đứa bé phải học cách sở hữu. Người ta không thể cho đi cái gì người ta không có. Cũng vậy, người ta không thể thoát khỏi bức tường mà người ta không nhìn thấy.
Thời gian để tự ý thức đó có thể rất lâu. Để kiêu hãnh về thế-giới-riêng-tư không thể lặp lại của mình. Để thù địch với tất cả những gì không phải là nó. Để chiến đấu bảo vệ nó. Để thấy nó là chật hẹp và quyết tâm thoát khỏi.
Thoát khỏi không có nghĩa là đánh mất, không có nghĩa là để cho thế giới của mình bị xâm lăng bởi thế giới ngoại lai. Thoát khỏi có nghĩa là cho đi, là đem cái thế giới riêng tư ấy chia sẻ và hợp nhất với những thế giới khác thành một thế giới rộng lớn hơn. Thoát khỏi, có nghĩa là học cách sống với cái sinh vật ngang bằng mình, tồn tại với mình, cần cho mình mà không đòi hỏi phải sở hữu. Những giấc mơ, khi đó, không mất đi. Chúng chỉ ít viển vông hơn…

Nguyệt Ca: “Từ khi trăng là cuội”

Cô bé Nguyệt Ca (xin phép được gọi em là cô bé) đam mê nhạc Trịnh. Chơi với em cũng khá nhiều mà tôi nghĩ mãi chẳng biết phải giới thiệu thế nào đây. Thực tình thâm tâm tôi chỉ muốn nói vô thưởng vô phạt: "em nghe nhạc Trịnh thì kiểu của em nó là như thế". Xin cứ để bài viết của em giới thiệu cho em. (Raxun)

Bên đời hiu quạnh

I. Sông bắt nguồn từ biển khơi
Hòn đá nảy cội từ cát bụi
Mỗi vật thể trong vũ trụ bao la này rồi cũng có một chốn bắt nguồn, một cõi nương thân.
Tình yêu nhạc Trịnh của tôi bắt nguồn từ đâu , và bao giờ ?

Khi ấy, tôi mười tuổi. Ấy là cái tuổi bắt đầu biết nghĩ và biết lo. Ngày ấy, nhà tôi đã tách ra ở riêng, song vẫn rất gần nhà ông ngoại. Nơi chúng tôi ở là một thị trấn nhỏ ngoại thành Hà Nội, buồn và heo hút.Ngày ngày người ta ngôì đếm những chuyến tàu hoả chạy qua , những con tàu màu xanh, đen hụ còi ầm ĩ. Và cả những chuyến xe tải thưa thớt vụt qua, để lại những đám bụi đặc quánh màu ghi xám. Tôi, ngày ấy là một cô học sinh giỏi văn nhất lớp, hàng ngày vẫn khệ nệ ôm cái cặp sách nặng chịch đi bộ dọc con đưòng đầy bụi đến trường. Mỗi buổi chiều về, chúng tôi rủ nhau đi tắt qua cánh đồng trồng rau cải và hoa , vừa đi vừa tha thẩn la cà. Mùa, những vồng hoa cải vàng óng và dập dờn bướm bay đã đi vào giấc mơ ,chăm chút dần cho tâm hồn mơ mộng của tuổi bé thơ tôi.

Khác với chúng bạn, tôi không mấy khi về nhà mà thường rẽ vào nhà ông ngoại. Một ngôi nhà rất dài với một cửa hàng mặt đường để kinh doanh và buôn bán nhỏ. Càng đi sâu vào trong càng như lạc vào một thế giới khác. Một con đường lát gạch đỏ , hai bên là những chậu cây cảnh nhỏ thâm thấp, nhỏ xinh. Rồi đến một dãy nhà ba gian mái đỏ đã phủ rêu xanh vì mưa nắng thời gian, rồi đến một khu vườn rộng rãi,trông thẳng ra bờ đầm.Ông tôi sống ở dãy nhà ngang này, căn nhà lúc nào cũng lồng lộng gió và nắng. Mỗi lần đến chơi, dù những cuộc viếng thăm ấy là thường xuyên đi chăng nữa, tôi cũng thấy mỗi lần một khác.

Ông tôi bị liệt nửa người từ năm bố mẹ tôi cưới nhau, trong một tai nạn bất ngờ. Ông sống bằng nghị lực và tình yêu dành cho cuộc đời. Ông cũng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ, cũng đã đau thương vì chiến tranh, vì đất nước bị giày vò, song do căn bệnh dạ dày quái ác hành hạ, ông được đưa về nhà an dưỡng.
Ngày ấy, mỗi buổi chiều tan học, hai ông cháu tôi lại ngồi trò chuyện bên chiếc giường nhỏ của ông, vì ông chỉ có thể ngồi và nằm. Hôm nào trời mát mẻ, tôi đẩy xe lăn đưa ông ra sau vườn ngắm cây cỏ, đất trời.

Ông có một cái cassette rất cũ, song vẫn còn chạy tốt. Năm ấy , tôi mười tuổi. Tôi vẫn thường thấy ông nghe nhạc , những bài hát mang mang một chút buồn phát ra từ chiếc loa rè rè, nghèn nghẹt . Tôi đã say sưa với cái giọng mê mải, da diết như có ma lực của người hát ấy ( mà sau này tôi mới biết là ca sĩ Khánh Ly ) và cả những tình khúc mà tôi chưa kịp hiểu hết lời. Ngày ấy, tôi bắt đầu làm quen với Diễm Xưa, Hạ Trắng, Một Cõi Đi Về,...Ban đầu là giai điệu và giọng hát, từng ngày một thấm vào tâm hồn và những mảnh kí ức của tuổi thơ tôi, như những giọt mưa thấm vào lòng đất Mẹ. Bắt đầu là nỗi buồn vu vơ và diệu vợi.

Tôi còn nhớ có những hôm tôi đến, rõ ràng vẫn những tiếng hát liêu trai ấy, mà ông lại vội tắt đi. Tôi đã hỏi: Tại sao thế hở ông ?

Và chỉ nhận được những tiếng im lặng thở dài.

Cũng có lần ông bảo:
- Cháu chưa nên biết, và biết cũng chỉ thêm đau thôi cháu ạ.
Tôi không bằng lòng với câu trả lời đầy bí ẩn ấy, vì trẻ con có bao giờ thích mình bị coi là trẻ con ? Vì thế thay vì bước vào, tôi tôi núp dươí mái hiên nhà và lắng nghe:
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
....
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
hàng vạn tấm bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn

Và tôi bắt đầu có ý niệm về cái chết như là một định mệnh, song song với nó là ý niệm về chiến tranh, sự tàn khốc, máu lửa , đau thương và chết chóc. Rồi cũng từ đấy trong tôi hình thành những chồi búp đầu tiên của tình yêu thương đồng loại,cũng như tôi bắt đầu biết yêu cuộc đời này.

II.
Năm mười bốn tuổi, nhà tôi chuyển về gian trong cạnh gian ông ở, để chờ xây nhà mới. Ấy là vào hè. Đã thành thói quen, sáng nào tôi cũng nghe nhạc. Nhưng có vẻ như bị ảnh hưởng bởi chúng bạn , tôi chỉ nghe nhạc quốc tế. Những ca khúc tiếng Anh vui nhộn, giai điệu rún rẩy mà chỉ nghe một lần là quên. Những hôm tôi tìm đến với nhạc Trịnh cũng là tìm lại một khong kí ức tuổi thơ bị lãng quên, là những buổi sáng mùa hè mưa rào và oi nồng. Tôi thấy ông khác hẳn. Ánh mắt ông vui hơn mọi ngày. Lúc đầu tôi vô ý chẳng nhận ra. Hai nhà ở sát cạnh nhau, tôi bắt đầu mở nhạc to hơn, để ông nghe rõ hơn.

Ông vẫn giữ thói quen nghe nhạc bằng cái cassette già cỗi ấy. Rồi thì đến một ngày nó lăn ra đình công, như một người già thảnh thơi nằm xuống sau khi đã vắt kiệt sức mình cho cuộc sống này.

Ông thích nghe Khánh Ly hát, còn tôi lại thích Hồng Nhung hơn , vì chị ấy trẻ hơn và hợp với tôi hơn. Thời gian ấy tôi đã đánh mất nhiều thứ, những thói quen cố hữu cũng như những niềm vui thuở nhỏ, có lẽ bởi cuộc sống gấp gáp và xô bồ đã kéo tôi đi.

Những hôm nghe Khánh Ly hát, thực ra là từ chiếc đĩa hát duy nhất mở đi mở lại không biết bao nhiêu lần, chỉ để dành cho ông nghe " ké", tôi thấy ông vui lắm. Ông ngồi trên giường, trước mặt là một bình trà nóng, một cái đĩa đựng toàn hoa nhài thơm ngát ,mắt dõi nhìn xa xăm. Nào tôi đã hiểu được ông đang nghĩ gì?
Một lúc sau ông khe khẽ hát, hơi ông yếu và thấp, nghe buồn lắm :

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...

Lúc ấy tôi chỉ thấy buồn.

III. Tuổi thơ tôi lớn dần cùng với những kí ức về ông ngoại, người mà tôi vô cùng yêu thương, người đã dạy cho tôi những khái niệm đầu tiên về âm nhạc, bắt đầu bằng những bản nhạc Trịnh bàng bạc buồn. Nhạc tình đôi khi buồn quay quắt, nhạc phản chiến đau thương mà nặng chất nhân văn. Chính vì thế dù tôi không một ngày nhìn thấy chiến tranh nhưng cũng có thể cảm được một phần của những điều đau thương nhất, cũng như có thể tưởng tưởng được những bức tranh ngập ngụa một màu tàn khốc, sự tàn khốc của chiến tranh xâm lược...
Xác người nằm trôi sông , phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố , trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
Trên giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu.
Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây....
Lúc ấy cảm giác như mình cũng là một nhân chứng đang đi như mộng du giữa một rừng máu và xương trắng, “ bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây “.


Ngày ấy Hà Nội vào mùa mưa. Những cơn mưa tầm tã, xối trời xối đất, làm cả không gian sùm sụp một màu xám bạc. Lúc này nhà tôi đã chuyển đi, cách xa nhà ông ngoại hơn 10 cây số, và tôi đã 16 tuổi. Cái tuổi mà một cô bé con muốn làm người lớn, ríu rít bận rộn với những băn khoăn, lo lắng, những náo nức của tuổi trăng tròn. Vì thế những chuyến viếng thăm ông ngày càng thưa thớt, loãng nhạt, đôi khi chỉ là một vài phút thoáng qua, hỏi han sức khoẻ rồi lại vụt biến đi. Tôi vẫn yêu ông, nhưng tôi không nhận thức được rõ rệt tình yêu ấy, nó ẩn sâu trong tiềm thức rồi. Khoảng thời gian chừng nửa năm ấy tôi không còn những phút trầm tư ngồi nhìn trời mưa trắng xoá, nhìn chớp giật sáng loà và bó gối nghe những giai điệu Trịnh mênh mang. Tôi cũng chả nhớ tôi đã nghe cái gì, vì kí ức nhạt nhoà lắm. Một phần vì tôi không ở gần ông để có một ai vô ý đánh thức thói quen xưa cũ này....

Năm ấy tôi mười sáu tuổi. Mỗi ngày , mỗi tuần tôi lại nhận được tin tức về sức khỏe của ông từ bố mẹ và các dì. Tin xấu lắm. Sức khoẻ ông yếu dần, cộng với suy sụp về tâm lý, khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ. Dường như cuộc sống đã không buông tha cho ông, cũng như những đau đớn thể xác vì bệnh tật, dằn vặt vì cảm giác mình – kẻ vô dụng đang làm phiền con cháu ngày đêm đeo đuổi ông. Hai lần tự tử bằng thuốc ngủ, những ngày bỏ ăn.....Tôi bắt đầu chăm đến chơi với ông, hình như tôi có cảm giác mình cần phải níu kéo những giây phút cuối cùng. Tôi đẩy xe lăn đưa ông ra vườn, nói chuyện với ông, những câu chuyện vu vơ, đôi khi là chuyện âm nhạc, nhạc Trịnh, nhạc Văn Cao , nhạc tiền chiến, hay chuyện cây cỏ, lá hoa trong vườn.... Mỗi câu chuyện thường bắt đầu như thế này :
- Mấy hôm nữa cháu sẽ mua cho ông một cái băng Khánh Ly ông nhé ! ( vì băng của ông đã hỏng hết cả rồi )
- Mấy hôm nữa mình mua một cây ngọc lan trồng trong vườn nhà mình ông nhé ! Ông thấy Hồng Nhung hát bài “ Ngọc Lan “ của Dương Thiệu Tước thế nào ?
- Cây thiên lý nhà mình năm nay ra nhiều hoa ông nhỉ ? Cháu bảo bà nấu canh cua thiên lý cho ông ăn tối nay ông nhá!.... Ông có nghe Khánh Ly không , cháu bật cho.....
Những câu chuyện giản đơn thế thôi, những dự định nhỏ bé thế thôi, cũng làm cho ông sôi nổi hẳn lên, và niềm vui ấy dường như cũng lây lan sang cả tôi. Tôi và ông cứ sống trong cái thế giới riêng tư và nhỏ bé ấy, có cây cỏ, đất trời và nhạc Trịnh trong suốt cả tháng liền.

Đến tháng tư, Trịnh Công Sơn mất, ông tôi khe khẽ buồn. Ông nghe nhạc Trịnh ít dần, tôi cũng bận bịu với kì thi tốt nghiệp đầy cam go và vất vả. Những cuộc viếng thăm, chuyện trò cũng thưa hơn. Sức khoẻ của ông lúc mạnh lúc yếu, cứ thất thường linh tinh...

Thi tốt nghiệp xong, có kết quả, tôi xuống thăm ông để xả hơi. Ông vui lắm. Hôm ấy là đám giỗ cụ. Ông ngồi trên giường, cười vang khoe với họ hàng
“ Con bé Linh nhà tôi nó đỗ vào lớp chọn trường điểm của Hà Nội đấy các bà ạ...” và lắng nghe những tiếng xuýt xoa của họ hàng với ánh mắt long lanh niềm mãn nguyện.
Tôi dành cả một tháng hè để sửa sang lại đống băng cũ của ông, đem phơi phóng ra sân nắng cho khỏi mốc, rồi chỉnh chang, phân loại tủ sách đồ sộ của ông. Hai ông cháu tỉ mẩn ghi chép từng đầu sách, bọc bìa, dán gáy cẩn thận. Ông khuyên tôi nên đọc cái gì, đọc thế nào. Ông dần dần truyền thêm cho tôi tình yêu văn chương, cũng như ngày xưa ông đã nhen nhóm trong tôi tình yêu nhạc Trịnh. Tôi cảm thấy rõ rệt cái bóng cao cả yêu thương của ông bao trùm lên tâm hồn tôi, nhẹ nhàng như dòng suối làm mát tâm hồn tôi, bằng văn chương và những giai điệu Trịnh.
Tôi vào lớp 10. Công việc chuẩn bị không mấy vất vả nhưng cũng lấy của tôi một ít thời gian , cộng thêm với tuần quân sự đủ để mười ngày liền tôi không xuống thăm ông. Đến ngày thứ mười một thì tôi nhận được tin ông mất đột ngột, đúng vào ngày mười sáu trăng tròn, một ngày sau rằm Trung Thu.

Tôi lảo đảo bước đi trong căn phòng vắng bóng ông, mà vẫn như cảm thấy rõ mồn một bóng dáng ông đang ngồi đó, mắt lim dim thả hồn vào khoảng không thấm đẫm tiếng hát Khánh Ly, y như hồi tôi còn nhỏ.
Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời....
Tôi nghe thấp thoáng giai điệu ấy, giai điệu của “ Bên đời hiu quạnh “ ám ảnh tôi day dứt, nhạt nhoà lẫn trong tiếng kèn, phách não nuột của phường bát âm. Xunh quanh bà con chòm xóm đi ra đi vào nườm nượp, ai cũng thương ông sống tử tế, tốt bụng cả một đời....

Tôi thu mình trong góc phòng, nhắm mắt lại và cố gắng nói chuyện với ông, đúng hơn là với hơi thở ông còn vương vất quanh đây. Nghe những giọt nước mắt nóng hổi lăn lăn rát bỏng cả hai má. Cảm giác hối tiếc choán hết tâm trí mình, hối tiếc vì bao nhiêu dự định chưa làm được .“ Ông ơi, cháu chưa mua cho ông cái băng Khánh Ly như đã hứa. Cháu còn chưa đọc hết cuốn “ Đất vỡ hoang “ mà ông bảo hay lắm. Bây giờ thì muộn rồi, cháu còn biết mua băng cho ai nghe nữa hở ông ? .... “ .Nhìn ra ngoài trời kia, một ngôi sao vụt sáng rồi vụt tắt. Mùi hoa thiên lý mát ngọt trên giàn còn ướt đẫm sương, mùi hoa bạch ngọc trong ngần, và ai đó đang mở nhạc Trịnh Công Sơn, những thứ ngày xưa ông rất thích, nhưng ông thì đã xa xôi lắm rồi. Tôi cũng biết rằng tôi đã mất một điều vô cùng quí giá, mất mát lớn lao nhất trong khoảng đời bé bỏng thuở ấu thơ.

Trịnh Công Sơn mất vào tháng tư, ông tôi ra đi tháng chín. Năm ấy tôi mười sáu tuổi...


Raxun- Ngớ ngẩn

Raxun:

Bây giờ thì tôi phải giới thiệu cho mình, chẳng biết viết thế nào cả. À, có lẽ, giản tiện hơn thì một bài tuỳ bút của tôi cũng dùng được. Nó sẽ giới thiệu tôi thay tôi, giới thiệu luôn cả Pittypat thay tôi nữa. Thôi đành thế vậy. (Raxun)


Ngớ ngẩn
Có một lần bạn tôi gọi tôi là ngớ ngẩn. Ừ, ngớ ngẩn, ngớ ngẩn thật, tôi là Ngớ Ngẩn.
Có một cậu ngớ ngẩn
Suốt cả ngày lẩn thẩn
Cắn bút ngồi tỉ mẩn
Trông cậu rất là bẩn
Giả vờ thơ với thẩn
Viết rất là vớ vẩn
Nên gọi là Ngớ Ngẩn(Tôi học tập Mít Đặc đâu có tồi nhỉ)


Tặng Pittypat
Trong một đêm ngớ ngẩn cách đây khoảng 1 năm, Ngớ Ngẩn gặp cô. (hồi đấy tôi là Dire_Straits còn cô là Sensibility). Đó là một đêm mà theo như Doxtoiepxki thì là một đêm đẹp trời mà chr có thể cảm nhận được nếu như còn trẻ. Hoặc có thể, bác Eigoist nhà ta sẽ bảo là cái đêm kiểu đấy chỉ những kẻ mất ngủ mới hiểu. Còn tôi, tôi thì sẵn sàng xé một tờ giấy học sinh và viết "cộng hoà xã hội Việt Nam..." về việc đấy chính là một đêm ngớ ngẩn mà chỉ những ai còn có thể ngớ ngẩn mới cảm nhận được. Đêm ngớ ngẩn ấy nó như thế nào tôi cóc nhớ nữa rồi, nhưng hình như là nó ngớ ngẩn theo cái kiểu mà bạn bất giác cảm thấy mõm mình vêu ra một lời ca thán:"Ngớ ngẩn thật!". Tất nhiên, đấy cũng là một câu ngớ ngẩn, quá là ngớ ngẩn.
Ngớ ngẩn thêm một chút, sensibility thì dài, ngại viết nên có khi tôi cứ gọi ả là Cảm đi, nhờ? Cảm gặp tôi đêm đó. Tôi dụ cho cảm trình bày. Rất ngây thơ, Cảm sập bẫy ngon lành và thao thao bất tuyệt về cái vụ Cuốc theo ngược gió sở trường đến sáng, đến độ thành ra tôi cũng cảm luôn, tôi bị cảm. Nghĩa là tôi lò dò đi ngủ lúc gần sáng và lúc mặt trời 12h trưa chiếu vào mặt cứ tưởng là nắng ban mai. Mấy đêm sau cũng ngớ ngẩn tương tự, Ngớ Ngẩn và Cảm thành bạn.
Ngớ Ngẩn và Cảm chơi thân nhau. Ngớ ngẩn thật, cảm luôn mồm bảo tôi đã cho cảm nhiều. Thế mà tôi thì lại thấy tôi nhận được nhiều hơn gấp mấy. Ừ, kiểu nó phải thế, nói nhiều đau diều. Nói chung thì Ngớ Ngẩn chẳng bao giờ làm những gì không có lợi.
Hôm nay cảm bảo: "N này, tôi biết mấy hôm nay ông buồn. Giả sử tôi là ông, tôi cũng buồn. Nhưng giả sử tôi là ông, nghĩa là khi tôi buồn ấy, thể nào ông chả nghĩ ra cách làm cho tôi cười. Thế mà bây giờ ông không nghĩ cách làm cho mình cười được sao, N?". Ừ nhỉ, tại sao tôi phải buồn, cứ ngớ ngẩn lên đi chứ. Hình như đã có lần chán nản và bế tắc, thấy cô Cảm cũng thế, Ngớ Ngẩn gác cái mình đang có trong người đi để mà ngớ ngẩn, rồi thì cả hai cùng ngớ ngẩn. Ừ, tại sao tôi phải buồn, vị trí của tôi là ngớ ngẩn.
Ừ, nếu ngay mai Cảm buồn (đừng có mà như thế), mà Ngớ Ngẩn thì không còn ngớ ngẩn thì Ngớ Ngẩn cóc phải là ngớ ngẩn. Như thế quá thiệt, mà Ngớ Ngẩn thì không bao giờ chịu thiệt. Ngớ Ngẩn hay cười những lúc Cảm ngớ ngẩn, và Cảm chắc cũng hay cười những lúc Ngớ Ngẩn cảm.
Thôi, ngày mai Cảm thi rồi, còn Ngớ Ngẩn cũng đã trở về ngớ ngẩn. Thi tốt đi.

Truyện cổ tích

Những ngày thơ bé đi qua lâu rồi, giờ đây ngồi ngắm lại những ánh sao êm ái trong khoảng trời nhỉ đêm khuya mà nhớ lại những câu truyện cổ tích. Ba que diêm đưa một cô bé từ những cực khổ đến hạnh phúc ngọt ngào, cô trở về bên bà ngoại. Chàng lính chì rơi vào trong lò lửa để kết thành trái tim bất tử. Nàng công chúa ngồi đan áo đợi chờ bầy thiên nga. Tuổi ấu thơ trôi qua như thế, trong những tưởng tượng mơ màng, bay bổng về một thế giới diệu kỳ. Để ngày mai, chúng lớn lên và viết tiếp những câu truyện cổ tích về cuộc sống.

Cổ tích là cổ tích và cổ tích là tình yêu. Những người sống quanh ta, những chàng trai và cô gái, họ đều là những hoàng tử, những công chúa, những dũng sĩ và cả những thiên thần. Ngày bé, họ đã từng mơ mình là chàng hoàng tử vượt bao hiểm nguy, những công chúa vô cùng xinh đẹp. Trong những câu truyện ấy, hoàng tử và công chúa bao giờ cũng yêu nhau thắm thiết. Giờ đây, họ đi tìm riêng cho mình một nàng công chúa, một hoàng tử để yêu thương. Những tưởng tượng bay bổng về những thế giới diệu kỳ của tuổi thơ đã nuôi dưỡng tâm hồn họ, bây giờ đem đến cho họ tình yêu, hạnh phúc và niềm tin. Có một chàng hoàng tử vừa phóng xe máy lướt qua bạn. Chắc hẳn chàng đã từng thất bại trước một con quỉ nào đó (vì nhiều khi, công chúa lại đi yêu con quỉ :) ). Nhưng ngày mai, cùng lắm là ngày kia, chàng trai lại dấn thân vào một thử thách mới, lại đi cứu một nàng công chúa xinh đẹp khác. Bởi vì, chàng không bao giờ đánh mất niềm tin vào những điều kỳ diệu, dù mong manh như thế nào chăng nữa. Cổ tích đem cho chúng ta những điều kỳ diệu, tình yêu cũng thế.

Cổ tích là cổ tích và cổ tích là cuộc sống đời thường. Có biết bao những câu truyện buồn, rất buồn, như là nàng tiên cá vì yêu người mà hoá thành bọt biển , em bé bán diêm chết bên hè phố, như là "nàng chúa tuyết" và chú lính chì dũng cảm... Và xung quanh ta, ngay trong chính chúng ta, bao buồn vui đã đến và ra đi. Ngay bây giờ đây, chắc hẳn một người bạn, người quen của chúng ta đang buồn và đau khổ. Nhưng họ chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, như những câu truyện cổ dù buồn vẫn đem đến những ước mơ. Chúng ta có niềm tin và ước mơ, có tình yêu với con người, với cuộc sống và chúng ta có những người bạn, người thân quan tâm và sẵn sàng chia sẻ. Vì như nàng tiên cá, nàng đã có tình yêu. Cô bé bán diêm chết trong tưởng tượng về hạnh phúc đơn sơ của mình, hạnh phúc có bà ngoại. Chú lính chì trong đám lửa với tình yêu bất diệt. Và như cả tôi và bạn, chúng ta có tình yêu mà mọi người dành cho ta. Cho dù thế nào, cuộc sống vẫn đẹp như những câu truyện cổ.

Và cuối cùng, cổ tích là gì. Cổ tích là những câu truyện thần tiên, những gì chỉ có trong tưởng tượng và cũng là tất cả những gì đã đi qua trong cuộc đời, những nơi ta đi qua, những nơi ta sẽ đến, những gì chúng ta đã mất, những gì chúng ta sẽ có, những điều chúng ta nói cho nhau nghe, những tình cảm mà chúng ta đã đem cho và nhận. Tất cả, tất cả làm nên những câu truyện cổ tích của mỗi chúng ta, đem cho chúng ta nỗi buồn, hạnh phúc, tình yêu, niềm tin và những điều kỳ diệu.

Pittypat- Giỗ ông


Dì Sen đến từ rất sớm. Mấy năm trước, cứ đến ngày giỗ ông là dì lại lóc cóc đạp xe đến giúp bà làm cỗ. Mấy năm nay, bà đau, mẹ đảm trách mọi việc. Mẹ là người phụ nữ hiện đại, nghĩa là ngày làm việc 8h, về đến nhà thì mệt phờ râu, nên cũng chẳng có nhiều thời gian để chăm lo việc cỗ bàn như bà và dì xưa. Năm nay giỗ ông ngoại, đồ cúng phần nhiều là mua sẵn, vì vậy, mẹ, dì và bố chỉ phải nấu một chút. Một chút không có nghĩa là chẳng có gì mấy bởi mẹ luôn tâm niệm: nấu cỗ cũng là cách để thể hiện cái tình của mình.
Hồi học lớp 7, cô giáo dạy nữ công rất hay kể chuyện cũ. Cô kể rằng ở nhà cô có một thông lệ: khi đến tuổi trưởng thành, mỗi người trogn gia đình, con trai hay con gái, đều phải tự chuẩn bị từ A -> Z một bữa cỗ. Và chỉ khi nào mẹ cô chịu công nhận bữa ăn đó đạt yêu cầu thì đứa con ấy mới được coi là trưởng thành thực sự. Ngẫm ra thấy buồn cười, vì nếu thế chắc mẹ mình là một người-trưởng-thành-muộn. Công việc choán hết tuổi trẻ của mẹ, đến mức về đến nhà mẹ chỉ còn có thể "đóng vai" một tay "lính quèn" làm những việc vặt bà sai. Để đến khi bà đau thật sự, mẹ mới bắt đầu học cách chu toàn mọi việc. Bây giờ gánh nặng công việc và gánh nặng gia đình đè cả lên đôi vai mẹ, khiến bờ vai ấy ngày một chai thêm... Đôi lúc mình thấy thật xấu hổ vì lớn đùng rồi mà chẳng giúp được gì cho mẹ cả. Mẹ thì cứ ngày một héo hon như thế... mà mình thì chỉ có mỗi việc học vẫn không xong!
Mọi chức danh người ta tung hô cho người phụ nữ như: "giỏi việc nước, đảm việc nhà" thật là phù phiếm. Phụ nữ và đàn ông đều là con người, sức lực thì rõ ràng phụ nữ bao giờ chẳng yếu ớt hơn, vậy mà những gì những người phụ nữ phải làm, phải chịu đựng, đè nén tình cảm lại thường nặng nề hơn người đàn ông rất nhiều. Mẹ mệt nhọc không kém gì bố trong công việc ngoài xã hội, vậy mà mỗi lần về đến nhà, ngoài việc lo lắng chăm sóc gia đình, mẹ không bao giờ quên mỉm cười hạnh phúc mỗi khi đón bố trở về nhà. Với mẹ, hạnh phúc gia đình và gìn giữ hạnh phúc ấy là lẽ sống của cả cuộc đời...
Mình tự hào vì hôm nay, bố là một người rất yêu và hiểu mẹ. Giỗ ông, bố cùng mẹ đi chợ từ sớm và cùng vào bếp nấu ăn. Đó là việc mà trước đây chẳng bao giờ có cả. Tình yêu của mẹ sưởi ấm cho căn nhà nhỏ của mình, làm tan đi lớp băng lạnh lùng của tính gia trưởng trong bố. Mẹ làm cho "nhà" luôn là từ mà mình luôn nghĩ tới đầu tiên mỗi khi đau khổ hay vấp ngã trên con đường của cuộc sống... "Mama, I'm coming home!"...
Hôm nay dì Hà cũng tới. Dì lặn lội từ trong Nam ra chỉ để thăm bà và dự ngày giỗ ông ngoại. Mình cũng chẳng biết gì nhiều về dì lắm, mà lần đầu tiên mình có khái niệm về dì cũng chỉ cách đây có khoảng 4, 5 năm. Hồi đó dì ra Hà Nội chơi. Chuyến đi của dì cũng hết sức đặc biệt bởi dì ghé qua nhà mình ngay sau khi bị cướp giật trên đường. Chúng nó chặn dì đúng lúc dì định lên xích lô, giật xắc tay và dây chuyền, lại còn đánh dì nữa. Thế mà thật ngạc nhiên bởi khi đến nhà mình, dì chẳng có vẻ gì sợ hãi cả, hoảng loạn cả. Dì cứ bảo: "Của đi thay người". Cái câu nói tưởng chừng mê tín nhảm nhí ấy dường như chính là nguồn sức mạnh cho dì vượt qua được nỗi kinh hoàng đêm đó. Gặp dì, điều cứ ám ảnh mình mãi là thái độ yêu đời thầm kín, niềm lạc quan, tin tưởng vào sự công bằng của cuộc đời, tất cả đều dựa trên một cơ sở hết sức chênh vênh là những điều mê tín người ta vẫn đang hô hào xoá bỏ. Mình tự hỏi, giả sử, nếu dì không còn tin vào những điều dị đoan kia thì liệu có cái gì có thể giúp đỡ cho một người đàn bà nhỏ bé, yếu ớt dường ấy đứng vững trong cuộc đời đầy sóng gió?
Hiền lành, chất phác, đen đủi, nhỏ bé và khôgn đẹp, đó là dì Sen. Bà thường hay chê bai dì ngốc. Chẳng biết dì có "ngốc" như lời bà nói không chứ cả ba chị nhà dì đều học rất giỏi, trưởng thành và bây giờ đều có những gia đình hết sức hạnh phúc. Dì vẫn thường hay cười, một nụ cười thuần chất nông thôn, dịu dàng mà cũng ngây thơ lắm. Dì thường hay bảo mình phải cố mà học cho giỏi để cuộc đời đỡ khổ. Của cải dù nhiều, tiêu mãi cũng phải hết. Cha mẹ chỉ cho con kiến thức, cho con đôi cánh, bộ lông để con tự mình bay vào khoảng không gian bát ngát, tự mình tìm thức ăn và nơi trú ẩn. Dì đâu có "ngốc", bà ơi! Cho dù cuộc đời có cướp đi của dì tình yêu của người chồng thì dì vẫn còn có cái để mà tự hào. Đó là niềm tin, là công sức, là những hạt giống dì gieo trồng nay đã ra hoa, kết trái.
Giỗ ông, mọi người đến và đều quây quần trong bếp. Gian bếp nhỏ chật chội trở thành trung tâm hạnh phúc của cả nhà. Mọi người cười nói, bàn những câu chuyện xảy ra với những người thân trong họ dạo gần đây, vừa bàn tán, vừa chỉ bảo nhau cách nấu ăn. Một số họ hàng nữa cũng đên. Mình chẳng biết một số người trong họ, có lẽ họ ở dưới quê lên. Chợt nghĩ, chẳng biết sau này khi mình lớn, bữa cỗ giỗ ông sẽ ra sao? Mình giống như một con gà công nghiệp sống trong thành phố, chẳng biết thế nào là rơm rạ làng. Sợi dây liên hệ với họ hàng mong manh quá. Rất nhiều người mình chưa biết và cũng sẽ có rất nhiều người mình không bao giờ bíêt. Những người họ hàng cũng như những con chim trên trời, cũng di cư đi khắp mọi miền của Tổ quốc để tránh những đợt bão rét... Liệu sẽ có ngày, đi ngoài đường, gặp một người trong họ mà tưởng như gặp người xa lạ? À, mà cũng chẳng cần phải ngày nào xa, bây giờ có lẽ đã vậy rồi. Thử hỏi bạn bè mình, đứa nào cũng thế. Hình như cuộc sống tất bật khiến cho con người ta chỉ giữ được một mối liên hệ duy nhất với nguồn gốc của mình là gia đình. Nhưng rồi, như lời một đứa bạn mình tiên đoán, nếu như gia đình sau này không còn được coi trọng, không còn ấm cúng với cảnh nhiều thế hệ sống chung một mái nhà như bây giờ, mà phát triển theo xu hướng "Tây hoá", cha đường cha (già rồi vào viện dưỡng lão), con đường con... thì sẽ ra sao? Sẽ có còn những ngày giỗ như thế này không?
Chẳng biết nữa......

Tản mạn về Hà Nội

Mỗi vùng đất có những con người, những con người ấy yêu mảnh đất mình đang sống. Họ nhớ, hoặc rồi sẽ nhớ từng gương mặt chợt qua, từng nẻo đường, từng bước chân đưa bụi nhẹ bay qua phố. Mỗi người một chút, mảnh đất sẽ hiện hình. Và có thể, mỗi người đem ra một chút rồi sẽ nhận được nhiều hơn, sẽ càng yêu mến mảnh đất của mình hơn, thiết tha yêu hơn trước.

Box văn học có nhiều người Hà Nội, có lẽ vì thế nên tuỳ bút về Hà Nội là một phần không thể thiếu được ở đây. Xin nhường lại lời mở đầu cho một bài thơ của chị Quang... (Raxun) *



Quang
Tháng ba , Hà Nội - Hoa và Đất


Em đang đi trên đường Hà Nội
Giữa tháng ba bừng giấc ngủ im lìm
Con tim nhỏ rì rào truyền tìm trăm ngả
Về đây anh - lòng người yêu đất nở hoa
Đất như thơ chiu chắt tự bao giờ
Mặt trời đến là long lanh toả sáng
Em hiểu đất như hồn anh trải rộng
Nặng ân tình Hà Nội đã thầm gieo
Hoa Sưa đang thắp đầy lối em đi
Như lụa trắng dâng trời xanh mải miết
Con phố bỗng căng niềm da diết
Thời gian nghẹn ngào trong lá biếc xôn xao
Anh có biết ,
Tháng ba những cây bàng đơn côi
Rễ vẫn hút cái ngọt ngào của đất
Lá lất phất bay
Như những bàn tay
Vẫy vẫy ...
Về đây anh ,
Hà Nội chiều nay
Gặp cô hàng quảy gánh
Hoa hồng tươi như gương mặt cuộc đời
Giấu những dòng nhựa mạnh
Vuợt thời gian đem đến phố xa
Từ Nghi Tàm, Quảng Bá
Hương mộc mạc thanh tao ...
Hoa Hà Nội gìn giữ lòng Hà Nội
Cho những phần Hà Nội ở nơi xa .
3.3.2002


Và tiếp theo là bài tùy bút của Paladin :

Hoa Hà Nội gìn giữ lòng Hà Nội
Cho những phần Hà Nội ở nơi xa

Hoa Hà Nội? Có loài hoa nào của riêng HN, không có! Cái gì gìn giữ lòng HN, không biết! Vậy mà "những phần HN ở nơi xa" vẫn nhớ về hoa như một phần của HN, hay là của chính mình.
Bắt đầu từ những hàng hoa trên những chiếc xe thồ len lỏi vào mọi ngóc ngách của Hà Nội. Mẹ mua ở đây mỗi dịp ngày rằm, hoặc cả vào những ngày thường "mát giời". Hoa cắm trên bàn thờ thường là hoa hồng với đầy đủ lá, cành và lộc. Hoa hồng này hơi khác vì nó chẳng phải là loại hồng Pháp hay Ý không có gai, bụ bẫm tròn trịa; nhìn nhỏ bé, giản dị như người nông dân nhưng gai sắc, đỏ tươi và toả hương thơm. Hoa hồng này hình như cũng tươi lâu hơn, nở bùng lên một lần rồi rụng lá chứ không như hoa hồng ngoại nhìn ngoài vẫn đẹp mà bên trong đã héo từ bao giờ.
Hoa đặt trên bàn phòng khách thường là những bông dơn trắng cắm vào lọ to, cao cổ. Ghét hoa dơn vì mỗi lần khổ sở khi bị mẹ sai đi thay nước. Thỉnh thoảng 1 năm 1 lần vào dịp tết cây Ngọc Trâm lại có dịp làm sáng một góc nhà, hoa nở nhiều, thành từng chùm, thơm, trắng muốt mà lại tươi lâu. Bố mẹ tự hào về cây Ngọc Trâm này có khi còn hơn cả 2 đứa con "chăm ngoan, học giỏi". Thích nhất là những chậu hoa đủ các loại cúc, thược dược, ... và nhiều loại chả biết tên, em gái cắm rất khéo rồi đặt ở mọi góc nhỏ xinh xắn trong nhà, từ bàn học, cửa sổ đến nóc tủ lạnh. Chúng như những món quà nhỏ bé nhưng đủ sức lấp được mọi lỗ trống trong nhà.
Một buổi sáng dậy sớm tiễn bạn ra ga, lang thang ngược dòng những chiếc xe thồ chở hoa, chở rau, người lạc ra những chợ hoa, chợ rau ngoại ô HN. Chợ rau lớn nhất có lẽ ở cuối đường Láng phía Cầu Giấy, đi qua đây không ai lại không tranh thủ hít thở thật nhiều mùi thơm rau cỏ qua cái không khí tươi mát, lành lạnh còn ướt đẫm sương sớm này. Chợ hoa thì họp ngay phía bên ngoài đê ở dốc đi xuống Quảng Bá. Chợ họp rất sớm, từ 3 giờ sáng. Đến đó lúc 4h30 - 5h trời vẫn tối mù, đèn đường vẫn bật. Hoa hồng 100 bông đến 200 bông đặt thành từng bó, xen kẽ là những gánh hoa cúc, violet và đủ các loại hoa khác mà người xem chẳng đủ sành hoa để có thể nhớ hết mặt, hết tên. Hoa chợt chẳng phải là hoa nữa trong ánh đèn vàng, trong bước chân vội vàng, vô ý của người đi lại, trong tiếng mặc cả và gọi nhau ý ới của người bán kẻ mua.
Ra khỏi chợ, chia nhau hoa rồi phóng xe mải miết trên đường "đi về" thành phố. Chợt thấy trời sáng từ lúc nào, những bông hoa trên tay, trên giỏ xe như vừa thức giấc, mỗi loại hoa một vẻ, đua nhau vươn vai tập thể dục rồi cười thật tươi với người đi đường, với đường phố, hàng cây và với cả ánh nắng ấm áp buổi sớm. Bất giác ánh mắt ai nhìn nhau - trong trẻo, mát mẻ vô cùng.
Một lần gần Tết, mấy đứa đến thăm nhà bạn ở ngoại ô HN, phía bên kia đường cao tốc. Lạc đường, phóng xe tít mù theo một con đường đất đến khi chợt nhận ra mình ở giữa những cánh đồng hoa. Chẳng ai bảo ai, cả bọn dừng xe, nhìn quanh rồi ai cũng nhoẻn miệng cười. Đẹp nhất là những cánh đồng cúc vàng rực, nhìn xuống ai cũng thèm lăn một vòng giữa luống hoa mượt mà, lấp lánh đó. Hoa hồng ở ruộng vẫn được bọc lớp giấy báo xung quanh, ai đó bảo rằng trông như những nàng công chúa Ba Tư giấu mặt sau miếng vải che mặt nhưng mình chỉ thấy những viên kẹo kéo xám xịt gắn trên đầu những cái que dài ngoằng. Ngắm chán chê rồi sinh tà tâm, nhảy xuống vặt trộm một que kẹo kéo rồi tặng ai, ánh mắt người ta nhìn thật lạ. Phóng xe chầm chậm tới chân đê, chợt thấy mấy bông hoa tím mọc ven đường, "Hoa gì vậy, đố biết!", người sau xe nói mà như cười ... nhẹ như gió "Hoa rau muống" ...
Hoa Hà Nội gìn giữ lòng Hà Nội
Cho những phần Hà Nội ở nơi xa


Assol

Hà Nội! Thôi không khóc nữa, nó ịn mũi vào ô cửa sổ máy bay, nhìn Hà nội của nó đang xa dần, nhỏ dần, mờ mờ khuất trong đám mây bềnh bồng
Hà Nội! Co mình ngủ trong ngôi nhà lạ, nó nghĩ mai dậy sẽ lại đang ở Hà Nội thôi, mình cũng hay mơ linh tinh lắm. Mà đây thì cũng chỉ là 1 giấc mơ .
Hà Nội! Tiếng còi xe ồn ào cùng những tiếng rao lạ tai đánh thức nó dậy. Mở cửa phòng bước ra đã thấy bố mẹ kê kê dọn dọn đống đồ đạc. Không phải mơ, nó cấu thật đau vào tay, rồi quay đi tìm chiếc bàn chải đánh răng trong túi ba lô.
Hà Nội! Nó không thể ăn hết bát phở. Ngọt quá! Nhìn dòng người ngoài đường mê mải đi, nó bần thần, chẳng biết ở ngoài đó chị nó và bà ngoại đang làm gì nhỉ. Nó ghen tị vì chị nó vẫn đang được ở Hà Nội, mà chắc hẳn là đang đi chơi đấy!
Hà Nội! Bạn bè nó gọi điện vào liên tục. Tao bình thường. Nhà á, to, to hơn ngoài kia nhiều. Ừ nóng lắm nhưng không oi oi như ở mình. Thôi nhé tốn tiền, viết thư nhé!
Hà Nội! Đứa Bí thư kéo nó lên trên bục, giới thiệu nhân mới của lớp. Ngượng đỏ cả mặt vì nó không biết sẽ có màn này. Chẳng biết có bị gọi là Bắc kỳ ăn cá rô phi nữa không
Hà Nội! Đứng trên cửa sổ lớp, nó thầm so sánh ngôi trường này với trường của nó. Ừ to hơn, nhiều cây, ở đây lại có cả ghế đá như công viên, buồn cười nhỉ, mà nghe con bạn ngồi cùng bàn nói trường còn có bể bơi riêng.
Nó nhớ trường, nhớ bạn bè, nhớ lớp nó!
Hà Nội! Ngày đến chào cô, cô nói: Không phải ai cũng có những thay đổi lớn như em. Cố thích nghi và vượt qua. Nhớ giữ liên lạc với cô.
Cô dạy Văn nó hồi lớp 6 và 7. Khá cưng nó nhưng cũng như với bao thầy cô khác, nó luôn thấy kính sợ cô chứ không vì cưng mà nó dám mè nheo ỉ eo với cô. Cô đem đến cho nó niềm thích thú văn học thực sự qua những bài giảng. Nó sẽ nhớ mãi về chú dế mèn của 2 cô trò. Chú dế đi vào trí tưởng tượng của nó, còn nó thì nhờ thế mà được đi vào 1 quyển sách. Bố nói, con nhớ giữ quyển sách cẩn thận. Nó là một niềm tự hào, tuy nhỏ bé nhưng sẽ giúp con rất nhiều trong cuộc sống.
Hà Nội! Lại phải mặc áo dài, nó làu bàu. Trường của nó ở ngoài kia chỉ phải mặc áo dài đầu tuần thôi. Nhưng nhìn cổng trường và trên đường về nhà, tràn ngập những tà áo trắng bay bay, nó lại muốn trường nó cũng bắt mặc áo dài hàng ngày. Mùa đông cũng phải mặc, cho bọn nó chết rét, nó khoái chí nghĩ.
Hà Nội! Giọng đọc của cô chủ nhiệm :
'... Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng là rơi đầy ...'
Nó chớp mắt. Phố Quán Sứ và những cây sấu. Cây bàng trước ngõ nhà nó. Cốm ...
Miên man nghĩ nó chợt nghe thấy tên nó. , cô đang hỏi gì đó về cốm. Nó đứng lên: Thưa cô, cốm có màu ....
Cảm giác hẫng hụt khi biết mình đang ở thực tại giống như khi chiếc Boeing hạ cánh xuống đường băng.
Không khóc!

sushi-in-blue

Em à, đi với anh không?


Bảy giờ hả anh, vẫn còn sớm lắm, để em đưa anh qua khu phố cổ nhà em anh nhé. Yên tâm đi, nhà em ở đây hai mươi mấy năm trời không đứa nào bắt nạt được anh đâu. Mình đi qua mấy dẫy phố Tàu nhà cửa lúp xúp, kệ mấy hàng bánh bao màn thầu sữa đậu nành đi anh, giời này ăn bánh bao nóng ruột chết thôi. Đầu phố Tạ Hiện có hàng bún dọc mùng ngon lắm, có điều mình vào trong nhà ngồi xoay lưng lại cho kín đáo, phố này tụ tập toàn chatters Hanoi nhỡ chúng nó nhìn thấy rồi ngày mai khắp hang cùng ngõ hẻm Vietchat lại loạn lên em xù xì hôm qua đi ăn bún với một thằng. Nào để em gọi cho anh một bát nhiều bún nhiều dọc mùng còn cho em một bát nhiều sườn nhiều thịt. Cái cô bán hàng này tai nghễnh ngãng anh ạ, nếu anh gọi dọc mùng ăn thêm hay là hai trà đá thì em cam đoan cô ấy chẳng nghe thấy cái gì còn nếu anh thủ thỉ rất khẽ thôi là này cho hai bát móng là quán có ồn đến mấy cô ấy cũng phục vụ tận tình ngay. Có điều móng thì không rẻ đâu , lại gặm bẩn tay lắm, thôi thì ăn xong bún rồi mình đứng lên thôi. 12 nghìn, bắt đầu buổi tối của chúng ta không hề quá tệ....
Bảy giờ bốn mươi nhăm phút, may quá thế là vừa đẹp. Ở gần đây lắm anh ạ, đi bộ thôi cho nó nhanh tiêu, em thì không biết anh thế nào chứ em ấy à ngày nào em cũng phải uống nước ngô. Anh bảo giờ này tối lấy đâu ra hàng ngô luộc đi ngang mà uống ấy à, đúng là nhà anh xa Hà Nội lâu quá của nó rồi chứ giờ nước ngô bán đầy ở các hàng nem chua nướng mực nướng cá chỉ vàng chỉ bạc đầy rẫy trên Hàng Bạc phố nhà em. Dưng mà em nói thật, em là em không thích cái thể loại nem chua nướng, nem chua ấy à, là phải rán cơ... Đấy đến nơi rồi mà, vâng thế anh ăn thử nhé, à mà anh à còn ngon hơn nem chua nướng là cái món tên là bánh ngô. Chao ôi sao mà thơm mà dẻo mà quyện lấy bao nhiêu là ngọt bùi của đất, chấm vào bát tương ớt để trước mặt kia thoải mái đi anh, ớt lấy thêm thoải mái mừ, không ai nói gì đâu. Ngon anh nhỉ, mà có 1 nghìn một cái em mọi khi ấy à em ăn được gần chục cái, hôm nay đi với anh vui quá hay là mình mua thêm một ít mang về chốc nữa đói lại ăn....
Giờ đi đâu nữa anh ơi, Hà Nội nhà mình sao mà chỗ nào cũng tấp nập nhộn nhịp thế kia ư, em hát cho anh nghe một bài ca cũ lắm rồi anh nhé, một bài hát ngày xưa em hay thì thầm mà hình như đến bây giờ em mới hiểu đến tận cùng . À anh, bài hát của em đây " trên dòng sông bao đôi lứa bên nhau, riêng em có một mình.." Giờ em không còn có một mình nữa đúng không, có anh đi bên cạnh em rồi, không một mình nữa đâu, có anh mà...
Có anh, em không chỉ một mình, có anh, em không lủi thủi cắm mặt anh xong lại lủi thủi đi về có một mình. À đến phố Chả Cá, dừng lại không anh, ơ kìa anh đừng nhìn em như thế, em có bảo anh là mình vào chả cá Lã Vọng ăn đâu, đắt bỏ xừ mà chả ngon hơn bún đậu mắm tôm mua thêm ít lạc rang thả lên trên. Ở đầu Chả Cá này là hàng mỳ vằn thắn sủi cảo anh ạ. Này anh đi lắm biết nhiều anh kể cho em nghe lịch sử của cái món vằn thắn hay như có người còn gọi là mằn thắn gì đấy đi. Kể đi cho đỡ sốt ruột trong lúc ngồi chờ, Hà Nội có bao nhiêu hàng vằn thắn mằn thắn em không biết đâu, nhưng em thích nhất hàng này, vì nước thơm ngọt ghê mà không cần mì chính, vì miếng bóng cắt chéo chéo nằm im khiêm tốn bên cạnh màu đỏ sắc của xá xíu, vì miếng sủi cảo nặn đều tay nở xoè như bông hoa vàng trên mặt nước, vì cả một cái nấm hương bé xíu xiu làm thơm nức mũi em vừa ăn vừa hít hà lâu thật là lâu.
Mấy giờ rồi anh, hì vẫn chưa đến giờ thiết quân luật của mẹ em đâu, hay là vòng lại dẫy phố Tàu chỗ Hàng Giầy ấy mà em chỉ cho anh nhà một nghệ sĩ hẳn hoi anh nhé. Nghệ sĩ này ui dời anh chẳng xem ti vi gì à nổi tiếng cực kỳ nhé, ừ nhưng thôi anh chẳng biết cũng hay, chúng mình chỉ đơn giản coi ông ấy là một bác bán hàng vui tính tận tình thôi anh nhỉ. Hì anh đừng ngơ ngác thế người ta cười cho đấy, lục tào xá là chè đậu xanh thêm vài hạt sen, chí mà phù là chè vừng đen nấu đặc à ừ còn món bánh trôi Tàu kia nữa à mà bánh trôi Tàu ở đây ít anh nhỉ, có mỗi hai viên bé xíu xiu một viên nhân dừa một viên nhân vừng ăn là lạ, húp một thìa nước chè đường có vị gừng này vào nữa đi anh, trời bắt đầu trở lạnh, thêm một thìa này là ấm hết cả đường về anh nhỉ....
Anh ơi, 10 giờ xừ nó mất rồi, mẹ em không cho về muộn đâu, em vui lắm, em muốn đi với anh qua Hàng Nón có hàng phở tim gà trong ngõ, qua hàng cháo trứng muối Bà Mỹ ở đầu phố Nhà Thờ, rồi lại vòng về Nguyễn Hữu Huân ăn xôi xéo gà ruốc rưới mỡ nước béo ngậy.. Muốn đi với anh biết bao nhiêu... Hay là mai anh nhé, nhất định là mai .....
Vui không hả anh, em vui lắm lắm cơ...
Ừ anh cũng vui, nhưng mà biết nói sao em à, vui buồn lẫn lộn. Ừ, cứ thế cái đã nhé em nhỉ, ngày mai.....



No fear

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cả tuổi ấu thơ trong tôi là những năm tháng khó khăn của thời bao cấp... cái thời mà tôi vẫn chưa hiểu khái niệm nền kinh tế tập trung là gì, cơm ăn là gạo cám, áo mặc là khăn mùi xoa - lúc đó tem phiếu luôn là thứ tài sản phải được nâng niu nhất ở trong nhà...
Năm 5 tuổi, thỉnh thoảng từ sáng tinh mơ... khi mà Hà Nội vẫn còn chìm trong màn đêm ướt đẫm sương... với cái mùi ngai ngái rất đặc trưng của đêm Hà Nội... tôi và mẹ đã phải bao tải, ống lon ra Cửa hàng gạo nhà nước ở phố Thợ nhuộm để xếp hàng đong gạo... tôi vẫn còn nhớ thời đó lúc mẹ đứng xếp hàng thì tôi được phép đi loanh quanh để nhìn ngắm Hà Nội lúc buổi sáng tinh mơ...rõ ràng lúc đó tôi vẫn chưa có ý thức gì về cái đẹp cũng như những sự huyền ảo của phố Hà Nội... nhưng dường như vô thức... sau này khi lớn lên... mỗi lần được nhìn ngắm Hà Nội đêm ... với cái mùi ngái ngái đó ... tôi lại nhớ đến những ngày ấu thơ đong gạo ấy... dù nó giờ chỉ còn đọng lại đôi chút trong ký ức mờ ảo, mờ ảo tựa như những giọt sương đêm mỏng manh đọng trên cái màng nhện và đang bắt đầu bốc hơi dưới ánh nắng của bình minh... phải chăng cái chất Hà Nội đã ngấm vào trong tôi từ thời ấy...
Tôi còn nhớ, thuở ấy Hà Nội không có đèn đóm gì cả, mỗi lần khi đến ngày xếp hàng đong gạo, mẹ dẫn tôi đi qua những con đường rất tối và nhiều cây có mùi rất thơm mà sau này tôi mới biết đó là mùi hoa sữa... một mùi rất đặc trưng của Hà Nội. Có lần mẹ bị mất sổ gạo và tem phiếu... mẹ đã ngồi ở gốc cây hoa sữa cuối con đường đó và khóc... tôi hiển nhiên cũng chẳng hiểu gì thấy mẹ khóc cũng oà khóc theo... đó là lần đi mua gạo cuối cùng của tôi... sau vụ này bố tôi dành luôn quyền đi xếp hàng mua gạo và tôi phải nằm ngủ trên giường thay vì được dậy sớm từ 2h sáng để đi qua con phố tối, để lang thang quanh cửa hàng gạo ngửi mùi ngai ngái của Hà Nội phố về đêm...
Sau này khi lớn lên, nhất là khi có được thằng Teq đồng cảm, cả hai thằng đều yêu Hà Nội và cảm nhận nét đẹp của Hà Nội giống nhau một cách khó hiểu... tôi mới lại có dịp lang thang ngắm nhìn cái đẹp của Hà Nội về đêm. Hà Nội ngày nay đã khác xưa rất nhiều... những con phố rộng hơn, sạch hơn, sáng hơn, nhà đẹp hơn,,,, nhưng cũng mất đi nhiều vẻ đẹp đặc trưng...
Cái vẻ đẹp đặc trưng Hà Nội giờ chỉ còn hiện diện về đêm ở những khu phố cổ, nơi vẫn còn tồn tại những căn nhà cũ kĩ – những bức tường và cửa sổ đều trông có vẻ tạm bợ - với ánh đèn vàng lờ nhờ trong sương đêm của cái đèn treo trên cái cột điện già cỗi chỉ chực đổ xuống... tất cả là thế - nhưng chỉ khi màn đêm Hà Nội tĩnh lặng buông rèm ... thì một vẻ đẹp kỳ diệu và khó tả chỉ có ở Hà Nội lại hiện về...
Có những đêm, hai thằng lang thang trên những con phố cổ Hà Nội dài hun hút không một bóng người, dưới màn sương đêm vàng đi vì ánh sáng của một cái đèn tròn sắp hỏng treo trên cây cột điện đen đúa ... đứng lặng lẽ và si mê ngắm nhìn mà chẳng thốt nên lời...Hà Nội đẹp quá... chỉ vài năm nữa thôi... chắc chẳng bao giờ chúng tôi còn cơ hội nhìn thấy Hà Nội như thế này nữa...
Hà nội về đêm là những con phố dài lặng thinh không một bóng người, là lúc mà cái mùi ngai ngái quá khứ trở về, và cũng là lúc tiếng rao đêm của những kẻ bán dạo khuya dễ làm ta nao lòng nhất...
Tôi và Teq đã từng cùng lặng đi thương cảm khi nhìn thấy một em bé nhỏ bụi đời, co quắp cố rúc vào miếng bao tải nhỏ - cố dỗ mình trong một đêm đông giá lạnh... cùng gai người với những tiếng rao đêm của những người bán rong - vật lộn mưu sinh khi mọi người yên giấc nồng...
Mọi thứ của Hà Nội trong đêm khuya tĩnh lặng là một bức tranh tuyệt diệu - mà mỗi lần nhìn ngắm nó - tình yêu Hà Nội trong mỗi chúng tôi lại trào dâng một cảm giác xao động thật khó tả...
Tất cả những điều đó làm nên vẻ đẹp của Hà Nội...một vẻ đẹp diệu kỳ không đâu có được và chỉ những người thật yêu Hà Nội mới có thể cảm nhận được nó mà thôi...



Pittypat

Người xa quê (Thân tặng chị Quang, Laughter và em...)


...Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...
Có một điều hết sức thú vị em đã kể với Raxun ngày trước, khi lần đầu tiên nhìn thấy Laughter, đó là em cảm thấy Laughter có nét gì đó quen thuộc lắm, như thể em đã quen biết em ấy từ rất lâu rồi. Lâu lâu sau, em lại gặp chị, và cảm giác đó càng đậm nét hơn. Để đến hôm gặp mặt mọi người ở Trà đạo, em mới vỡ lẽ ra cái điều mình vẫn thấy thắc mắc.
Đó đơn giản chỉ là chị, Laughter và em là những người đồng hương. Thật buồn cười phải không, khi mà em sinh ra ở Hà Nội, mà cũng lâu lắm rồi chẳng về quê, chẳng biết quê mình thế nào. Nhưng không hiểu sao, hễ cứ gặp những người phụ nữ quê mình, em lại có một cảm giác rất lạ. Hình như phụ nữ quê mình có một cái nét, một dáng vẻ gì đó vừa riêng lại vừa chung, chị nhỉ?
Hà Nội nhỏ bé mà cũng phong phú lắm. Phong phú từ nguồn gốc cho tới tính cách con người. Bây giờ thử tính, có lẽ người Hà Nội 'gốc' bây giờ chẳng còn mấy. Dân Hà Nội bây giờ chủ yếu là những người đến từ các tỉnh, thành phố khắp mọi miền đất nước, ở lâu, rồi 'ăn' hơi đất này, bị Hà Nội hoá và trở thành người Hà Nội lúc nào không hay...
Tính ra từ bé đến lớn, điều duy nhất đọng lại về quê cha trong tim em chỉ là những hình ảnh mờ mờ của ngôi nhà bác cả, với sân vườn, với ao nước đằng sau nhà. Mà cũng chẳng nhớ đó là ao, hồ hay là gì nữa, chỉ nhớ rằng có hồi bé bé, thằng anh trai thích khoe mình biết chèo thuyền, bèn rủ con bé em 'thành phố' ngơ ngơ đi bơi thuyền. Chẳng ngờ, chèo thuyền không phải là chuyện đơn giản, ra giữa hồ, thằng anh loạng choạng thế nào lại ngã tòm xuống nước, để con em lơ ngơ chỏng chơ trên thuyền... Thuyền cứ trôi mãi mà nó lại chẳng biết bơi, chẳng biết một cái gì cả... Bây giờ thì bác cả cũng bán cái nhà đó mà lên thành phố làm ăn. Mối liên hệ của gia đình với quê cha lại càng mong manh hơn nữa.
Em còn nhớ, hồi tiểu học, mỗi khi làm đề tả cảnh quê mình hay tả một cái cây, con trâu hay con bò, em toàn phải 'tham khảo' mấy bài mẫu của cô giáo. Rồi cứ thế mà bịa. Nào là 'quê em có những rặng tre xanh mướt', nào là 'cánh đồng lúa vàng trải dài bát ngát', rồi con bò thì... con trâu thì... Mà khổ cái, nào phải như thế đâu?! Bản thân em rất ghét việc phải chép, phải bắt chước theo cách tả của người khác, nhưng vì thực sự chưa từng nhìn thấy, chưa từng trải qua bao giờ nên cũng đành víêt lấy lệ. Lại nhớ cái hồi trước đó, trong kỳ thi vào lớp 1 trường Thực Nghiệm (thi vấn đáp), em được yêu cầu phân biệt tranh con bò, con trâu, con dê..., mình nhìn mà chẳng biết con gì với con gì, cứ chỉ bừa, trúng đâu thì trúng. May mà có một số câu hỏi khác không liên quan đến kiến thức thực tế chứ không chắc em đã phải chấp nhận cú ngã đầu tiên trong hành trình thi cử học hành gian nan rồi!
Thế mới thấy trẻ con như em sinh ra nơi thành phố, lớn lên cũng ở thành phố, hình như đã mất hết khái niệm quê hương. Nhiều khi thấy mình chẳng biết gì về quê cha, ngoài cái tên địa danh ghi nhiều đã thành thuộc trong những tờ khai báo.
Nhưng mà thuộc, rồi lại thành thân quen. Đi học, hễ cứ thấy đứa nào cùng quê mình là mừng như băt được vàng, chẳng hiểu sao lại thế nữa . Kể cả nó cũng đồng cảnh ngộ như mình, đều là những đứa trẻ không-phải-của-quê-hương, thế mà khi biết cùng quê, tự nhiên hai đứa thấy có một sự gần gũi và thiện cảm với nhau kỳ lạ! Em biết có hai đứa học lớp bên, chỉ vì nhận ra nhau là đồng hương, thế là trở thành bạn thân ngay được, thân mãi cho tới bây giờ. Mà không chỉ thế, có một điều lạ là nếu biết ai đó cùng quê với mình mà thành công trong một công việc gì đó, tự nhiên trong lòng em thấy vui vui, xen lẫn tự hào. Hồi học cấp II, em đã rất tự hào vì hai bạn em quen học lớp Anh, đều dân cùng quê cả, là hai học sinh xuất sắc nhất lớp đó. Rồi bây giờ, em lại cảm thấy tự hào, vì chị Quang cũng lại là một người cùng 'quê em'.
Hà Nội nhỏ bé và cũng phong phú lắm. Cũng có rất nhiều nhữgn đứa trẻ xa quê như em. Bọn em sẽ lớn lên, dù mang trong lòng một tình yêu mơ hồ về quê cha, thì cũng sẽ luôn là những người con của Hà Nội, thuộc về Hà Nội. Cha mẹ chúng em đã truyền lại tình yêu với quê hương trong trí nhớ mình, trong những kỷ niệm tuổi ấu thơ, trong những nỗi hoài vọng sâu kín. Nhưng rồi tình yêu ấy có thể truyền tiếp cho những thế hệ sau không nhỉ, khi mà còn có một tình yêu lớn hơn, sâu nặng hơn trong trái tim chúng em, đó là tình yêu với Hà Nội? Giả sử bây giờ đi xa, mảnh đất đầu tiên và duy nhất em nhớ, nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ đến khắc khoải sẽ chỉ là Hà Nội.
Như vậy có phải là một điều đáng buồn không, chị nhỉ?


* Có hiệu đính

Phần 2: Truyện ngắn- Bút ký

Oklahoma Du Hí- Tinyhuong

1. Omaha - Prelude tháng Ba

Ở đâu đó - tôi tin - phải có câu trả lời cuối cùng cho tất cả những lộn xộn và bất an của thế giới này. Như là, vì sao người Mỹ giàu có còn chúng ta thì vẫn nghèo? Vì sao ở phía kia của Mặt Trăng lại luôn tối và lạnh lẽo? Vì sao người Quảng Đông ở Trung Quốc có thể ăn thịt người? Hoặc như là, vì sao cái trang web nhiều người truy cập nhất thế giới lại là một trang web về porn? Và này, Bin Laden và đồng bọn có nỗi ám ảnh tuổi thơ vào với máy bay và nhà cao tầng nào không nhỉ?
Nhất định là ở đâu đó phải có câu trả lời cuối cùng cho tất cả những lộn xộn và bất an của thế giơí này.
Thì cứ nhìn cái thế giới tin hin của tôi mà xem. Câu hỏi làm tôi trằn trọc mất mấy tuần “Đi đâu, làm gì trong một tuần nghỉ Spring break” rút cục đã được trả lời thoả đáng và nhanh gọn không ngờ. Một buổi chiều tháng 3 không có gì đặc biệt, trong lúc đang đủng đỉnh thu dọn băng đĩa và tài liệu giảng dạy sau buổi lên lớp, Giáo sư Teresa đột nhiên hỏi tôi có muốn đi Oklahoma với cô vào dịp Spring break. Tôi chẳng tìm được lí do gì để nói không. Và thế là: Oklahoma!
Bingo!

2. Đi đường
Có năm chúng tôi lên đường từ Omaha đi Oklahoma. Đoạn đường dài chừng 400 dặm, băng ngang qua bang Kansas. Có nhiều cách để phân chia nước Mỹ, nhưng tôi hay chia thành 2 kiểu: kiểu thứ nhất là cắt ngang nước Mỹ thành miền Bắc và miền Nam; kiểu thứ hai là cắt dọc nước Mỹ thành bờ Đông - đồng bằng lớn ở giữa và bờ Tây. Cả Nebraska, Kansas và Oklahoma đều thuộc vào phần đồng bằng lớn ở giữa, xuôi dần xuống phía Nam.
Mùa này không phải là mùa lý tưởng để đi chơi vì tuyết đã tan nhưng cây cối chưa mọc trở lại, đâu đâu cũng chỉ là một màu xám xám của cỏ và cành khô trên những quả đồi nhấp nhô liên tục. Đi suốt các bang ở vùng đồng bằng lớn nước Mỹ là những cánh đồng ngô, bò, đồi nối tiếp đồi chạy ngút mắt. Cứ đi một quãng lại thấy những quả đồi vừa được đốt cỏ xong: đen và bụi. Bây giờ vẫn đang là cuối mùa khô ở Mỹ - nếu có bão và sét, rất có thể có các đám cháy trên các đồng cỏ khô hoặc rừng cây trụi lá.
Chúng tôi khởi hành từ sáng trên hai xe ô tô kiểu minivan, vừa đi vừa ăn dọc đường. Qua Kansas chẳng có gì nhiều để nói: chỉ đồng cỏ và đồng cỏ. Cái đáng nói nhất có lẽ là giao thông của nước Mỹ: trên cả tuyệt vời. Hệ thống đường rất rõ ràng và tiện lợi, biển chỉ đường rõ ràng; đến mức ngay cả nếu bạn chưa bao giờ biết đường đi Florida, bạn cũng có thể dùng bản đồ để đến nơi. Trên đường cao tốc liên bang, cứ một quãng lại có một khu gọi là rest area, ở đó có nhà vệ sinh công cộng cực kỳ sạch sẽ, có bán đồ ăn, có các tờ tin, thậm chí có cả chỗ nghỉ cho những lái xe đường trường. Dọc đường có rất nhiều các trạm xăng tự động, bạn tự bơm xăng và tự trả tiền. Tuy nhiên, cái đáng nói nhất là ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của người Mỹ. ở các biển dừng, ngay cả nếu hai bên đường vắng tanh không có ai, họ cũng không vượt. Bơm xăng xong, bạn tự động vào trả tiền, không ai nhắc nhở nhưng cũng chẳng ai vi phạm. Ngoài ra, Kansas là nơi bắt nguồn của bộ phim nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.
9h tối, chúng tôi vào đến địa phận Oklahoma, đồng thời cũng là vào đến khu tự trị (reservation) của người da đỏ. Tôi có thể nhận ra điều đó vì ông Joe Trumbly lái xe nhanh hơn ở phía trước. Như hổ được về rừng, như tay súng săn vào đến vùng đất săn của mình, xe của ông chạy loang loáng phía trước xe của tôi, bỏ lại hai bên những cánh rừng và những cột mốc đường loé sáng trong đêm. Bên trong xe ấm áp nhưng ở bên ngoài chắc ngập tràn gió lạnh vì tôi nghe rõ tiếng gió thổi ràn rạt, vù vù. Tôi tưởng tượng ra chăng hay sự thật là mảnh đất này có nhiều điều huyền bí?

3. Một nhóm kỳ quặc

Khi viết những dòng này - một buổi tối thứ Tư đẹp trời - tôi đã sống ở Oklahoma ngày thứ ba. Chính xác hơn là ở Pawhuska, một trị trấn nhỏ, vắng người, đồng thời là khu tự trị của bộ lạc da đỏ Osage. Tôi ở cùng gia đình Trumbly: gồm ông Joe, bà Alaine, cô Teresa và Layton.
Chúng tôi có lẽ là một nhóm kỳ quặc.
Ông Joe Trumbly là một người da đỏ thuần chủng (mặc dù da ông bây giờ chủ yếu đỏ vì rượu bia), một trong những người đứng đầu bộ lạc Osage, tiếng Anh gọi là councilman, một chức tương đương với bộ trưởng trong các thể chế chính trị khác. Khi mà tổng thống Bush tổ chức tiệc nhậm chức Tổng thống, gia đình Trumbly cũng là khách mời.
Bà Alaine Trumbly thì là người da trắng hoàn toàn, gốc châu Âu, không hề có chút pha tạp nào của người da đỏ - một phụ nữ rất lịch lãm, khả kính và ân cần.
Cô Teresa - năm nay 40 tuổi - mang dòng máu lai giữa người da đỏ với da trắng. Cô đã lấy một người Thái - con trai một gia đình hết sức giàu có, danh giá; có ngân hàng, công ty tài chính và các loại tài sản khác. Họ chung sống một vài năm rồi li dị. Trong cả bộ lạc những người da đỏ Osage cũng như đối với người da đỏ Mỹ nói chung, người như cô Teresa không nhiều. Trên nước Mỹ rộng lớn này, người da đỏ vẫn là chủng tộc nghèo nhất, tỷ lệ thất học cao nhất, tỷ lệ nghiện rượu cao nhất, vv và vv...nhiều thứ nhất khác nữa mà chắc họ không mấy tự hào. Cô Teresa là tiến sỹ và giáo sư tại trường đại học - đối với hầu hết người da đỏ thì đó là một ngoại lệ.
Layton Lamsam, con trai cô Teresa - mới có 10 tuổi. Dĩ nhiên là Layton mang trong mình cả ba giòng máu: da đỏ của thổ dân Mỹ gốc, da trắng châu Âu và da vàng của châu Á. Layton thuộc về nước Mỹ vì em sinh ra và lớn lên ở đây, chịu ảnh hưởng từ những người bạn Mỹ. Layton thuộc về một thế hệ nữa của nước Mỹ - thế hệ của thế kỷ 21, không biết đến chiến tranh vệ quốc mà biết đến các cuộc khủng bố kiểu mới của loài người. Nhưng tôi biết Layton - có lẽ do những đặc điểm di truyền - tuy còn nhỏ mà đã biểu hiện những đặc điểm pha trộn đáng kinh ngạc giữa tính cách Mỹ, tính cách người da đỏ và cả tính cách Á Đông.
Tôi là một người châu Á thuần chủng, nói chính xác thì là Việt Nam. Tôi là một người da vàng. Tổ tiên của tôi sinh sống ở vùng Kinh Bắc đã rất nhiều đời, đã sinh con đẻ cái nhờ vào làm ruộng và các nghề thủ công.
Chúng tôi chỉ cần thêm một người châu Phi nữa là có thể có cả thế giới trong một mái nhà.
(Thực ra - nếu nói cho đầy đủ, với một thái độ không phân biệt chủng tộc - thì còn một nhân vật nữa trong gia đình. Nhân vật này có tình cảm khá đặc biệt với tôi. Ví như lúc tôi đang ngồi gõ những dòng ký ngắn này bằng chiếc laptop của cô Teresa thì hắn đứng nhìn chăm chú vào mặt tôi với một vẻ ngưỡng mộ đủ khiến tôi xấu hổ và một ánh nhìn trong sáng đến mức đáng ghen tức. Không muốn bị xấu hổ thêm nên tôi cầm cái cổ dề lôi hắn - à, tên hắn là Bill - ra khỏi phòng khách. Hắn quâỹ đuôi đầy bất bình.)
Xin quay lại với câu chuyện các chủng tộc. Một hệ quả - tuy không nhất thiết là tất yếu, nhưng khá dễ dàng nhận thấy từ sự đa dạng về chủng tộc mà tôi nói trên - là sự đa dạng về các niềm tin, các hệ thống giá trị trong xã hội. Nước Mỹ ngày nay là sự tổng hoà của rất nhiều thứ: vừa hấp thụ những tinh hoa của lục địa cũ - tức châu Âu - lại vừa phát triển từ trong lòng nó những nét tinh hoa riêng của một mảnh đất trẻ với những con ngươì mới. Xét theo một cách nào đó: nước Mỹ lớn mạnh chính nhờ ở sự hoà trộn các giá trị nói trên. Nó giống như một vòng tròn xoáy trôn ốc: sự đa dạng và dễ dãi của nước Mỹ hấp thụ thêm nhiều người từ các nước - rất nhiều trong số họ là những người mang sẵn trong mình những điểm khác biệt và những giá trị phá cách, vốn không được chấp nhận hoặc là rất xuất sắc ở nước cũ. Những người này lại tạo ra thêm những sự đa dạng mới, giống như thêm gia vị vào nồi soup gà...và vì thế nước Mỹ càng mở rộng biên độ dao động của nó.
Năm người và một chó: chúng tôi chẳng ai giống ai cả!

4. Lược khảo không chính thức về Oklahoma và người da đỏ

Oklahoma - cái tên này bắt nguồn từ bộ lạc Choctaw - có nghĩa là "người da đỏ"
Oklahoma bắt đầu có tư cách một tiểu bang kể từ ngày 16-11-1907, bang thứ 46 trong tổng số 50 bang của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trên mọi phương diện, Oklahoma là một bang đặc biệt. Thực tế là những người tạo ra bang này chưa bao giờ có ý định tạo ra nó như là một “bang” của Mỹ - nghĩa là ngang bằng với New york hay Califorrnia, hay Massachusetts. Oklahoma là miếng thịt bạc nhạc mà nước Mỹ giành cho người da đỏ. Nó được thành lập chỉ như là cái rọ lớn để nước Mỹ dồn người da đỏ vào đó, tránh cái gai trong mắt chính quyền.
Cần phải tưởng tượng thế này: Nước Mỹ vốn thuộc về người da đỏ.
Trên mảnh đất trù phú mà ngày nay được gọi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hàng ngàn năm trước chỉ có những bộ lạc da đỏ sinh sống. Những nơi mà ngày nay người ta trồng ngô, xây nhà máy, xây cao ốc, xây nhà ga xe điện ngầm, mở công viên, dựng công viên Disney - trước đây là nơi người da đỏ săn bắn, sinh sống. Những Omaha, những Kansas city, những Oklahoma city của ngày này - trước đây là thảo nguyên rộng lớn của người da đỏ, nơi hàng đàn trâu rừng chạy lồng, ngựa hoang, và các loại động vật khác chung sống.
Sau khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ, các nước lớn ở châu Âu thi nhau đưa người tới lục địa mới này. Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và bất kỳ nước nào có thế mạnh về hàng hải đều đã vượt biển đổ bộ lên tân thế giới. Họ đi theo hai nhóm với hai mục đích: một là những người di dân tự do muốn rời châu Âu vì những lý do chính trị và kinh tế, đến đất mới để bắt đầu cuộc sống mới; hai là quân đội và chính quyền thực dân tới khai thác đất mới để làm giàu cho bản địa.
Trong vòng hai thế kỷ sau khi những người Anh đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Đại Tây Dương của nước Mỹ, người da đỏ liên tục bị dồn đuổi vào sâu dần trong lục địa - chỗ hiện nay là đồng bằng lớn và các vùng núi cao. Ban đầu họ dễ dàng thuần phục được người da đỏ - những người lúc đầu sợ hãi và coi họ là Chúa Trời. Tuy nhiên, khi thực dân Anh và Pháp lấn tới chiếm đất - thứ có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống người da đỏ - thì các cuộc chiến bắt đầu nổ ra. Cuộc chiến giữa người da đỏ và thực dân Anh, Pháp kéo dài cho đến năm 1763 thì tạm thời ngừng lại khi Anh tuyên bố không cho phép người da trắng vượt qua khỏi dãy Appalachian, phần phía bên kia trở đi là đất của người da đỏ.
Khi cách mạng Mỹ nổ ra giữa thực dân Anh với dân di cư tự do từ châu Âu sang và nay là chủ thực sự của Mỹ, nước Anh đã mua chuộc rất nhiều bộ lạc da đỏ để chống lại người Mỹ. Sau khi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời vào năm 1776, đến lượt mình, chính quyền Mỹ bắt đầu mở rộng đất về phía Tây (về hướng California) vốn vẫn do người da đỏ chiếm giữ.
Để nhổ cái gai là dân da đỏ ra khỏi mắt, chính quyền Mỹ tính đến việc thành lập một cái gọi là Lãnh thổ cho người da đỏ (Indian Territory) vào đầu thế kỷ 19. Đến năm 1930, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật thành lập lãnh thổ này. Nó nghiễm nhiên tạo lập một biên giới giữa một nửa phần đất bên Đông nước Mỹ thuộc về người da trắng và một phần đất bên Tây thuộc về người da đỏ. Lãnh thổ này bao gồm phần lớn đất đai của các bang Nebraska, Kansas và Oklahoma ngày nay; và biên giới hai khu vực cũng nằm dọc các bang này.
Tuy nhiên lãnh thổ này kéo dài chỉ được 25 năm. Đến giữa thế kỷ 19, sau khi người da trắng phát hiện ra vàng ở phía bờ Tây nước Mỹ, công cuộc tiến về miền Tây để đào vàng đã phá tan biên giới nói trên. Để mở đường cho người da trắng đi về miền Tây - chủ yếu theo đường 66 nổi tiếng - chính quyền Mỹ đã thẳng tay đàn áp các bộ lạc da đỏ.
Trong một nỗ lực cuối cùng để giải quyết dứt điểm vẫn đề người da đỏ, nước Mỹ quyết định ký một loạt hiệp ước vào cuối thế kỷ 19, theo đó thành lập các khu tự trị cho các bộ lạc da đỏ và yêu cầu các bộ lạc di dân tơí sống vĩnh viễn ở đó, tách rời tương đối với xã hội da trắng. Đất đai này chủ yếu là Oklahoma bây giờ. Năm 1866, tổng thống Ulysses Grant đã ký “Hiệp định hoà bình” với các bộ lạc. Tuy trên danh nghĩa, chính quyền liên bang tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho những người vốn làm chủ đất đai của nước Mỹ nhưng trên thực tế, họ muốn tiêu diệt người da đỏ, bằng vũ lực và sau đó là bằng văn hoá. Sau Hiệp định hoà bình, quân đội Mỹ ép các bộ lạc da đỏ tới các khu tự trị - những mảnh đất hoang cằn, hầu như không thể canh tác được. Rất nhiều người da đỏ đã chết trong các cuộc di dời này. Và vì thế, hành trình của người da đỏ tới các khu tự trị do chính quyền Mỹ chỉ định được gọi là “Hành trình nước mắt” (Trail of tears).
Oklahoma ngày nay có gần 40 bộ lạc sống trong các khu tự trị riêng: Osage, Cherokee, Choctaw, Chickasaw, Kickapoo, Dalaware, Souk and Fox, Ponca, Shawnee, Seminole, vv...Trên đất đai của các khu tự trị, người da đỏ thực tế sống lẫn với người da trắng và đang bị pha tạp dần. Họ kiếm sống bằng các công việc thông thường; ngoài ra các bộ lạc cso thể mở sòng bạc, buôn bán, khai thác dầu để kiếm tiền.
Người da đỏ biết rằng họ đã thua vĩnh viễn. Không bao giờ họ còn là chủ trên đất đai Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nữa. Cái mà họ còn - chỉ là một nền văn hoá da đỏ mà những người như ông Trumbly và cô Teresa đang cố gắng giữ gìn.

5. Cô Teresa - đôi điều nói thêm về văn hoá!

Tôi có thể nhìn thấy những gì đang mất dần trong văn hoá da đỏ và những gì sẽ còn được giữ lại từ cô Teresa. Có rất nhiều điều để nói về cô mà tôi không biết phải nói từ cái gì. Biểu hiện văn hoá da đỏ đầu tiên mà tôi nhận thấy ở cô chính là những quan niệm về đất đai và gia đình. Tôi không ngạc nhiên khi cô nói rằng cô chỉ thực sự cảm thấy về nhà khi trở lại Oklahoma, về sống trong khu tự trị - một điều mà nhiều người dân Mỹ sẽ cảm thấy kỳ quặc vì người Mỹ hầu như không có khái niệm “mảnh đất chôn rau cắt rốn”. Một người Mỹ điển hình có thể đi từ bang này sang bang khác theo công việc một cách hết sức thoải mái. Dường như trong cô cũng như trong những người còn mang đậm văn hoá da đỏ, đất đai vẫn có ý nghĩa thiêng liêng. Cuộc chiến giữa người da trắng và người da đỏ hàng trăm năm trước cũng bắt nguồn từ xung đột trong quan niệm về sở hữu đất. Đối với người da đỏ, đất đai, cây cỏ đều có linh hồn và thuộc về thần linh. Việc mua bán, đổi chác đất đai là một điều hết sức phi nghĩa đối với họ. ý niệm nơi chôn rau cắt rốn đối với họ rất cao cả và thiêng liêng. Đấy chính là lý do vì sao người da đỏ chống cự quyết liệt khi chính quyền Mỹ buộc họ dời đến Oklahoma. Người da đỏ chết trên “hành trình nước mắt” vì sự suy sụp tinh thần nhiều hơn và về sức lực.
Tôi không ngạc nhiên khi cô Teresa kể rằng cô đã yêu và cưới một người Thái Lan khi đang học Cao học. Tôi cũng không ngạc nhiên khi cô nói cô không muốn đến châu Âu nhưng rất tò mò về châu á và văn hoá cộng đồng ở đó. Tôi không ngạc nhiên khi cô nói rằng vì một lý do nào đó, cả cô và con trai Layton của cô đều thân thiết với người châu á.
Câu trả lời cho những điều này không chỉ nằm ở vấn đề tính cách cá nhân. Tôi tin là văn hoá - đấy chính là câu trả lời.

Dĩ nhiên là bây giờ, không bộ lạc da đỏ nào còn dựng lều đốt lửa trên thảo nguyên hay đi săn chung. Họ sống trong các ngôi nhà xây giống như tất cả mọi người khác. Họ lái ô tô, họ dùng lò vi sóng, họ mặc quần bò, áo sơ mi như những người thường (mặc dù rất nhiều đàn ông da đỏ vẫn để tóc dài). Tuy thế, cách tổ chức cộng đồng và nếp suy nghĩ của kiểu văn hoá tập thể, có thứ tự trên dưới rõ ràng thì vẫn còn ăn sâu.
Cần nhớ rằng các khu tự trị của người da đỏ là những lãnh thổ riêng mà trên đó luật pháp của tiểu bang không có hiệu. Đất trong khu tự trị cũng như là một tiểu quốc gia hoặc một dạng lãnh thổ với các quyền hạn chế. Họ có thể không được quyền đặt sứ quán, tuyên bố chiến tranh, giao thiệp cấp nhà nước với các nước ngoài Mỹ hoặc các bộ lạc khác, nhưng trên danh nghĩa mỗi bộ lạc vẫn là một quốc gia có quyền tối cao sau quyền của liên bang. Ví dụ như bộ lạc Osage thực tế được gọi là Quốc gia Osage (The Nation of Osage). Trong phạm vi lãnh thổ của một bộ lạc, tức là khu tự trị, họ không đóng thuế cho bang, không chịu luật pháp của bang. Các sòng bạc mở trên đất của người da đỏ - dù chính quyền bang có thấy chướng tai gai mắt đến đâu đi nữa - cũng không được quyền can thiệp, đánh thuế.
Xin trở lại nói tiếp về vấn đề văn hoá. Cô Teresa lớn lên - mặc dù hưởng một nền giáo dục và các tiện nghi của nền văn hoá da trắng, nói chính xác hơn là nền văn hoá đề cao chủ nghĩa cá nhân và sự công bằng giữa các các nhân - nhưng về bản chất, cô là một người có một niềm tin và nếp sống vững chắc theo kiểu văn hoá bộ lạc. Nó gần với văn hoá Việt Nam hay văn hoá một số nước châu á. Tôi và cô Teresa thân với nhau - ngoài mối quan hệ công việc giữa một Giáo sư với trợ giảng - lý do chính có lẽ là vấn đề văn hoá. Trong số nhiều điều khác biệt giữa văn hoá bộ lạc với văn hoá Mỹ, điều khác biệt lớn nhất có lẽ là lối sống cá nhân và lối sống tập thể. Cho đến giờ, trong một bộ lạc da đỏ, người đứng đầu (được gọi dưới một số tên như Chief, The President, the Governor) vẫn được kính trọng nhất mực. Người da đỏ rất chú trọng thứ bậc trong bộ lạc; tôn trọng sự chia sẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Những thứ quan niệm mới của xã hội Mỹ - như quan hệ tách biệt tương đối giữa cha mẹ với con cái về tài chính và nơi ở; tính ngang bằng về quyền công dân giữa các cá thể trong cộng đồng, vv - vẫn chưa lan đến các bộ lạc. Mặc dù hiện tại đa số các bộ lạc dùng chế độ bầu cử để lựa chọn người đứng đầu bộ lạc thay vì chế độ tập tước cha truyền con nối như trước kia, và dù những tư tưởng dân chủ mà nền văn hoá Mỹ áp đặt lên người da đỏ đang bóc dần những thành trì cuối cùng của nền văn hoá bộ lạc, dường như sâu bên trong có những thứ bản năng thuộc về giống nòi, chủng tộc vẫn được duy trì, nhất là ở những người như cô Teresa và ông Joe Trumbly. Cũng có thể, chính vì nhu cầu tồn vong của bộ lạc mình, người da đỏ không cho phép nó lan tới, hoặc ít nhất là chưa lan tới. Mất văn hoá chính là cái làm cho một dân tộc bị xoá bỏ, chứ không phải sự mất mát về đất đai hay tài sản. Như tôi đã nói, người da đỏ ý thức rõ ràng rằng trên mảnh đất Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - vốn ngày xưa là đất đai của họ - họ không bao giờ còn có thể là chủ và là người chiến thắng. Có lẽ lịch sử lâu dài và đẫm máu của các cuộc chiến với người da trắng - trong đó người da đỏ là kẻ yếu và thua cuộc - đã buộc họ càng xích lại với nhau hơn và cố gắng gìn giữ văn hoá của mình.
Cuộc chiến cuối cùng của người da đỏ chính là cuộc chiến giữ gìn văn hoá của họ.

6. Been there, almost done that - Tôi đi đánh bạc lần đầu

Tôi nói với cô Teresa lúc ở Omaha rằng tôi muốn đến một sòng bạc của người da đỏ để xem. Thế là buổi tối thứ hai trong tuần ở Oklahoma, chúng tôi đi đánh bạc.
Hiện nay, hầu như bộ lạc da đỏ tập trung nào cũng mở sòng bạc trên đất của mình. Lý do thì có nhiều. Một phần vì mở sòng bạc kiếm được rất nhiều tiền mà lại không phải chịu thuế của bang cho loại hình kinh doanh đặc biệt này. Một phần khác là vì - do những lý do lịch sử - người da đỏ hình thành nên truyền thống đánh bạc và uống rượu. Ngoài ra, các sòng bạc của người da đỏ cho phép trẻ em trên 18 tuổi là được vào trong khi các sòng bạc khác bạn gặp ở Las Vegas hay bất kỳ nơi nào khác đòi hỏi bạn có giấy tờ chứng minh trên 21 tuổi. Xin nhắc lại rằng trên đất của người da đỏ, họ có quyền đặt các quy định mà chính quyền tiieủ bang không thể can thiệp. Còn chính quyền liên bang thì quá xa để lo cho những người vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi trong lịch sử Mỹ.
Trên đường từ Omaha xuống Oklahoma, chúng tôi đã định vào một sòng bạc rất lớn ở Kickapoo thuộc bang Kansas. Đây là sòng bạc của bộ lạc Kickapoo. Trớ trêu là tôi không mang theo bất cứ giấy tờ nào có ghi ngày sinh để chứng minh mình đã qua tuổi 18; cho nên, sau một hồi thuyết minh, tôi và ông Joe đành ngậm ngùi quay ra. Dọc đường từ Kansas đi Pawhuska, tôi gặp ít nhất là ba sòng bạc lớn của các bộ lạc da đỏ: Kickapoo, Red Fox và Golden Eagle. Họ mở ngay gần sát đường lớn, lúc nào cũng đông người Mỹ đến đánh bạc.
Dĩ nhiên là tôi vẫn không có giấy tờ tuỳ thân. Nhưng Pawhuska là đất của ông Joe Trumbly nên tôi không gặp phải trở ngại nào. Lúc tầm 9h tối ngày thứa Ba, tôi, ông Trumbly và cô Teresa vào đến sòng bạc của người Osage.
Thực ra, nói đến sòng bạc nghĩa là phải có đánh bạc thực thụ. Còn sòng bạc mà tôi đến vẫn đang tiếp tục mở rộng phần đánh bạc; phần đã hoàn thiện rồi thì không có bàn đánh bạc ăn tiền theo ván mà chủ yếu chơi Bingo và một số các thể loại khác. Chơi bingo là dễ nhất vì bạn dùng các máy tự động để chơi, trên thực tế là tuỳ vào việc bạn may mắn hay không mà thắng chứ không dựa nhiều vào kinh nghiệm hay tài chơi bài. Sòng bạc này thuộc về bộ lạc Osage. Chính quyền bộ lạc bỏ tiền để xây, trang bị máy, quảng cáo, hưởng lợi nhuận và quyết định việc chia lợi nhuận giữa các thành viên trong cộng đồng. Những người làm ở đây chủ yếu là người da đỏ.
Sau một màn chào hỏi giữa ông Trumbly với hai người quản lý sòng bạc - hai anh em da đỏ sinh đôi nhà Wallers, vẫn còn để tóc dài ngang lưng, tết ra sau - người ta dẫn tôi và cô Teresa ra quầy. Chúng tôi đọc tên, họ gõ trên máy tính và in ra một cái thẻ trắng, kích thước bằng một là thẻ tín dụng, có tên tôi và một hàng số. Thế là xong thủ tục, tôi có thể bắt đầu chơi.
Xin được nói qua một chút về quang cảnh ở trong một cái sòng bạc thế này. Lúc tôi vào khu chơi bingo và chơi bạc đơn giản, trong một gian phòng rộng chừng 500 mét vuông, có khoảng gần 100 máy chơi các kiểu và có khoảng hơn 100 người. Khói thuốc mù mịt, đèn xanh đỏ nhấp nháy tứ tung, nhạc từ các máy chơi bingo kêu ỏm tỏi, tiếng tiền xu loảng xoảng, người qua người lại rộn ràng, rất là buồn cười. Hôm đó là thứ Ba và trời không đẹp lắm nên không phải ngày cao điểm của sòng bạc - tôi đoán thế. Vào ngày cuối tuần thì ở đây chắc là đông hơn. Tuy vậy, vẫn có thể nhận ra một số đặc điểm: những người đến đây đa phần là người lớn tuổi và rất nhiều người già; chủ yếu là nam giới. Họ là những người về hưu muốn đến giải trí, những người thất nghiệp, những người rảnh rỗi buổi tối trong một thị trấn chẳng có mấy vui vẻ, những người da trắng ở các vùng lân cận muốn tìm một chỗ tiêu tiền qua một tối thứ Ba ảm đạm, vv và vv...Nói chung thành phần rất phong phú. Hầu hết đều là ngưòi không giàu có, muốn đến thử vận may; hoặc là trung lưu muốn giải trí.
Cũng xin được mở ngoặc nói thêm rằng một người Mỹ điển hình sẽ không quan niệm việc đến sòng bạc là một việc đi ngược lại các quy tắc đạo đức. Nếu bạn nghiện cờ bạc để đến mức tan nát nhà cửa, huỷ hoại cuộc đời, liên luỵ người khác thì chắc chắn là không tốt. Còn nếu đến sòng bạc giải trí thỉnh thoảng - họ cho như thế là hoàn toàn lành mạnh. Tất nhiên, những người Mỹ sùng đạo Cơ đốc thì phản đối việc đánh bạc dưới mọi hình thức: dù để kiếm tiền hay chỉ để giải trí. Nhưng phải thành thực mà nói rằng tín ngưỡng đang dần trở thành một phần của văn hoá Mỹ, một thứ mà ai cũng làm chỉ vì xã hội làm thế thay vì đức tin thực sự. Vì vậy nên Las Vegas vẫn thịnh vượng. Các sòng bạc của người da đỏ vẫn rất thịnh vượng. Ông Joe Trumbly khăng khăng cho tôi 20 đô để làm vốn cho lần đến sòng bạc đầu tiên. Tôi kiếm một cái máy chơi Bingo ở ngay phía ngoài, có tên là Fruit Shake để thử vận may trong lần đầu tiên đến một sòng bạc. Sau khi nhét cái thẻ và nhét tờ 20 đô vào máy, lập tức màn hình báo là tôi có 400 điểm ở trên thẻ. Cái máy mà tôi ngồi vào là cái máy đơn giản nhất: bạn cho thẻ vào, chọn mức đặt cọc cho mỗi ván rồi nhấn nút chơi; máy sẽ tự động quay rồi dừng giống như trò xổ số, nếu bạn được ba hàng có các hình giống nhau thì bạn sẽ thắng điểm, cứ mỗi điểm sẽ quy ra là 5 cents. Nó có 9 ô vuông, tạo thành 8 hàng: ba hàng dọc, ba hàng ngang và 2 hàng chéo. Bạn có thể tuỳ chọn đặt cọc bao nhiêu hàng, tốt nhất là nên chọn 8 hàng vì cơ hội trúng sẽ cao.
Dĩ nhiên là tôi đặt cọc 8 điểm cho mỗi lần và bắt đầu chơi. Hahaha..cái trò này thật là buồn cười. Chẳng hiểu lúc ra khỏi nhà tôi bước chân nào ra trước mà tôi thắng liên tục; tiền xu rơi loẻng xoẻng, chuông báo kính cong, đèn xanh đỏ nhấp nháy loạn xị ngậu. Chơi 5 phút thì tôi lên được 700 điểm, tức là tôi đang thắng được khoảng 15 đô. Nếu tôi chơi ở máy Bingo nào đặt cọc 1 đô hay 5 đô một ván thì tôi đã sắp có đủ tiền để mua vé maý bay về nhà rồi...hì hì. Bàn bên cạnh, tôi thấy cô Teresa cũng đang hí hửng chơi như trẻ con. Quanh quanh có rất nhiều người cũng đang ra sức ấn nút, mắt dán vào màn hình. Tôi buồn cười muốn chết. Bây giờ tôi bắt đầu hiểu vì sao người ta nghiện cờ bạc: cái cảm giác lúc thắng bạc, nghe tiền xu đổ leng keng, nhạc reo tí toét, đèn xanh đỏ nhấp nháy rất là buồn cười. Bạn càng thua thì bạn càng muốn chơi tiếp để gỡ; khi bạn gỡ được, bạn lại muốn chơi thêm để thắng...cứ như vậy.
Trò Bingo chỉ có 5 xu một điểm và là trò cho các ông bà già nên tôi nhảy qua khu khác chơi. Có rất nhiều trò, đủ cả phức tạp lẫn giản đơn mà bây giờ tôi cũng chẳng thể diễn tả lại rành mạch. Tôi đã thử chơi bài poker với máy nhưng được một tẹo thì tôi bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn. Tôi ngồi lâu nhất ở trò Crazy Monkey; đặt cọc 50 cents một ván và chơi mấy chục ván liền. Đã có lúc tôi thắng 120 đô, nhưng vì chơi lần đầu, tôi không biết là nên đi rút tiền ngay khi thắng mà cứ chơi tiếp nên một lúc sau thì tôi lại xuống còn 60 đô; rồi lại lên 90, rồi lại xuống. Cái trò đánh bạc này - bạn đã dính vào là không muốn dứt ra. Chỉ trong tích tắc, bạn có thể kiếm được tiền bằng cả nửa tháng lương hay cả tháng lương đi làm tuỳ vào mức bạn đặt cọc, mà chẳng tốn công sức gì. Thế nên không ngạc nhiên khi người ta dễ nghiện các sòng bạc.
Gần 12 giờ đêm thì chúng tôi ra về. Đêm đó, không tính 20 USD của ông Joe cho, tôi thắng được hơn 70 đô. Một người bạn rất có kinh nghiệm có lần khẳng định với tôi là làm cái gì lần đầu cũng sẽ may mắn, ví dụ như đi đánh bạc lần đầu thì sẽ có vận đỏ do Trời Phật phù hộ. Tôi chưa bao giờ tin những tín điều kỳ quặc đó. Bây giờ thì tôi cũng tin chút xíu...hì hì. Tuy thế lần này tôi chưa thực sự đánh bạc mà chỉ chơi bingo. Hy vọng là lần sau nếu tôi có dịp đến một sòng bạc quy mô hơn thì “Người Ta” vẫn nghĩ là tôi chơi lần đầu và phù hộ cho tôi thêm nhiều vận đỏ nữa...hì hì...
Bingo!
Một chuyện chẳng ăn nhập gì
70 đô la thắng bạc đêm đó - tôi làm hai việc. 50 đô la - tôi làm một việc liên quan đến những người da đỏ. 20 đô la còn lại - tôi làm một việc liên quan đến chỉ một người. Người này da vàng.
Chỉ hai tuần trước khi đi Oklahoma, tôi vẫn đinh ninh là sẽ cùng người da vàng này đi cùng trời cuối đất, chỗ nào cũng có nhau. Thế mà chỉ trong tích tắc, mọi thứ xoay chuyển không ngờ: bỗng dưng tất cả trở nên bấp bênh như chưa từng có gì vững chắc trước đó. Tôi thấy mình như bị một nhát dao đâm rất chắc và sâu vào trúng tim, khiến cho tất cả những sức mạnh sâu xa nhất cũng khép lại trong một trạng thái đóng băng để tự vệ. Chiều nay, khi tôi đứng giữa khoảng đất rộng rãi sát lề đường, dưới chân chỉ là cỏ khô tháng Ba trải dài ngút mắt, cắt vào nền trời là những cái cần trục nhỏ đều đặn lên xuống hút dầu thô từ trong lòng đất có màu đỏ vàng; trên đầu là những đôi diều hâu sải cảnh lượn tìm mồi; cao hơn nữa là trời xanh ngăn ngắt và nắng vàng chói; trí óc của tôi bắt đầu gượng dậy. Tôi muốn tìm một câu trả lời cho những xung đột giữa mình và thế giới, những hỏng hóc mà tôi mơ hồ cảm thấy bấy lâu nay. Tôi biết chuyện với người da vàng kia chỉ là cú huých trực tiếp.
Vì một lý do nào đó, bố tôi hay kể cho tôi câu chuyện này: Năm tôi ba tuổi, có một người thày tướng - vì nhầm tôi (lúc đó cắt tóc cua) là con trai - đã tình cờ nói với bố tôi lúc nhìn thấy tôi rằng “Thằng này có hai cái tai rất đẹp. Lớn lên thì khá ”. Câu chuyện đôi tai đẹp lúc 3 tuổi chỉ là một câu chuyện nhỏ, như một giọt nước li ti. Nhưng ở một phạm vi rộng hơn, những thứ nhắc nhở mơ hồ ấy có lẽ tạo nên một ý thức trách nhiệm xã hội cũng mơ hồ, một thành tố của văn hoá cá nhân. Trong địa vị người lớn, có lẽ bố mẹ tôi không chủ ý đẩy những câu chuyện kiểu như trên cùng với nhiều câu truyện khác thành một dạng biểu tượng, một thứ mục đích ngấm ngầm hay một cái khung nào đó mà tôi sẽ phải đưa mình vào. Nhưng với đầu óc của một đứa trẻ chưa đủ sức quyết định gì cho bản thân, khi ý thức về bản thân đơn thuần là một dạng ý thức phản ánh, tức là ý thức dựa trên đánh giá của người khác, của ngoại cảnh, của công chúng, của các chuẩn định sẵn - thì những câu chuyện trên mơ hồ tạo nên một cái áo xã hội dù to dù nhỏ mà tôi mặc dần vào; đến một lúc nào đó thì quên mất con người bên trong, chỉ còn cái áo.
Giống như Icarus, cái phần bản năng tiềm tàng trong ý thức về bản thân giục tôi bay lên và tìm những lối đi riêng cho mình, tìm cách khẳng định mình.
Ước mơ bay lên của tôi đã từng như thế này: Tôi sẽ lớn lên, rồi đi làm nhiều việc tốt cho xã hội, sẽ sống sung túc và thanh thản, sẽ làm cho bố mẹ tôi vui, sẽ làm cho các chị em gái vui và tự hào, sẽ lập gia đình với một người mà tôi coi là bạn đời, sẽ có các con trai con gái, cháu trai cháu gái mà tôi gọi tất cả là “con”, sẽ dạy chúng đọc sách, học làm người tốt từ nhỏ, sẽ vẫn có những bạn bè tốt như bây giờ, cuối tuần tụ tập nhau ở nhà tôi như lúc còn trẻ, sẽ làm một đồng nghiệp mẫu mực, sẽ làm nhiều việc và đi khắp nơi xây dựng các mạng lưới phúc lợi cộng đồng. Tôi sẽ viết sách và làm nghiên cứu, sẽ đi giảng bài và cả đi làm thực tế trên công trường, sẽ sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn, cả toàn cầu nữa. Lúc bé, tôi có một hình dung cụ thể: tôi mong một ngày nào đó sẽ giống chị Tetsuko Kuroyanagi, thành Sứ giả thiện chí của Liên Hợp Quốc.
Đến giờ, tất cả những biểu hiện bên ngoài của giấc mơ Icarus trên vẫn còn nguyên, nhưng ý nghĩa của nó đã thay đổi. Tôi đã nhận ra tất cả các mắt xích trong câu chuyện trên đều dễ vỡ nếu tôi neo nó vào bên ngoài thay vì bên trong; nếu tôi nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện, nếu tôi nhầm lẫn giữa hình thức và bản chất, giữa kết quả và hệ quả, giữa nguyên nhân và hiệu ứng. Nếu thay vì lấy lao động như là mục đích tự thân, tôi dùng nó như là phương tiện để đạt được tiền tài danh vọng hoặc ngay cả những sự hài lòng cá nhân mà thước đo rốt ráo của nó là sự đánh giá của xã hội thì tôi sẽ không bao giờ được thoả mãn. Tất cả những điều tôi đạt được sẽ trở nên vô nghĩa nếu đó không phải là điều tôi muốn làm, tôi lựa chọn làm, tôi tự đặt ra mục đích và tự đánh giá. Ngay cả sự hài lòng cá nhân cũng sẽ mang một màu sắc vay mượn và phản ánh.
Ở Oklahoma, tôi bắt đầu mơ hồ nhận ra sự bấp bênh của từng mắt xích trong ước mơ bay lên này. Tôi cũng biết mình chưa đủ sức và chưa đủ trí để tìm một câu trả lời dứt khoát. Nhưng tôi biết rằng ánh sáng đã le lói cuối đường hầm.
20 đô la được bạc, khi về đến nhà tối thứ Bảy, tôi mua một cái phone card và gọi về Hà Nội cho người da vàng nọ. Hạnh phúc là điều có thực và tất yếu; khổ đau mới là điều phi lý.

7.Omaha - Interlude tháng Năm

Ba tháng trước đây, tôi có đến Oklahoma trong một dịp nghỉ học giữa kì học mùa xuân. Gọi là đi nghỉ nhưng nó mang nhiều màu sắc đi trốn và đi tìm. Cái mà tôi muốn trốn tránh là một sự hoang mang cụ thể. Cái mà tôi muốn tìm thì mơ hồ hơn. Nó nằm trong trong một sự thôi thúc ngấm ngầm, một ham muốn được trả lời dứt khoát, quyết định dứt khoát con đường mình sẽ đi trong cả quãng đời sau này.
Ở Oklahoma về Omaha, tôi đã có câu trả lời cho cả hai thứ trốn và tìm một cách rõ ràng hơn. Sự rõ ràng này đến nhờ vào một số phương tiện mà thế giới gọi tên là “tình yêu đích thực, tính nhân ái và sự thấu hiểu”. Nó có một khẩu hiệu ẩn dưới là “Take it easy!”
Ở Oklahoma về, tôi có một cảm giác nhẹ nhõm hơn nhưng không hẳn là được giải phóng. Sự tự do thoát khỏi khỏi một số mối lo phiền và nỗi đau không phải là cái tôi muốn tìm tuy rằng nó có giúp cho tôi một quãng dừng để thu thập sức lực và tinh thần trong lúc vẫn mò mẫm để tìm cách rũ bỏ sáp ong trên cánh và nuôi dưỡng giấc mơ bay lên. Tận sâu bên trong, tôi biết mình thiếu một nền tảng vững chắc về nhận thức để làm hậu thuẫn cho các quyết định của mình. Tôi biết là những phiền lo bên trên có thể trở lại bất cứ lúc nào, chừng nào tôi vẫn còn luanh quanh trong đường hầm này.
Tôi có một hình dung mơ hồ về trạng thái mà tôi muốn đạt tới: một sự tự do và thanh thản tuyệt đối đối với mọi thứ bên ngoài và bên trong. Tuy thế, sự tự do và thanh thản này phải không bắt nguồn từ cảm tính mà bắt nguồn từ nhận thức. Nó không phải một trạng thái thanh thản chết, không phải sự tĩnh lặng kiểu không vận động. Tôi biết nó phải cao hơn thế. Nó phải là một nhận thức không phụ thuộc ngoại cảnh và sự tu tập nào. Nó phải là trạng thái ý thức rõ ràng về mọi thứ, về bản thân; là một trạng thái yêu thương vô bờ bến, không sợ hãi, không điều kiện và không định kiến; là sự reo vang không dứt của tình yêu cuộc sống trong cảm giác mình là chủ thực sự của bản thân và thế giới. Có mặc đẹp hay không không quan trọng. Có biết người này người kia không không quan trọng. Có được tán dương khen thưởng yêu thương, có bị la mắng phê bình không không quan trọng. Có đạt được những điều mình ham muốn trước đây hay không không quan trọng nốt.
Sự tự do tư tưởng - Tôi biết cái trạng thái ấy; nhưng tôi chưa biết con đường nào sẽ đưa tôi đến đó. Tôi chỉ biết rằng tôi sẽ không take life easy! Cuộc sống này của tôi quá đáng quý để có thể take it easy!
***
Thế giới vốn không có các xung đột, mâu thuẫn hoặc các nghịch lý. Khi nào bạn nhìn thấy một hiện tượng có vẻ hàm chứa mâu thuẫn và nghịch lý, khi nào bạn phải dằn vặt về một xiềng xích nào đó, hãy kiểm tra thước đo, thang đánh giá, và ngay cả các nhận thức mà bạn cho là tiên đề hay nền tảng bất đi bất dịch của bạn trước.

8. Tháng Sáu ở Oklahoma

Dĩ nhiên là tuyết đã tan từ lâu rồi. Những triền đồi màu xám, trơ trụi đất sỏi vàng của tháng Ba đã được phủ kín bằng màu xanh non ngút mắt của cỏ và các loại hoa dại. Sóng cỏ và hoa trập trùng trong khi gió thổi lộng qua các thung lũng, cuốn lên trời những đám hoa khô nhỏ li ti.
Dĩ nhiên là giao thông nước Mỹ vẫn thế: những con đường cao tốc nhiều làn xuyên liên bang, xe cộ đi lại trật tự, những cây cầu bắc ngang sông, những hệ thống bơm xăng dầu tự động, những con đường nhiều tầng bắc xuyên qua các thung lũng thoai thoải.
Dĩ nhiên là hàng ngàn cái cần trục nhỏ nằm rải rác trên khắp đất Oklahoma vẫn làm việc cần mẫn đêm ngày để hút dầu từ trong lòng đất lẫn đá sỏi với sét.
Dĩ nhiên là người da đỏ vẫn còn huyền bí và hấp dẫn với những phong tục và lễ hội văn hoá cuả họ.
Và dĩ nhiên là Oklahoma làm tôi vui. Cũng như Omaha làm tôi vui. Nước Mỹ làm tôi vui. Hà Nội làm tôi vui. Châu Phi làm tôi vui. Người da vàng, người da đỏ, người da đen làm tôi vui. Cả sự sống này của tôi vui hớn hở.
Từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay, chính con người chinh phục và tạo ra ý nghĩa cho thế giới tự nhiên chứ không phải ngược lại. Tất cả những gì mà tôi nhìn thấy ngày hôm nay: dù là những cái cần trục hút dầu, dù là những làn đường giao thông nhiều tầng, dù là những cánh đồng trồng đầy các giống ngô cải tiến, dù là những đường dây tải điện bắc vượt qua các thung lũng đầy hoa và cỏ - tất cả đều chỉ là sản phẩm hữu hình của năng lực tư duy cá nhân. Năng lực tư duy này là sản phẩm cá nhân, không có khả năng tráo đổi và làm giả, không có khả năng thay thế. Nó cũng như văn hoá là thứ không thể vay mượn và trao đổi được. Một nền văn hoá và một người sẽ chết đi ngay từ phút giây anh ta đầu hàng và từ chối quyền tư duy độc lập để tráo đổi lấy các phương tiện và công cụ tư duy có sẵn mà xã hội tạo ra, tráo đổi sự thoả thuận và các tiện ích trí tuệ tồn tại dưới nhiều hình thức.
Thế giới này vận hành được không phải nhờ vào các sóng cỏ và hoa trên các sườn đồi, nhờ nắng vàng hay mây xanh mà nhờ vào sức người và trí tuệ sáng tạo không mệt mỏi của con người.
Đẹp hơn cả trời xanh và mây trắng là những cột khí tượng và những căn nhà xây trên sườn đồi bằng những vật liệu có khả năng chống lại lốc, gió xoáy, chống lại mưa bão. Đấy là trí tuệ của con người trong công cuộc chế ngự thời tiết, làm chủ thiên nhiên, hiên ngang thách thức thiên nhiên.
Đẹp hơn cả những thứ hữu hình như áo lông chim sặc sỡ, những ánh sáng huyền bí mơ hồ của người da đỏ là vẻ đẹp của ý nghĩ và tâm hồn ẩn dưới đó, vẻ đẹp của sức mạnh duy trì văn hoá - sức mạnh tạo nên bởi những người biết rằng văn hoá không phải là thứ có thể vay mượn và tráo đổi; cũng như năng lực tư duy là thứ không thể vay mượn và tráo đổi.
Ẩn dười những cái cần trục nhỏ lên xuống đều đặn hút dầu từ lòng đất sâu hàng ngàn thước có màu đỏ vàng là tư duy của những người đã nghĩ ra nguyên lý hút dầu từ trong lòng đất sâu, của người thợ luyện kim tạo ra những mũi khoan có khả năng xuyên thủng đất đá, của người thợ đã tạo nên mạng lưới chằng chịt những đường ống dẫn dầu dưới lòng đất, xuyên lòng đại dương, duyên qua các quả đồi và các vách núi đá, của những người thợ lọc dầu chuyển quặng dầu thành ra các sản phẩm phục vụ con người. Trái Đất này không còn thuộc về và không còn bị làm chủ một đấng siêu nhiên nào nữa ngoài con người, ngoài năng lực tư duy sáng tạo của con người.
Sự tiện lợi vật chất mà tôi được hưởng chỉ là ánh sáng phản chiếu của vẻ đẹp trí tuệ, sức mạnh trí tuệ. Sự ngưỡng mộ của tôi với các tiện ích giao thông, với các sản phẩm làm từ quặng dầu, với những cây cà chua, cây ngô thu hoạch trên các đồi cao chính là sự ngưỡng mộ và trân trọng trí tuệ con người chứ không phải sự ngưỡng mộ các nền tảng vật chất hay sự hưởng thụ. Ham muốn của tôi khi nhìn thấy những biểu hiện của nền tảng vật chất ấy là phản ánh ham muốn dùng trí tuệ của chính mình chứ không phải ham muốn có các nền tảng đó cho sự hưởng thụ của mình.
Cái đẹp hơn cả chính là cái đẹp trong mục đích tự thân của sự tư duy và sáng tạo. Của sự tồn tại và ý thức đầy đủ về sự tồn tại. Tôi hiểu rằng tình yêu con người phải là tình yêu và sự trân trọng với khả năng tư duy và sáng tạo của họ; chứ không phải là sự đùm bọc, chở che, ban phát của cải vật chất cho họ. Đem cho một người một số tiền, xây cho họ một căn nhà không phải là biểu hiện cuối cùng của tình yêu thương. Bao che cho những cảm giác tự ti và sự hèn yếu của một người - dù là dưới vỏ bọc nào: vỏ bọc về tình nhân ái, tình đồng bào, sự vị tha, độ lượng - đều là tội ác, đều là chối bỏ và phủ nhận giá trị của người kia. Và tình yêu đích thực sẽ là một tình yêu có ý thức, không sợ hãi và không điều kiện, là sự chấp nhận hoàn toàn trong nhận thức đầy đủ về bản chất của tình yêu.
Tôi cũng hiểu rằng tình yêu bản thân - vì thế - không phải là việc chiều chuộng những ham muốn vật chất và tinh thần của thân xác và của một tâm hồn không mục đích. Nó phải là tình yêu không tách rời, không phân biệt, không điều kiện và có ý thức đối với cả thể xác và tâm hồn. Nó là tình yêu với từng hơi thở và từng cơ bắp mà ta biết hàm chứa trong nó sức nâng, sức dướn, sức đẩy để biến đổi thế giới. Nó là tình yêu với từng ngón tay mà ta biết ẩn chứa trong nó khả năng cầm nắm, khả năng nhào nặn tượng, khả năng đưa các nét chì kiến trúc hay các nét cọ trên các tấm toan, khả năng gõ các dòng lệnh lập trình, khả năng viết và diễn đạt tư duy thành các tác phẩm. Nó là tình yêu với các rung động trào lên trong tim và các sự xoáy vặn, trăn trở của tư duy, của trí tuệ trong sự đi tìm các điều mới. Tất cả những thứ chúng ta vẫn nghĩ - ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, quan hệ con người, vân vân - đều phải mang trong nó mục đích tự thân và sự ý thức sâu sắc về giá trị và tình yêu bản thân, sự không tách rời giữa trí tuệ và thể xác của ta. Bất cứ ai chỉ coi trọng tâm hồn mà khinh thường thể xác hoặc ngược lại đều đã sai lầm.
Tháng Sáu ở Oklahoma, đất và trời như khoác áo mới.

9. Ngày bầu cử

Về Oklahoma lần này, tôi không quan sát cuộc bầu cử như một kinh nghiệm mới về đời sống một bộ lạc xa lạ. Tôi đã bắt đầu quên rằng người Mỹ da trắng, mắt xanh; người da đỏ để tóc dài mặc áo lông thú, người Việt Nam da vàng. Con người ở đâu cũng thế - đều có chung những đặc tính, chịu chung những sự khốn cùng do các xiềng xích với tự nhiên, với xã hội, với bản thân. Con người ở đâu cũng chỉ có một con đường để ra khỏi sự khốn cùng đó.
Một vài dữ kiện: Đạo luật Liên bang Hoa Kỳ ngày 2-3-1929 quy định cứ bốn năm một lần (tính từ năm 1930) vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Sáu, các thành viên trong bộ lạc Osage sẽ tiến hành bầu cử để chọn ra chính quyền bộ lạc. Việc bầu cử sẽ chọn ra một tộc trưởng (gọi là Principal Chief), một người phó (Asisstant Principal Chief) và một hội đồng cố vấn gồm 8 người.
Năm 1906, chính quyền Hoa Kỳ ban hành một đạo luật về phân bổ đất đai cho người Osage, theo đó tất cả các thành viên trong bộ lạc (tính theo thống kê cho đến ngày 30-6-1907) sẽ được hưởng một mảnh đất. Lúc đó, bộ lạc Osage có 2228 đầu người. Mỗi một đầu người (kể cả trẻ con hoặc trẻ con đang còn trong bụng mẹ) được phân bổ đất sẽ có một quyền và chế độ quyền lợi này gọi là headright system.
Theo chế độ headright này, việc bầu cử trong bộ lạc không tuân theo chế độ cử tri phổ thông dựa trên quyền bình đẳng giữa các công dân trong xã hội. Thay vào đó, trong bộ lạc Osage, chỉ những người có headright mới được bầu cử. Khi một người có headright chết đi, người đó sẽ để lại quyền cho con hoặc cho một người nào đó theo di chúc. Nếu một người có hai con trai và để lại quyền cho cả hai con thì mỗi người con sẽ được một nửa headright và phiếu bầu của họ sẽ có giá trị 1/2 headright. Ví dụ trong gia đình ông Trumbly hiện nay, chỉ có ông Joe có quyền bầu cử, bà Alaine không được bầu vì bà không phải dân Osage, cô Teresa không được bầu vì chưa có quyền headright. Khi nào ông Joe qua đời và để lại quyền headright thì cô Teresa mới được tham gia bầu cử.
Hiện nay, có khoảng gần 20 ngàn người trên nước Mỹ là người Osage. Những năm trước đây, người Osage trên khắp nước Mỹ vẫn về Pawhuska - khu tự trị bộ lạc - để bầu cử. Năm nay, khoảng 2/3 người Osage không về khu tự trị nữa mà bầu theo chế độ cử tri vắng mặt (absentee voters). Ngay cả người Osage sống ở Pawhuska cũng vắng mặt trong cuộc bầu cử vốn được coi là rất trọng đại trong đời sống bộ lạc này.
Ngày 4-6-2002: tham gia cuộc tranh cử lần này có 5 ứng cử viên cho vị trí tộc trưởng, 2 ứng cử viên cho vị trí tộc phó và 22 người tranh cử cho hội đồng bộ lạc. Khắp trong thị trấn là những cái biển nho nhỏ ghi những hàng chữ vận động tranh cử, các tờ rơi vận động, cả các trang web của các ứng cử viên. Mọi thứ đều mang một màu sắc dân chủ rất Mỹ ngoại trừ những quy định về quyền bầu cử đã nói trên.
Và một vài yếu tố phụ: Khi tôi xuống xe lúc khoảng 10 giờ sáng thứ Hai, ngày 4-6-2002, có khoảng vài trăm người đứng ngồi trong các khu lều bạt căng trên bãi đất rộng cạnh khu nhà trung tâm của bộ lạc Osage. Ngoài lí do về thăm nhà của cô Teresa, lần này chúng tôi về Pawhuska còn vì cô Teresa muốn Layton có mặt trong lần bầu cử cuối cùng của ông Joe Trumbly. Đây là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Joe trong hội đồng bộ lạc. Mặc dù vẫn có tên trong danh sách ứng cử vào hội đồng, nhưng ông Joe tham gia chủ yếu vì muốn ủng hộ cho tộc trưởng Tillman hiện tại của bộ lạc - một người mà ông Joe cho là rất có khả năng và xứng đáng.
Ông Joe là một trong số ít những người Mỹ ở tuổi ngoài 60 mà tôi thấy vẫn còn minh mẫn và có sức làm việc tuyệt vời. Ông là người chịu trách nhiệm về tài chính cho bộ lạc, một người rất rộng lượng và thẳng thắn. Ngày nào ông cũng xem bản tin tài chính, đọc The Economist, Wall Street Journal và các loại báo, tạp chí kinh tế khác. Ông Joe có trí nhớ và sự sắc sảo hiếm thấy của một người quản trị. Tôi cũng biết rằng ông và tộc trưởng Tillman là những người khá có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến người da đỏ trong cộng đồng các bộ lạc cũng như ở Washington.
Ông Joe nói rằng trong số các ứng cử viên vào hội đồng bộ lạc có một người phụ nữ từng bị ông Joe đuổi việc vì gian lận sổ sách và nghiện ngập. Tuy thế, dư luận bộ lạc lại đứng về phía người phụ nữ kia với một lí do đơn giản: người phụ nữ đó là người Osage, và có các đặc quyền của người Osage: bao gồm cả đặc quyền được cung cấp việc làm và hưởng tiền công từ công việc mà họ không có khả năng hoàn thành.
Tính độc lập tương đối của các bộ lạc, đặc biệt là trong các khu tự trị đã làm hỏng người da đỏ. Lối sống đùm bọc cộng đồng mù quáng đã làm hỏng người da đỏ. Họ sống dựa trên các đặc quyền; lấy việc mình là người da đỏ như một thứ công cụ để đặt điều kiện và để kết án xã hội trong các tình huống mà họ phải va chạm với xã hội. Có thể nói rằng hầu hết những cá thể mạnh mẽ của bộ lạc (như cô Teresa) đều đã rời khu tự trị để đi làm ăn sinh sống ở xa; còn lại trong các khu tự trị là một cộng đồng những người sống dựa vào nhau và dựa vào đặc quyền da đỏ trong bộ lạc. Nói theo một cách nào đó họ đang “sống mòn” và tầm gửi vào một cái bóng của quá khứ.
Thống kê cho thấy trong số những người Osage sống ở Pawhuska hiện nay, nếu tiến hành kiểm tra để tuyển việc thì rất nhiều trong số họ không đủ tiêu chuẩn vì không qua khỏi các cuộc kiểm tra về mức độ nghiện rượu, nghiện thuốc phiện. Không riêng gì với người Osage, người da đỏ trên khắp nước Mỹ vẫn có tỷ lệ thất học cao nhất.
Khoảng 12 giờ, bữa ăn trưa bắt đầu. Chúng tôi đứng trong lều của tộc trưởng Tillman cùng với ông Joe, anh em nhà Wallers và các thành viên khác trong hội đồng bộ lạc. Tộc trưởng Tillman nói một vài lời cảm ơn, rồi tất cả cầu nguyện Chúa Trời trước khi xếp hàng để lấy đồ ăn. Trong các lều, tiếng nói cười vang lên rộn rã.
Như tôi đã nói, con người ở đâu cũng giống nhau. A có nhất thiết là A không?
Đêm đó, chúng tôi không thắng. Khoảng 12h đêm thì ông Joe và bà Alaine về nhà. Ông Joe không có ý kiến gì về thất bại của mình; nhưng ông hết sức buồn vì tộc trưởng Tillman và anh em nhà Wallers không được bầu trở lại. Cả 8 người trong hội đồng cũ, chỉ có 1 người duy nhất vẫn được bầu. Ông Joe nói rằng ông có cảm giác bị phản bội. Cô Teresa an ủi ông rằng trong những người được bầu mới, không có ai là người theo Đạo và điều đó chứng tỏ rằng Chúa đã rút bàn tay chở che của Người khỏi dân tộc Osage, giống như trước đây Chúa đã từng rút tay Người khỏi dân Israel trong 40 năm khi họ quay lưng lại Chúa. Tôi nằm trong bóng tối nghe cô Teresa, bà Alaine và ông Joe cầu nguyện. Layton đã ngủ từ lâu rồi. Một lát sau, trong nhà im lặng, chỉ còn tiếng máy điều hoà chạy đều đều. Tôi biết ông Joe - dù vững vàng đến mấy - cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng, giống như tôi đã chứng kiến cú sốc ở bố tôi cách đây mấy năm trong một dịp tương tự. Tôi nghĩ đến cô Teresa và bà Alaine, đến nỗi đau mà họ đang gánh hộ ông Joe một cách không cần thiết.
Tôi nghĩ đến trời đen ngoài kia, đến gió lồng lộng trên các sườn đồi cách chỗ tôi nằm không xa, đến những người Osage đang ngủ trong thị trấn Pawhuska này. Cái mà họ đang mất đi thực ra không đáng giữ. Cái văn hoá hiện vật thể hiện dưới các thứ lều trại, áo lông thú, chế độ tập tước hay nhiều thứ khác không phải là cái mà họ nên đau khổ vật vã khi mất đi.
Cái mà họ hay bất cứ một dân tộc nào khác nên lo lắng về sự mất mát của nó chính là sự mất mát của sức người, của trí tuệ con người. Một dân tộc không suy nghĩ là một dân tộc chết. Một dân tộc không duy trì một nền tảng giá trị dựa trên quyền cá nhân và sự tự tôn cá nhân, mà dựa trên các đặc quyền, các quan hệ và sự bảo trợ sẽ không thể nào lớn mạnh. Một dân tộc không có các thang đánh giá con người dựa trên khả năng tư duy và sáng tạo của họ, mà dựa trên quan hệ hoặc các thứ thước đo mang tính phản ánh khác sẽ chỉ sống như một cái cây cớm nắng mà thôi.
Sức người - đấy là mấu chốt của một dân tộc bởi vì con người tạo văn hoá, chứ không phải văn hoá quy định ngược lại con người.
Sự khác nhau giữa A và A nằm ở đâu? Nằm ở chỗ khi được cho phép tự nguyện lựa chọn, con người đã từ chối sử dụng thứ công cụ duy nhất làm cho họ sống như một con người: khả năng tư duy, đánh giá và ra quyết định một cách độc lập, một cách có lí.

10. Bão thảo nguyên

Bắt đầu là tiếng leng keng vội vã, hốt hoảng và hoang mang của cái chuông gió treo đầu hồi nhà.
Bắt đầu là những cơn gió nóng hầm hập trườn nhẹ nhàng qua các thung lũng, mang trong mình sự hanh hao của bầu trời, sức nóng và vị oi oi, nồng nồng của đất dầu.
Bắt đầu là những đám mây màu xám cau có vần vũ từ xa bay lại rồi thình lình ôm trùm lấy các đỉnh đồi xung quanh và lồng lộn thay đổi hình dạng liên tục phía trên các nóc nhà, các con đường trong thị trấn.
Bất thình lình, mưa trút xuống ào ạt như thể thần chiến tranh cưỡi cỗ xe 12 ngựa vừa mở cổng thành xung trận, quá tự tin đến mức không cần đợi chiêng báo hiệu. Bầu trời như nứt ra và nước cứ thế trút xuống, tưởng như Chúa Trời gây Đại hồng thuỷ thứ hai sau thời của Noah.
Mưa đá! Những hạt mưa là những cục băng to bằng đầu ngón chân cái rơi rầm rập từ trên cao xuống: gõ lộp độp trên các nóc nhà, lăn tơi tả trên mặt cỏ và đập ràn rạt trên nền đường. Thiên nhiên đang hú gào thể hiện quyền lực của nó trên Mặt Đất. Không gian trùm trong màn mưa trắng và những tiếng ầm vang, tiếng hoan ca.
Trong tích tắc, gió đổi từ hanh hao, hầm hập nóng sang mát lạnh. Nàng rít lên lanh lảnh, ghé miệng thổi tung các lá cờ treo trước các căn nhà, vung tay bứt từng đám lá ném tung toé xuống mặt đường hoặc bừa ẩu vung lên không trung. Nàng trườn mình qua các rừng cỏ lau và cây bụi trên các sườn đồi bỏ lại sau những tiếng vi vút ngân dài. Nàng nhảy xuyên qua màn mưa bằng bước chân vũ nữ, thò tay vặn từng tấm màn nước trắng thành những hình xoáy tròn rồi buông tay rắc nước ra khắp nơi; nàng đi như chạy trên mặt hồ rộng, kéo theo gót chân nàng những đợt sóng trắng bạc, chỏm sóng nhập vào những giọt nước đang rơi xuống từ trời cao, đuổi xô nhau vào bờ trong sự hoan hỉ.
Nước chảy xối xả trên đường, từ nóc nhà, từ trên đồi cao, từ trong các lòng mương khô hạn, từ các con sông xa - sông Ankansas, sông Missouri, sông Nebraska, hay từ biển lớn đổ về. Nước như nứt từ duới đất trào lên khi gặp mưa từ trên xuống. Nước như trào ra để hoà hợp vơí dòng thác từ trời cao. Nước bắn tung lên các cửa sổ, cuồn cuộn chảy dọc các con dốc, láng sáng trên mặt lá, nhỏ tong tong từ cái chuông gió, phủ mờ mặt kính cửa sổ, kéo trôi váng dầu trên mặt đất xuống các lũng nước; gột sạch bụi đỏ trên những thân cỏ.
Hoà vào tiếng nước xối trên mặt đất và tiếng gió rít lưng chừng, hiên ngang ngự trị phía trên cao là thần Sét, tay vung lưỡi búa vạch những đường lửa sáng khắp trời. Gã cười lên khanh khách trong bộ giáp trụ sáng bạc, đứng oai phong trong cỗ xe tứ mã, luồn qua các đám mây lớn, châm lửa vào từng chân mây và mở miệng túi ném ra những tiếng sấm lăn dài trong không trung. Hắn ngạo nghễ trải thảm đỏ dưới chân hắn khắp cả bầu trời. Những nóc nhà rung lên, nhập nhoạng ánh sáng ma quái trong chớp loè và sấm nổ. Những trườn đồi sẫm bóng mây và mờ trong màn mưa thi thoảng lại loé sáng, vạch một bóng rõ ràng nên nền trời.
Phía xa, những cánh rừng thẫm lại trong mưa. Những con sóc vội vã đi trốn từ lúc bắt đầu có gió. Những con hươu đứng bồn chồn dưới tán cây trú mưa, thỉnh thoảng lại rùng mình vẫy nước rồi vùng bỏ chạy khi sét rạch ngang trời. Cây cối tơi tả, cành khô gãy răng rắc, những tàng cây cổ thụ nặng nước cũng ngã gục, nhựa rỉ ra, sực lên một mùi hăng hăng mà gió đón lấy và ném vào không trung.

Chiều hôm qua, ba chúng tôi - cô Teresa, bà Alaine và tôi - đi Bartlesville sắm đồ. Chiều hôm kia, chúng tôi đi Ponca city thăm một người họ hàng. Những lúc xe chạy lên đỉnh đồi, có cảm giác như chúng tôi đang phóng thẳng vào đường chân trời. Aaaaaaaaaaaaaaa...Hai bên đuôi mắt tôi là những thung lũng lộng gió và xanh ngút mắt; mây trên cao làm thành từng đám bóng nắng rời rạc khắp trên mặt cỏ. Mặt trời ở trước mặt tôi đỏ ối như một miệng lò nung, thấp tháng bóng dáng những cánh tay trần của những người thợ nhễ nhại mồ hôi đang hối hả đúc thời gian. Trên đầu tôi, trên tóc tôi, diều hâu lượn tròn từng đôi, thong thả và thoải mái như những người chủ thực sự của bầu trời. Ngồi trong xe nhìn ra ngoài, tôi nghĩ đến những con đường lượn quanh các sườn đồi và những cột điện cao tải điện đi ngang dọc. Ai là người bạt núi mở đường? Ai là người chôn cột, căng dây, kéo điện thắp sáng trời đêm?
Chiều nay, bão về vần vũ trên thảo nguyên, làm chủ đất và trời. Ngoài kia, mưa vẫn rơi xối xả, gió vẫn gào thét và sấm chớp vẫn rạch chéo qua khoảng không nối liền trời và đất. Cái cửa sổ tôi đang đứng nhìn ra ngoài bắt đầu mờ mờ hơi nước. Nhìn xuyên ra ngoài, tôi thấy những cành cây vặn mình quằn quại trong gió mưa. Chỉ có mỗi một thứ hình thù xấu xí trơ trọi trên mặt đất là trơ gan cùng gió bão: những cái cần trục hút dầu. Mặc gió mưa thét gào cuồng nộ, nó vẫn lên lên xuống xuống khoan thai để kéo quặng dầu lên các đường ống. Gió, nước, sấm, chớp chẳng mảy may làm nó động lòng.
Nếu tôi đưa bàn tay phải này lên và gạt những đám hơi nước trên cửa sổ đi, tôi sẽ nhìn thấy bên ngoài rõ hơn. Nhưng tôi vẫn đứng lặng yên, hai bàn tay bất động, duỗi dài song song với thân người trong một ý thức rõ ràng rằng sẽ không có bàn tay nào được đưa lên cả. Có tiếng reo ca hoan hỉ ở trong đầu. Đấy là tiếng reo chiến thắng của trí óc với cơ bắp cụ thể này, là sự hân hoan nhìn thấy bóng dáng sức mạnh tiềm ẩn của tư duy. Bàn tay có đưa lên hay không không quan trọng; nhưng tôi biết trong những lúc khó khăn sau này, khi tôi sẽ phải quyết định có đưa tay ra hay không, tôi có thể dựa vào đầu óc mình được. Cả thể xác và trí tuệ của tôi là một khối thống nhất không thể tách rời. Tôi có thể cảm thấy nó trong từng hơi thở, từng cử động.
A ha. Những ý nghĩ đang vươn dài ra. Chúng tung mình lên không, nhào lộn, luồn lách qua các đám mây, bay trên mặt hồ, bứt tung các đám lá ném lên trời, đập mạnh hai cánh mà lao vút lên phía trên các đám mây tích lửa rồi sà xuống thổi ra một luồng hơi làm nguội đi dòng nham thạch âm ỷ. Những ý nghĩ như sóng cuộn lên, chạy dài ra xa bờ trong tiếng cười nhạo khanh khách, kéo vào gần âu yếm và thân thiện, rồi vút lên trong cả sự giận dữ và yêu thương sâu như dao cắt. Có lúc chúng hiện hình rõ rệt như có thể cầm nắm được, có lúc chúng mơ hồ như một bóng thiên nga trên mặt hồ đêm có màu trắng xanh. Chúng lăn như những hòn bi ve nhiều màu trên các trang giấy viết bài, chúng trầm tư xếp hàng trong các dự định đang thành hình một cách vững chắc, chúng háo hức nhưng kiên nhẫn trong những nỗ lực đi xa. Chúng độc lập và tự tin. Mỗi lần như thế, có cái gì đó lại reo vang lanh lảnh. Một cái gì đó nhiều nhiều nhiều, đẹp đẹp đẹp và thân thiết vô cùng, như có thể dang tay mà ôm vào lòng. Thần trí tuệ cưỡi cỗ xe 18 ngựa lao vun vút trong đường hầm dài hun hút của tư duy, vút ra phía bên kia cửa hang nơi có ánh sáng và những con ngựa đầu mang sừng sải cánh bay lên, chân duỗi dài như những người múa ballet cổ điển.
Bão trên thảo nguyên là Đan-kô, người đã dứt trái tim soi đường cho những người khác đi qua đầm lầy; để rồi bị dẫm đạp lên, và chết trong quên lãng. Bão trên thảo nguyên là Atlas - vị thần đã đứng nâng cả bầu trời trên đôi vai cho nhân loại. Bão trên thảo nguyên là Promete ăn cắp lửa cho loài người rồi bị xiềng trên đỉnh Ô-lanh-pơ cho ác điểu rỉa thịt. Sự hy sinh của những người vĩ đại chính lại là lửa, là nguồn sống, là nguồn ánh sáng cho những kẻ tầm gửi khác, sống để huỷ hoại thế giới, sống để hấp thụ và phản chiếu ánh sáng nguồn kia một cách dối trá. Bão này chính là cơn giận của Đan-kô, là Atlas quyết định hất tung bầu trời trên vai, là Promete thả lửa xuống thiêu đốt tất cả, để mặc thế giới tự chịu trách nhiệm về mình. Thần ý Nghĩ bay ngang tàng trên không trung trong bộ cánh bạc, cười vang trước trật tự mới của vạn vật.
Trong ầm ào cuồng nộ của bão thảo nguyên, có bóng người đứng trên đỉnh đồi cao, hai tay vươn lên thâu lấy Mặt Trời, Gió và Sấm Chớp. *** “Sau cơn mưa rào, mọi vật đều sáng và tươi..” - bé em dậy sớm, ngồi ê a đọc bài bên cửa sổ...

11. Khi thế giới (không còn) hoàn hảo

Chúng ta nói về Utopia như một ý tưởng hão huyền. Rồi chúng ta lại nói về hoà nhập nhưng không hoà tan văn hoá. Chúng ta nói về sự giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Rồi chúng ta lại nói về sự hội nhập thế giới, về “the global village” Có thể những rối ren trong thế giới hiện tại làm cho người ta thấy ý tưởng về một thế giới đại đồng không phân biệt Mỹ, Việt Nam, Ai Cập, Palestine, Israel, Na Uy, Hà Lan vv...là một ý tưởng điên rồ và không tưởng. Người ta nghĩ sẽ không bao giờ con người triệt tiêu hoặc dung hoà văn hoá dân tộc được đến mức mà họ có thể chấp nhận nhau hoàn toàn để sống chung như trong một nhà, như thể thế giới chỉ là một cái vườn lớn, nhiều cây nhưng cùng sinh ra từ một lòng đất.
Thực ra sự không tưởng này nằm ở chỗ người ta cứ khăng khăng cho rằng mỗi dân tộc nhất định phải có một văn hoá như một thứ thuộc tính đeo bám vào một thực thể có sẵn. Rằng văn hoá Việt Nam là một thuộc tính đeo bám vào thực thể có sẵn là mảnh đất chữ S dài từ Mũi Cà Mau đến chỏm đầu Hữu Nghị Quan, đường bờ biển hơn 3000 km. Hay văn hoá Trung Quốc là cái tính “Tàu” đeo bám vào mảnh đất hình cái quạt nằm ở về phía Bắc nước ta. Người ta không chấp nhận nổi ý nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, cả thế giới chỉ có một văn hoá, một thứ chuẩn mực đạo đức, một nguyên tắc chung.
Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai khi nhận thức của con người cao hơn, khi các phương tiện kỹ thuật và công nghệ làm biến đổi ý nghĩa truyền thống của không gian và thời gian. Khi ấy sẽ có một khái niệm văn hoá mới: văn hoá cá thể. Người Việt vẫn giữ lấy quan họ, giữ lấy áo dài, khăn xếp, hò Nam Bộ; người da đỏ cứ việc nhảy múa trong áo lông chim; người Scotland cứ việc mặc váy thổi kèn túi dọc bờ biển, nhưng đó không phải là gốc của văn hoá mới. Cái cốt của văn hoá là cách người ta giao tiếp với nhau, cách người ta xử lí quan hệ giữa mình và cộng đồng, cách nhìn nhận và xử lí khái niệm "bản thân" và "công chúng".
Cái văn hoá cá thể này đòi hỏi người ta thôi không còn xem xét đám đông như là xem xét một thực thể có ý chí độc lập nữa. Người ta cần nhận ra rằng ý kiến của đám đông - mặc dù là một tiêu chí "đẹp" - rốt cục không phải là một tiêu chí đáng tin cậy khi ra quyết định. Về bản chất, thế giới này vận hành chủ yếu nhờ vào một số những bộ óc lớn - những người dám theo đuổi cái mà họ cho là đúng bằng mọi giá; phần còn lại - tức là phần bao gồm đại đa số những người không bao giờ có đủ sức mạnh để theo đuổi cái đúng bằng mọi giá - thì chủ yếu đi theo.
Tôi đã từng cho rằng người Mỹ ưu việt hơn người Việt, hoặc người Trung Quốc có những đặc điểm riêng khiến cho họ làm được những việc ta không làm được. Nhưng sau 2 năm ở Mỹ, tôi bắt đầu nhìn thấy người Mỹ, người Việt hay người Anh - khi xem xét riêng rẽ với tư cách cá thể độc lập với xã hội - hoàn toàn không khác nhau trên các điểm cơ bản. Bạn hoàn toàn có thể hiểu thấu đáo, có thể "đọc" một người Mỹ hay người Trung Quốc như "đọc" một người Việt nam. Bạn có thể nhìn vào một cá thể và đoán định về con đường anh ta đi, cách anh ta xử lý cuộc sống và những nguyên tắc nền tảng khiến anh ta xử lí cuộc sống như thế - kể cả những nguyên tắc thành văn lẫn những nguyên tắc thuộc dạng subconscious.
Nếu đến một ngày như thế, văn hoá của ngày ấy sẽ là thứ không tồn tại ở cấp độ tổ chức, cộng đồng hay quốc gia nữa. Nó chỉ tồn tại ở cấp độ cá thể và tất cả các cá thể trên thế giới sẽ cùng chung nhau văn hoá đó: văn hoá cá thể bình đẳng, ở đó mỗi người nhận thức rõ bản thân; sống trên nguyên tắc, trên mục đích của mình; không sống vì người khác và cũng không yêu cầu người khác sống cho mình; ở đó mọi sự quyết định đều trên tinh thần độc lập và có lí.
Hãy tạm nghĩ và viết thế đã...hì hì...